Thursday, September 8, 2011

CAMSA: Coi Chừng Các Công Ty Xuất Khẩu Lao Động Lừa Đảo

BPSOS/CAMSA – Một liên minh quốc tế lên tiếng cảnh giác về các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam với thành tích lừa đảo, gây nên tình trạng bóc lột sức lao động có khi trầm trọng đến mức trở thành buôn người.


Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (CAMSA) vừa phổ biến danh sách 32 công ty tuyển và xuất khẩu lao động Việt Nam kèm với thông tin về hành vi vi phạm luật pháp, vi phạm hợp đồng, hay toa rập trong vấn đề buôn lao động của từng công ty. Trong số này có những công ty quốc doanh bề thế, nhiều công ty hợp doanh cỡ trung và một ít công ty tư nhân.


Cô Phù Ngọc Thanh, Phối Trí Viên CAMSA ở Đài Loan, phát biểu trước cộng đồng Việt
ở Ottawa, Canada, ngày 3/9/2011 (ảnh Liên Hội Người Việt Canada)

Đại diện cho Liên Minh CAMSA, Ts. Nguyễn Đình Thắng cho biết danh sách này được rút ra từ số 60 vụ mà CAMSA  đã giải cứu hay can thiệp, với tổng cộng trên ba ngàn nạn nhân, trong thời gian hơn ba năm qua.

Theo Ông, CAMSA phổ biến danh sách này với mục đích cảnh giác người dân ở trong nước để chính họ tự đề phòng và đừng trở thành nạn nhân.

Ts. Thắng kêu gọi cộng đồng người Việt ở hải ngoại dùng mọi phương tiện truyền thông để chuyển danh sách này vào trong nước cho thân nhân và cho người dân nói chung.

“Càng nhiều người biết để tránh không đi qua các công ty đã có thành tích xấu này thì có nghĩa là sẽ càng ít người trở thành nạn nhân; phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Ts. Thắng giải thích.

Ông giải thích thêm rằng danh sách này cũng là thước đo quyết tâm của chính quyền Việt Nam trong việc phòng và chống buôn lao động:

“Chính quyền Việt Nam chưa hề điều tra bất kỳ một trường hợp lừa đảo và phạm luật nào mà chúng tôi nêu ra trong suốt ba năm qua.“

Năm 2010, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào Danh Sách Cần Theo Dõi vì chính quyền Việt Nam không chứng tỏ quyết tâm bài trừ nạn buôn lao động. Bị liệt kê vào Danh Sách Cần Theo Dõi có thể hiểu là lời cảnh báo về nguy cơ sẽ bị chế tài nếu như không có sự cải thiện.

Cuối tháng 3 vừa qua Quốc Hội Việt Nam thông qua luật phòng, chống buôn người. Luật này kêu gọi mọi thành phần trong xã hội tham gia phòng và chống nạn buôn người, kể cả lao động lẫn tình dục.

Tuy vậy, tháng 6 năm nay Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục giữ Việt Nam trong Danh Sách Cần Theo Dõi.

Theo luật của Hoa Kỳ, quốc  gia nào nằm trong danh sách này hai năm liền mà vẫn không cải thiện thì sẽ bị nguy cơ chế tài.

Như vậy chỉ còn 10 tháng tính đến kỳ phân hạng vào tháng 6 năm 2012 để chứng minh quyết tâm nếu muốn tránh bị chế tài.

Theo Ts. Thắng, một cách để chính quyền Việt Nam chứng minh quyết tâm là điều tra và truy tố các công ty trong danh sách mà Liên Minh CAMSA vừa phổ biến.

“Điều lạ là năm ngoái Hiệp Hội Xuất Khẩu Lao Động Việt Nam đã vinh danh 6 trong số 32 công ty nằm trong danh sách này”, Ông nhận xét.

Theo Ông, danh sách này sẽ được thường xuyên cập nhật dựa vào các trường hợp buôn người đuợc giải cứu trong tương lai.

“Chúng tôi cũng cung cấp danh sách này cho các quốc gia tiếp nhận công nhân để họ cảnh giác khi cứu xét hồ sơ xuất khẩu lao động được thực hiện bởi các công ty đã có thành tích lừa đảo”, Ông nói. “Các quốc gia này không muốn bị mang tiếng là có liên can đến vấn nạn buôn người.”

Chính phủ Đài Loan cho biết sẽ sử dụng danh sách này trong việc kiểm tra hồ sơ đi lao động trước khi cấp chiếu khán cho các công nhân Việt Nam nhập cảnh vào Đài Loan.

Hiện nay Liên Minh CAMSA đang vận động chính phủ Mã Lai làm tương tự.

Hai quốc gia Mã Lai và Đài Loan đứng hàng đầu và hàng hai về số người lao động Việt Nam. Tổng cộng có khoảng 200 ngàn người Việt đang lao động  ở hai quốc gia này.

Liên Minh CAMSA đặt văn phòng hoạt động ở cả hai quốc gia này.

Danh sách các công ty môi giới lừa đảo được đăng ở trang mạng: http://www.camsa-coalition.org/vi/index.php/cong-ty-moi-gioi/danh-gia-cong-ty.

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 40 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA

Hoặc quý vị có thể đóng góp trực tuyến tại: http://www.camsa-coalition.org/en/

No comments:

Post a Comment