Monday, September 26, 2011

Cẩm nang độc tài cho Tổng thống Obama


Bruce Bueno De Mesquita & Alastair Smith "...Mặc dù hai tay của Obama bị trói chặt hơn những kẻ độc tài, ông ta vẫn cố gắng chi tiêu hết sức cho phe cánh của mình bất chấp phúc lợi xã hội có thể được phổ quát hơn hay không..."

LTS: Tại những quốc gia tự do dân chủ, quyền tự do ngôn luận luôn giúp cho xã hội được thăng tiến qua những phân tích đúng sai, chỉ trích phải trái... Cùng một sự kiện nhưng sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau để dư luận đánh giá và quyết định trên nền tảng của sự thật. 

Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang ráo riết khởi động chuẩn bị cho cuộc tranh cử Tổng thống 2012, Thông Luận xin giới thiệu một góc nhìn của một bài báo trên trang Foreign Policy về chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Barack Obama.


Barack Obama không tránh được đàm tiếu về câu chuyện những tên độc tài. Bốn năm trước, ứng cử viên Obama đã khẳng định trong những lần tranh luận rằng chính quyền của ông ta sẽ rộng mở việc đàm phán với các chính thể độc tài như Syria, Iran, và Bắc Triều Tiên. Hiện thời, đáp trả lại những chỉ trích của đảng Cộng Hoà rằng Obama quá yếu kém và không nhất quán trong các chính sách đối ngoại, các thành phần ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ chỉ còn biết lập đi lập lại sự kiện là ba thể chế độc tài trường thọ đã bị đánh đổ dưới sự giám sát của ông.

Tổng thống có bao nhiêu công lao trong việc đánh đổ này, điểu này chắc chắn còn cần phải tranh luận. Trong bất cứ mọi tình huống nào, cuộc bầu cử 2012 cũng chỉ xoay quanh tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng trì trệ của nền kinh tế Hoa Kỳ hơn là vấn đề dân chủ của các xứ Arab hoặc liệu rằng những nền dân chủ như vậy đem lợi ích gì hơn cho quần chúng Hoa Kỳ. Thế nhưng vẫn có lợi cho Tổng thống khi biết nhìn thật kỹ vào những yếu tố đã hạ bệ những tên độc tài ở Trung Đông trong năm nay. Và bởi vì “lãnh đạo từ phía sau” thì không thể nào giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử, Obama mong muốn học hỏi từ những lỗi lầm của những kẻ độc tài bẳng nỗ lực của chính mình để duy trì quyền lực.

Tư duy của chính trị – trong cả hai thể chế dân chủ và độc tài – không phức tạp như chúng ta nghĩ. Hãy gác sang một bên những rắc rối của từng tiểu bang, những chiến lược quan trọng, và các lợi ích quốc gia. Và bây giờ, cũng tạm quên đi điều phải trái. Quả thật, bài học thực sự phổ thông trong đời sống chính trị có thể lượm lặt từ cách thức làm sao để tồn tại và phát triển của các nhà lãnh đạo khi họ đang nắm quyền.

