Tô Văn Trường
- Gần đây, Chính phủ có quyết định tạm dừng việc cấp giấy phép mới
khai thác khoáng sản trong cả nước. Chỉ riêng Nghệ An, sau 3 năm, số
doanh nghiệp tư nhân khai thác khoáng sản tăng từ 2 lên 148 doanh
nghiệp.
Một số tỉnh khác, khai thác titan gây ra những bức xúc lớn trong nhân dân. Không chỉ đơn thuần là việc chảy máu khoáng sản, mà còn là tiền đề làm nảy sinh khiếu kiện, tranh chấp và nghiêm trọng nhất là ô nhiễm môi trường. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa đánh rớt 6 hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với năm 2010 chủ yếu do bất cập trong điều hành chính sách, thâm hụt ngân sách, nợ công cao và cơ sở hạ tầng yếu kém, v.v.
Dự án bauxite Tây Nguyên hiện nay cũng đang
gặp bế tắc trong khâu vận chuyển sản phẩm (lấy tiền ngân sách làm đường
vận chuyển cho sản phẩm của bauxite), chưa kể các tác động xấu đến môi
trường... Đây là dịp tốt và rất thực tế để chúng ta nhìn lại, tìm lối
ra cho dự án bauxite Tây Nguyên rẻ nhất, có lợi nhất cho đất nước, cho
dân tộc.
Cuộc sống đúng là bất phương trình chứ không phải
phương trình vì vậy con người phải luôn đấu tranh không ngừng nghỉ.
Ngay cả thiên tài cũng có khiếm khuyết vì không ai là hoàn thiện. Nhìn
lại lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh cũng có biết bao bài học quý giá
đáng suy ngẫm cho những người đang giữ trọng trách quản lý điều hành
đất nước.
Chính cương và sách lược vắn tắt
(đúng đắn) của Đảng cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc nêu
ra tháng 2 năm 1930 khác Cương lĩnh chính trị (có sai lầm) do
Trần Phú đưa về tháng 10 năm 1930. Cho đến nay hai văn bản, hai
đường lối ấy được coi là phù hợp với nhau, thậm chí thống
nhất với nhau. Đây là một điều chưa được làm sáng tỏ. Đến năm
1941, tại hội nghị Trung ương thành lập Việt Minh thì đường
lối của Nguyễn Ái Quốc toàn thắng, dẫn đến Tổng khởi nghĩa
và Cách mạng tháng Tám thành công.
Năm 1938, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, năm
ấy 26 tuổi, viết tác phẩm lý luận và chính trị có tên là
"Tự chỉ trích", công khai nhận những sai lầm của Đảng trong
quan hệ với lực lượng trốt-kít thời ấy. Đây là một điểm
sáng đáng kính trọng.
Năm 1956, Đảng, công khai nhận sai lầm
trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, xin lỗi nhân
dân, thi hành kỷ luật những cán bộ lãnh đạo chịu trách
nhiệm, và sửa sai có hiệu quả.
Năm 1981, Đại hội V của Đảng, Tổng bí
thư là Lê Duẩn, công khai nhận sai lầm trong lãnh đạo và chỉ
đạo cách mạng. Năm 1986, Tổng bí thư Trường Chinh sau khi nhìn nhận
nghiêm túc về những hạn chế, sai lầm của mình cũng như của cả hệ thống
chính trị trong cả một thời gian dài, đã bất ngờ ngay bên thềm đại hội
VI, quyết định dứt khoát và khẩn trương ngay lập tức viết lại toàn bộ
Báo cáo Đại hội. Theo đó, những quan điểm hoàn toàn mới mẻ, trung thực,
thẳng thắn trong cách nhìn nhận sai lầm, hạn chế, và tiến bộ, cách
mạng trong đường lối chiến lược cho giai đoạn đổi mới được vạch ra sáng
suốt, cụ thể, đã được đưa vào các văn kiện cao nhất, quan trọng nhất
của Đảng ta, tạo nên công cuộc đổi mới mà kết quả và thành tựu ra sao,
ai cũng biết. Không chỉ có vậy, mặc dù khi đó vẫn còn mẫn tiệp và sáng
suốt, lại được tín nhiệm rất cao trong Đảng, trong Dân, Tổng bí thư
Trường Chinh đã "dấn thêm một bước" đổi mới nữa hết sức quan trọng, đó
là chủ động xin nghỉ để tạo điều kiện cho lớp trẻ phía sau mình toàn
quyền thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo. Nhờ đó mà người kế nhiệm
Nguyễn Văn Linh cùng những cộng sự của mình sau đó (như Thủ tướng Võ
Văn Kiệt) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo bước ngoặt lớn
cho đất nước vượt qua hiểm nghèo, bước sang trang sử mới.
Nhìn lại dự án bauxite Tây Nguyên là một dự
án gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng người dân Việt Nam. Rất nhiều
vấn đề bất cập, liên quan đến chính trị, kinh tế xã hội và môi trường
được các nhà khoa học, trí thức, lão thành cách mạng, người dân phân
tích, đánh giá không có lời giải đáp thỏa đáng như: Chủ trương, mục
đích, vị trí đặt nhà máy trên Tây Nguyên không hợp lý cả về mặt kỹ
thuật và kinh tế so với đặt ở bờ biển; Môi trường bị đe dọa nghiêm trọng
nhất là nguy cơ sự cố hồ bùn đỏ ở phía thượng lưu sông Tây Nguyên; Vận
chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm tốn kém, khó khăn. Nhiều chuyên gia
đã phân tích, dù nhà đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản
Việt Nam (TKV) đã được Bộ Tài nguyên Môi trường “bao cấp” không tính
phí tài nguyên môi trường, Bộ Công thương dự trù “biếu không” nhà máy
thủy điện Đồng Nai 5 để phục vụ cho dự án bauxite thì hiệu quả kinh tế
của dự án vẫn lỗ, trong khi nợ công đã đến mức báo động đỏ, v.v.
Có chuyên gia đánh giá việc Chính phủ mới
cho tạm ngừng việc cấp phép khai thác khoáng sản tuy chậm nhưng rất cần
thiết. Đây là dịp phải xây dựng được chiến lược và quy hoạch tổng thể
khoáng sản Việt Nam một cách đầy đủ, bài bản. Chiến lược và quy hoạch
này phải nêu đủ được tầm bao quát của công nghiệp khai khoáng trong bối
cảnh phát triển hiện tại của đất nước theo định hướng chuyển phát
triển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ kinh tế thượng nguồn sang hạ
nguồn, từ bóc lột tài nguyên sang kinh tế trí thức và phát triển bền
vững. Cần xây dựng lộ trình cụ thể cho minh bạch hoá và tham gia sáng
kiến Minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) của Việt Nam.
Nhìn ra các nước khác, năm ngoái, ở Ấn Độ,
chính quyền cũng quyết định dừng một dự án bauxite Vedanta để chờ đánh
giá tổng thể về môi trường. Ở Australia, mặc dù kiến nghị dừng khai
thác bauxite ở Queensland không được chấp thuận, nhưng chính quyền địa
phương phải xem xét cẩn thận lại đánh giá tác động môi trường trước khi
tiến hành dự án. Ngoài vấn đề bauxite, ở một nước dân chủ, trưng cầu
dân ý về những quyết sách quan trọng cho đất nước cần phải được tiến
hành. Trong năm nay, cuộc trưng cầu dân ý ở Ý về phát triển điện hạt
nhân đã bị phủ quyết bởi người dân, mặc dù chính phủ của Thủ tướng
Berlusconi quyết tâm phát triển điện hạt nhân với hàm ý tận dụng tính
kinh tế của điện hạt nhân.