Ngay lúc này, bạn có thể nói rằng: “Xem nào! Nếu Tổng thống Hoa Kỳ đã cố gắng hành động như một kẻ độc tài thì dứt khoát ông ta sẽ bị mất việc ngay”. Bạn đúng đấy – nhưng gần đúng thôi. Các nhà lãnh đạo trong thể chế dân chủ luôn bị kìm hãm bởi luật pháp của quốc gia, điều này ấn định tầm vóc cần có của các đảng phái, qua các cuộc bầu cử, để họ chiếm lấy và nắm giữ quyền lực. Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo – của tất cả các thể chế – khi quyền lực bị lung lay đều phải hành động để biết rõ họ cần bao nhiêu người ủng hộ và nguồn lực ủng hộ lớn cỡ nào để củng cố thế lực. Ví dụ tổng thống Hoa Kỳ, không cần đến sự chọn lựa của đa số cử tri thậm chí trong một cuộc đua chỉ có hai ứng viên của hai đảng. Al Gore đã học được bài học thấm thía vào năm 2000, liên minh để giành lá phiếu của Cử Tri Đoàn là yếu tố then chốt để trở thành Tổng thống. Tất nhiên, vẫn có khả năng sẽ giành được ghế Tổng thống chỉ với 25% số phiếu phổ thông hoặc thậm chí ít hơn. Khi không có ứng viên nào đạt được số phiếu tối thiểu, một số ứng viên cố xoay xở để chiến thắng dù chỉ với mức khoảng 30%, và đa phần họ đã chiến thắng đối thủ mặc cho đối thủ có số phiếu phổ thông cao hơn. Những cử tri đó thực sự cần được tưởng thưởng vì sự ủng hộ của họ; thế nhưng phần thưởng của họ thường phụ thuộc vào số lượng người khả dĩ thay thế cho họ. Hãy suy nghĩ xem: Lá phiếu của bạn có thực sự đáng giá như gã quản lý quỹ bảo hộ Wall Street hoặc kẻ nắm giữ chìa khoá các chiến lược then chốt? Càng nhiều người thay thế – chúng ta gọi họ là ban tuyển chọn ứng viên – thì càng mất đi nhiều sự trung tín của những ủng hộ viên trung thành. Tầm cỡ sự kết hợp giữa liên minh chính trị và ban tuyển chọn ứng viên định hướng hầu hết sự chọn lựa các chính sách đối nội và đối ngoại một cách đáng kinh ngạc, có thể nói rằng những sự chọn lựa này lại luôn đi lệch hướng xa rời những mong muốn của người dân Hoa Kỳ.

Liên minh chính trị và ban tuyển chọn ứng viên định hướng chương trình thuế má và các quyết định chi tiêu; họ định đoạt mức độ các chính sách tham nhũng để các nhà lãnh đạo đi theo hoặc nhắm đến các mục tiêu nâng cao trợ cấp xã hội cho toàn bộ dân chúng; và họ giải thích về những biến thể trong giới hạn về tự do và thịnh vượng. Xin đừng để bị lừa: Những đảng viên Dân Chủ cũng như những kẻ độc tài dùng đủ mọi cách cốt chỉ để nắm giữ quyền lực. Dẫu rằng cách thức của họ có khác nhau, nhưng chỉ có năm quy tắc định hướng cho họ cai trị. Những quy tắc này cho thấy những động lực thúc đẩy các nhà lãnh đạo định hướng để tồn tại, Qaddafi hoặc Obama thì cũng vậy thôi.


Muốn thắng cử vào năm 2012, Obama buộc phải bắt chước phần nào
những tên độc tài mà ông lấy làm làm hãnh diện đã đánh đổ.

Quy tắc 1: Duy trì liên minh thắng cử càng nhỏ càng tốt

Để duy trì quyền lực các nhà lãnh đạo chỉ nên tin cậy càng ít người càng tốt. Càng ít "điều cần thiết" có nghĩa là quyền lực càng nhiều hơn và sự tuỳ tiện mạnh mẽ hơn trong việc chi tiêu.

Hãy nhìn Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) của Bắc Triều Tiên, một bậc thầy đương thời trong việc phụ thuộc vào một liên minh nhỏ bé. Ông ta không mất ngủ vì dân số chết đói, và ông ta không ngần ngại hành động khiêu khích trong các chính sách đối ngoại, như việc bắn chìm tàu Cheonan, một tàu chiến của hải quân Nam Triều Tiên, hoặc tấn công đảo Yeonpyeong của Nam Triều Tiên, cả hai vụ đều xảy ra trong năm 2010. Những hành động này không chỉ đơn thuần để phá rối đối thủ ở phương Nam; mà còn giúp ông ta phát hiện những rạn nứt trong liên minh của ông ta, chắt lọc những người thật sự trung thành với ông ta. Thật vậy, ông Kim, đang chuẩn bị việc chuyển giao quyền lực cho người con trai, ra tay thanh lọc các thành viên cấp cao trong chính quyền ngay sau sự cố Cheonan và ngay trước khi tấn công Yeonpyeong. Các chính sách của ông ta là thảm cảnh thật tồi tệ cho các nước láng giềng và người dân đói khổ Bắc Triều Tiên, thế nhưng lại tạo thế mạnh cho ông ta và cho phe cánh thân cận trung thành với ông ta.