Nếu bây giờ dừng dự án bauxite được và mất gì?
Cái mất là mất tiền đã đầu tư vào dự án, làm
thất vọng những người trong cuộc, ủng hộ dự án, kể cả đối tác và quyền
lợi của một số nhóm lợi ích.
Cái được mà ai cũng nhận thấy là được lòng
dân, không tiếp tục đổ tiền, lãng phí tiền thuế của dân vào một dự án
không hiệu quả về kinh tế, tác động xấu đến môi trường, bất an về xã
hội, phá hỏng nền văn hóa Tây Nguyên. Cái được ở đây còn là dịp để
Chính phủ dẹp loạn tham mưu và làm ẩu của nhóm người không nghĩ đến
quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Rà soát lại chủ trương, mục tiêu
phát triển dự án, nếu quyền lợi dân tộc và đất nước được minh bạch và
bảo đảm thì cũng là dịp cho những người lãnh đạo được vẻ vang với nhân
dân.
Ở phần mở đầu của bài viết này, là những
minh chứng gần gũi, điển hình về bản lĩnh người lãnh đạo, có đủ tri
thức để nhận thức ra sai lầm của mình, có đủ bản lĩnh để nghĩ đến thừa
nhận nó và thuyết phục những người khác cùng mình quyết tâm sửa chữa
nó. Tất cả những lần công khai, thẳng thắn nhận sai lầm, đều được
dân hoan nghênh, ủng hộ và tin tưởng. Điều cốt yếu để công
khai nhận sai lầm và sửa chữa có hiệu quả là ở cái tâm, thứ
đến mới là cái tầm, cái trí. Cái tầm còn nằm ở trí tuệ, phải có
trí mới có tầm. Cái tầm còn do trí được gọt giũa công phu qua rèn
luyện cả ở một nền giáo dục từ trong gia đình, trường lớp và cả ở môi
trường kinh nghiệm thực tế xã hội tranh đấu và tương tác. Để vươn đến
các tầm cao mới hơn, vĩ đại hơn, có lẽ, người ta phải có khả năng học
hỏi tốt và kế thừa được các đức tính tốt của cả các thế hệ đi trước,
chắt lọc, gạn đục khơi trong, may ra mới đạt được những đỉnh cao mới
trong mọi lĩnh vực. Khi có trí, có giáo dục và rèn luyện tốt để đạt
những phẩm chất tốt, đẳng cấp và tầm cao mới, người ta nhấn mạnh “chữ
tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du) để con người thực sự đạt được
phẩm chất của chữ nhân đứng đầu trong “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Tâm
là từ nhân và ngược lại.
Khi người ta đọc các nhu cầu của con người
phương Tây của Maslow (Maslow's hierarchy of needs) kết hợp với nhân
sinh quan phương Đông, có thể hiểu được phần nào chữ tâm và lòng nhân
cũng sẽ còn phải luôn được con người phấn đấu mới mong đạt được. Khi
đó, con người mới đạt được tầm cao mới, “chiến thắng được chính bản
thân mình”!
Đã đến lúc cần phải công khai, xem xét lại
quy hoạch toàn vùng, tính toán lại toàn bộ chi phí về giao thông các
loại, năng lượng, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, đào tạo công nhân,
v.v. của dự án bauxite Tây Nguyên. Cần phải sòng phẳng với dân về tính
toán hiệu quả kinh tế của dự án là nói toàn quốc gia, còn hiệu quả tài
chính là nói với doanh nghiệp. Nếu nhà nước bao cấp như lấy ngân sách
để làm đường, làm cầu cho việc vận chuyển sản phẩm của bauxite thì
doanh nghiệp có hiệu quả, thực ra là “lời giả, lỗ thiệt’ vì vốn ngân
sách thực chất là tiền thuế của dân. Chỉ vì dựa vào đã có chủ trương
nên khi tính toán kinh tế người ta đã cố tình lờ đi tính khoa học và
xác thực của bài toán kinh tế. Chỉ cần tính đem chi phí sản xuất 1
tấn sản phẩm tại chỗ, cộng chi phí vận chuyển ra cảng, trong chi phí
sản xuất cần tính cả chi phí đầu tư. Nếu có giá trị tổng đầu tư thì
đem chia cho 50 (cứ cho rằng “tuổi thọ” của nhà máy được đến 50 năm) để
ra chi phí khấu hao phải tính vào giá thành. Sau đó, so sánh giá 1 tấn
sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự
án. Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi này so sánh
với lãi nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê để tính lãi theo
nguyên tắc giá thành cơ hội (opportunity cost) phải lấy lãi từ làm bô
xít trừ đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.
Chỉ cần TKV cung cấp đầy đủ các thông số sẽ
tính ra ngay hiệu quả công trình ở thời điểm hiện nay để chứng minh
được rằng chi phí sản xuất (không kể chi phí khấu hao) cao hơn hoặc
bằng thu nhập nhận được từ sản phẩm bán được. Nói khác đi là thu nhập
thuần (thu nhập thuần trừ chi phí) phải dương. Nếu phải xây thêm đường
vận chuyển thì khấu hao đường phải thấp hơn thu nhập thuần trên. Điều
này quan trọng vì nhà máy đã làm rồi, chi phí cố định đã bỏ ra rồi khó
lòng thu hồi được. (Thu hồi là bán lại nhà máy cho người khác). Một sự
thật hiển nhiên TKV vừa có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề
cập các tính toán vận tải cho dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng. Theo
TKV, nếu đưa chi phí cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, quốc
lộ vào các dự án bauxite thì dự án sẽ không còn hiệu quả kinh tế và
nguồn vốn hiện nay cho dự án đang gặp khó khăn muốn được nhà nước bảo
lãnh!? Tính mập mờ, cố tình lờ đi trong tính toán về kinh tế của TKV
còn thể hiện ở việc dỡ bỏ thuế thì dự án có lãi, nếu để thuế thì không
có lãi. Thuế là một khoản chuyển giao (transfer payment) giữa các
bên trong một quốc gia, khoản này không có trong tính toán lợi ích kinh
tế của dự án đối với quốc gia mà chỉ nằm trong tính toán lợi ích tài
chính của doanh nghiệp. Lãi này là lãi cho doanh nghiệp (nhóm lợi ích).
Nếu dự án được dỡ bỏ thuế thì việc đóng góp (đền bù) của dự án đối với
những đối tượng bị tác động (thiệt hại do tái định cư, do ảnh hưởng
môi trường...) của dự án là ở đâu ra hay, một lần nữa, lại lấy từ ngân
sách? Người dân có quyền đặt ra câu hỏi ai “chống lưng” mà một dự án
không hiệu quả về kinh tế, tác động xấu đến môi trường sinh thái, mất
lòng dân đến thế mà lâu nay, người ta vẫn bất chấp như chui vào đường
hầm không có lối ra!?
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
đã tổ chức các buổi gặp mặt lắng nghe, đánh giá cao những ý kiến đóng
góp thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia đối với sự ổn
định và phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời cho rằng những đề
xuất, giải pháp của các chuyên gia kinh tế là hết sức thiết thực trong
nhận định về tình hình kinh tế thế giới và trong nước để Chính phủ xây
dựng những chính sách điều hành phù hợp.
Lối ra rẻ nhất và cũng là có lợi nhất cho đất nước là đình chỉ và tiến tới xóa sổ dự án bauxite Tây Nguyên.
Làm được việc này, uy tín của lãnh đạo sẽ lên, và nếu quyết tâm, từ
đấy sẽ có thể mở đầu sự thay đổi chiều hướng phát triển hiện nay của
đất nước.
T.V.T.
Nguồn: vanchinh.net
No comments:
Post a Comment