Trong bối cảnh nước Mỹ, Tổng thống cần có một liên minh to lớn (mặc dù không đủ đa số) để nắm giữ chính phủ. Có lẽ đó là lý do tại sao Obama, người vận hành với sức quyến rũ trên nền tảng tự do của đảng Dân Chủ, đã thay đổi liên tục các chính sách cốt lõi, để cố nắm bắt và thu hút các cử tri độc lập. Dĩ nhiên, ông ta cần có một liên minh nhỏ thôi, thế nhưng thật khó kiểm soát vì tính chất phức tạp của các điều luật bầu cử tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các thành viên Quốc Hội, với sự giúp đỡ của các thành viên cùng đảng trong các phân ban lập pháp của nhà nước, thực hiện khá tốt việc thao túng các điều luật để giữ cho liên minh của họ luôn trung thành và có tầm vóc nhỏ. Các lãnh đạo Quốc Hội thích thú trong việc sắp xếp gian lận tại các đơn vị bầu cử – nơi họ đảm bảo được chọn cử tri thay vì cử tri chọn họ. Việc sắp xếp gian lận này rất hiệu quả để giúp cho các đương chức có đến 95% cơ hội tái tranh cử. Tất cả chỉ cốt để giữ cho được nguồn lực cốt cán trung thành và có tầm vóc nhỏ.

Quy tắc 2: Duy trì ban tuyển chọn ứng viên càng đông càng tốt

Duy trì số đông ban tuyển chọn ứng viên – nguồn lực ủng hộ viên tiềm tàng để từ đó dựng xây chiến thắng cho bạn – sẽ dễ dàng giúp loại bỏ những kẻ gây rối trong liên minh. Số đông ban tuyển chọn ứng viên cho phép sự bổ khuyết mạnh mẽ để thay thế các ủng hộ viên và đặt các thành viên cốt cán vào thế phải luôn trung thành và cư xử đúng mức hoặc phải đối mặt với sự đào thải.

Lãnh tụ Hồi giáo Shiites, Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao Iran, khống chế rất thành thạo hệ thống các phe phái gian lận. Khamenei dựa vào liên minh các lãnh đạo Vệ Binh Cách Mạng (đặc biệt là vị Tướng Mohammad Ali Jafari); lực lượng Bonyads (được ông Shah của Iran trước đây thành lập, quản lý nguồn tài chính của liên minh với số vốn xấp xỉ khoảng 20-25% GDP của Iran, được quyền miễn thuế và miễn truy tố về tội danh tham nhũng); lực lượng Basij (thành phần du côn, lãnh đạo bởi con trai của Khamenei, người sẵn sàng dùng bạo lực dập tắt mọi nhem nhúm dấy động); các lãnh tụ tôn giáo Shiites đến từ ngoại vi thành phố thánh địa Qom và một vài nhà lãnh đạo kinh tế chủ chốt. Tất cả bọn họ phát xuất từ một khối đông đảo hỗ trợ viên tiềm năng, bao gồm nhiều giáo sĩ cấp thấp đầy tham vọng và một lực lượng cử tri đông đảo sẽ là những ủng hộ viên cuồng nhiệt nếu được đánh giá đúng mức. Khi ông ta không còn ưa thích những chính sách của tay chân thân tín cũ, như trường hợp cựu Tổng thống Mohammad Khatami, ông ta dễ dàng phế bỏ và tìm người khác – ví dụ như Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hiện thời – thay thế. May mắn thay cho Mohammad Khatami, có rất nhiều người sẵn sàng tuân thủ ông ta để đổi lấy quyền lực cùng sự giàu có đi kèm. Đó là lời nhắn nhủ cấp thiết cho Ahmadinejad để ông ta không nên mon men vượt lên trên những tiện nghi có được nhờ sách lược của Khamenei (và Jafari).

Tất nhiên, các đảng viên đảng Dân Chủ Hoa Kỳ cũng mong muốn gia tăng con số ban tuyển chọn ứng viên và kìm chế tầm vóc của liên minh ở một con số bất biến, nhưng họ không thể nào làm được việc này bao lâu vẫn còn việc kiểm soát và cân bằng. Khi cuộc bầu cử có ý nghĩa, quy tắc bầu cử khiến cho việc mở rộng ban tuyển chọn ứng viên sẽ rất khó mà không vi phạm quy tắc số 1. Tuy nhiên, đảng Dân Chủ cố gắng hết sức để đăng ký số lượng cử tri mới toanh trong số dân có gia tăng thu nhập, trong các nhóm tuổi tác, hoặc các vùng miền có khả năng đầu phiếu cho họ. Đảng Cộng Hòa cũng gắng sức như vậy trong cố gắng ngăn trở những cử tri vừa mới đăng ký đi bầu, cũng như họ huy động toàn lực cử tri cơ bản của họ. Cuộc tranh đua chỉ có một mục đích là giảm thiểu tầm vóc của liên minh thắng cử so với ban tuyển chọn ứng viên đương nhiệm.

Không ai có thể quên được câu chuyện năm 1970, Tổng thống Richard Nixon mở rộng ban tuyển chọn ứng viên bằng cách hạ thấp độ tuổi cử tri từ 21 xuống 18? Tác động của việc mở rộng này cho phép, về lâu về dài, các ứng viên đảng Cộng Hoà được nhiều phiếu ủng hộ hơn so với dự đoán của các học giả, lá phiếu từ người trẻ tuổi, những cử tri mới.

Quy tắc 3: Kiểm soát dòng chảy của ngân khố quốc gia

Đối với kẻ nắm quyền hành, tốt hơn hết là xét xem ai sẽ được chia phần hơn là làm một
chiếc bánh lớn từ đó người dân tự kiếm lấy phần. Phần lớn tiền bạc chảy vào túi riêng của kẻ thống trị sẽ làm người dân nghèo khổ đi và chỉ có riêng tầng lớp được tuyển chọn để chia phần thì lại giàu có lên.

Đại tá Muammar al-Qaddafi và gia đình cai trị Lybia giống như Lybia là lãnh thổ của riêng họ. Họ nắm giữ và quản lý toàn bộ các doanh nghiệp của Libya để thu vén lợi tức cho riêng họ. Hiển nhiên, việc lèo lái nền kinh tế của Qaddafi và gia đình là điều tệ hại bởi vì họ không có bất kỳ sự nhạy bén kinh doanh đặc biệt nào cả. Thế nhưng, việc nắm giữ quyền lực chính trị chắc chắn trong suốt nhiều thập kỷ cho thấy rõ không một ai thành công nổi ngoại trừ những ai được hưởng đặc quyền đặc lợi của Qaddafi. Tính cho đến mùa đông này: Hàng tỷ đô-la đã đổ ra để mua vũ khí và lòng trung thành.

Phong trào Tea Party ở Hoa Kỳ đánh trúng đích khi than phiền các chính trị gia, đặc biệt là các đảng viên đảng Dân Chủ, khao khát tiền bạc chảy vào túi họ khi họ đang nắm giữ quyền lực. Ở điểm này, tất nhiên, các nhà lãnh đạo đã thành công, họ nắm giữ quyền lực dài lâu như mong muốn. Tổng thống George W. Bush đã tiêu xài một cách thoải mái; và Obama cũng vậy. Ronald Reagan, một nhân vật có vẻ rất thủ cựu, cũng đã tiêu xài không kém. Họ chi tiêu đặc biệt vào các chương trình với mục đích tạo lợi nhuận cho các phe nhóm của họ. (Nhìn vào hướng này, các đạo luật về chương trình bảo hiểm y tế của Obama đều nhằm nâng cao uy thế cho thành phần ban tuyển chọn ứng viên của ông ta). Đúng vậy, việc tiếp tục ban phát đặc ân hoặc tạo các chương trình có mục đích lợi nhuận cho các ủng hộ viên phụ thuộc vào sự ưa thích người lãnh đạo đương nhiệm tiếp tục cầm quyền. Với đảng Cộng Hòa, nếu số ghế đắc cử và tái đắc cử vừa đủ thì điều đó có nghĩa việc gia hạn các đạo luật giảm thuế sẽ rất khả quan. Với đảng Dân Chủ, mục tiêu nhắm vào quyền lợi của người nghèo – những lá phiếu của đảng Dân Chủ – việc tái đắc cử chỉ là những gì mà giới bác sỹ đòi hỏi.

Quy tắc 4: Chi tiền vừa đủ cho các ủng hộ viên cốt cán để giữ họ trung thành

Hãy nhớ rằng những người ủng hộ người lãnh đạo cũng thích làm lãnh tụ. Lọi thế mạnh nhất của người đương chức là có quyền điều phối dòng chảy lợi nhuận. Bất kỳ lãnh tụ nào cũng phải biết chi tiêu cho phe nhóm của mình đầy đủ không thiếu một xu, để họ đừng đi lòng vòng mặc cả với người khác tìm cách thay thế mình.

Quân đội của Saudi Arabia chỉ dùng để duy trì an ninh ở Saudi – không sử dụng để chống lại các cuộc xâm lăng mà chỉ sử dụng để đàn áp những nguy cơ các cuộc nổi dậy trong nước. Vua Abdullah chắc chắn không muốn nhìn thấy quân đội bó tay ông nếu người dân nổi dậy, như quân đội Ai Cập đã hành động trong năm nay. Điều đó có lẽ giải thích tại sao Saudi Arabia đã chi tiêu đến 11% GDP cho quân đội. Tương phản lại, Hoa Kỳ – quốc gia không lo ngại chuyện chính biến –chi tiêu dưới 5% GDP cho lực lượng quân đội hùng hậu hơn. Ai Cập chi tiêu chỉ vỏn vẹn 2% GDP cho quân đội trong năm 2009. Giờ đây chắc hẳn Hosni Mubarak đã phải hối tiếc về chuyện này!

Dẫu rằng Obama vẫn tiếp tục chi tiêu đáng kể cho quốc phòng, nhưng chúng ta nhớ rằng ông ta thừa hưởng gánh nặng của hai cuộc chiến. Thế mà, ông ta vẫn cố tiêu xài nhiều hơn vào các chương trình xã hội, như bảo hiểm y tế công cộng, để đáp lại sự van nài của tầng lớp cử tri ủng hộ ông ta. Và trong nỗ lực kích thích nền kinh tế, việc tiêu xài của ông ta chỉ nhắm đến các lá phiếu của số cử tri ủng hộ ông ta hơn là đến những phúc lợi xã hội. Cũng thế, ông ta đã đổ hàng tỷ đô-la vào chương trình Tiền Mặt cho Xe Phế Thải – chương trình đổi xe cũ lấy xe mới để làm hài lòng các thành viên nghiệp đoàn United Auto Worker của tiểu bang then chốt Michigan, thế nhưng ông ta đã không làm gì cả để kích thích kinh tế tại các vùng lãnh địa của đảng Cộng Hoà. 

Ngay cả trong bài phát biểu gần đây về vấn đề tạo công ăn việc làm trong phiên họp lưỡng đảng tại Quốc Hội, ông ta nhấn mạnh đến tính chất lưỡng đảng, kêu gào gia tăng chi tiêu hậu hĩnh cho giới giáo chức, nếu thật sự điều này xảy ra, sẽ tạo thế bất cân xứng, thiên lệch có lợi cho đảng Dân Chủ. Ông ta dễ dàng đề xuất huỷ bỏ chương trình cắt giảm thuế để có thêm tiền bạc đổ vào nền kinh tế, thế nhưng tiền thuế thu được từ giới cử tri giàu có, cử tri của đảng Cộng Hoà, lại được chi tiêu một cách bất xứng.

Mặc dù hai tay của Obama – giống như tay của bất cứ các nhà lãnh đạo dân chủ khác – bị trói chặt hơn những kẻ độc tài, ông ta vẫn cố gắng chi tiêu hết sức cho phe cánh của mình bất chấp phúc lợi xã hội có thể được phổ quát hơn hay không.

Quy tắc 5: Đừng bao giờ lấy tiền từ túi các ủng hộ viên để phục vụ dân chúng

Mặt trái của Quy tắc 4 là không nên keo kiệt đối với liên minh các ủng hộ viên. Nếu một lãnh tụ hào hoa với quần chúng nhưng lại thiệt thòi cho liên minh của mình, thì chẳng bao lâu những thành viên già dặn trong liên minh sẽ nhả đạn vào ông ta – hoặc xếp hàng dưới trướng của liên minh đối lập. Các chính sách có hiệu quả đối với quần chúng thì lại không nhất thiết tạo được lòng trung thành giữa các thành viên trong liên minh, mà lại là lời nguyền rủa đắt giá để đạp đổ. Người dân đói khổ không đủ năng lực để lật đổ chế độ. Ngược lại, chính những thành viên bất mãn trong liên minh sẽ đào ngũ và đẩy người lãnh đạo đương nhiệm vào những rắc rối khủng khiếp.

Lãnh tụ Miến Điện, Tướng Than Shwe là một chuyên gia sành sỏi quy luật này. Sau cơn bão Nargis kinh hoàng năm 2008, tất cả nguồn viện trợ lương thực đã bị lực lượng quân đội của ông ta cưỡng đoạt và kiểm soát chặt chẽ rồi bán ra thị trường chợ đen chứ không đem đi cứu đói cho người dân – ít nhất đã có 138,000 và con số có thể lên đến 500,000 người dân đã chết trong thảm hoạ này. Lực lượng quân đội, chứ không phải người dân, là lực lượng chủ yếu ủng hộ giới cầm quyền ở Miến Điện.

Dẫu rằng tất cả các chính trị gia đều thực thi khá tốt quy luật 5, ở Hoa Kỳ đảng Cộng Hoà đã nắm vững nguyên tắc chính trị này hơn đảng Dân Chủ. Họ đã cản trở khá tốt các chương trình kích thích kinh tế của chính quyền Obama trong từng mỗi đợt. Với mỗi một bước nhượng bộ trong vòng đàm phán thì họ đạt được một dặm đường lấn tới để tưởng thưởng cho các ủng hộ viên. Trong suốt cuộc tranh luận về khoản trần-nợ, đảng Cộng hoà đã mang lại niềm vui cho những ủng hộ viên chủ chốt, họ đã buộc chính quyền Obama phải chấp nhận việc cắt giảm các khoản chi tiêu khổng lồ.

Khi Obama đồng ý cắt giảm những khoản chi tiêu rất lớn thì đồng thời yêu cầu kèm theo việc tăng thuế, đảng Cộng Hoà, để bảo vệ cơ sở của mình (không phải phúc lợi xã hội) đã phải đắn đo. Sự dè dặt của họ đã làm nền kinh tế khựng lại. Tuy thế, khi vấn đề này giáng đòn đau vào xã hội, thì các ủng hộ viên của họ lại được hưởng lợi. Và hầu hết những ứng viên Tổng thống của đảng Cộng Hoà muốn cắt giảm mạnh mẽ thuế đánh vào các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp. Quý bạn thử suy đoán xem những ông chủ hãng thường bỏ phiếu cho ai?

Tất cả các chính trị gia đều giống nhau; chỉ có phương cách họ bị hạn chế khác nhau mà thôi.

Cũng giống như những kẻ độc tài và những tên bạo chúa, các nhà lãnh đạo tại các nước dân chủ luôn cố tuân theo 5 Quy tắc chính trị này để giành lấy và nắm giữ quyền lực. Ấn tượng thông thường cho rằng các đảng viên Dân Chủ và những kẻ độc tài khác nhau một trời một vực phát xuất từ những hạn chế họ phải đương đầu. Những ai dựa vào một liên minh rộng lớn - các đảng viên Dân Chủ - buộc phải có nhiều sáng kiến hơn những đối tác độc tài và vì thế họ ít thành công hơn. Đâu là bằng chứng? Mặc dù thông thường họ nâng cao tiêu chuẩn đời sống của người dân cao hơn so với các tay độc tài, các nhà lãnh đạo dân chủ thường cầm quyền trong nhiệm kỳ ngắn ngủi hơn, ngay cả thoát ra khỏi giới hạn của nhiệm kỳ.

Như chúng ta đã thấy, Obama đã thấm nhuần những quy tắc này và sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn theo cơ cấu pháp lý của luật bầu cử Hoa Kỳ. Hãy nhìn kỹ các chính sách của Obama ở Afghanistan và Iraq. Nếu Obama muốn tái đắc cử, ông ta phải thực hiện theo mong muốn của thành phần cử tri cốt lõi của ông ta, hoặc có nguy cơ là họ sẽ ở nhà vào ngày bầu cử 2012 hoặc họ bỏ phiếu cho một người chưa hề được biết đến, ứng viên của đảng thứ ba theo ý thích của họ. Vị Tổng thống này nên nhớ những gì đã xảy ra với Al Gore trong năm 2000 khi Ralph Nader đã phát động một chiến dịch vô cùng tai hại thu hút số phiếu ngay trong lãnh địa của đảng Dân Chủ. Thành phần cử tri cốt lõi của Obama muốn Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan.

Đó là lý do tại sao, để thủ thân chứ không hẳn là một chiến thuật hay, ông ta buộc phải ít ra rút mốt số quân quan trọng của quân lực Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan trước khi quốc gia này thật sự có khả năng tự bảo vệ chống lại lực lượng nổi dậy Taliban. Tương tự, ông ta đã rút gần hết quân lực Hoa Kỳ ra khỏi Iraq – như ông ta đã cam kết – trước khi chính quyền Iraq đủ mạnh để tự bảo vệ. Việc Obama bảo vệ chính quyền Afghanistan và Iraq có thể kiếm thêm một vài lá phiếu của cử tri độc lập, nhưng có lễ vẫn không đủ để thay cho số phiếu của thành phần cử tri cốt lõi đã bị mất.

Thế còn những gì phải đối mặt ở quốc nội? Các vấn đề nóng bỏng hiện nay ở Hoa Kỳ là tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Đảng Dân Chủ muốn chi tiêu trong quyền hạn cho phép để giúp đỡ cử tri của họ. Đảng Cộng Hoà muốn giúp đỡ cử tri bằng việc cắt giảm thuế. Đảng Dân Chủ muốn tăng thuế – đa phần đánh thuế vào người của đảng Cộng Hoà – để tiêu xài cho các chương trình xã hội của họ. Đảng Cộng Hoà muốn cắt gọt các chương trình xã hội được chi trả bằng tiền thuế của giới nhà giàu – cử tri của đảng Cộng Hoà.

Cân bằng giữa lợi ích quốc gia và phúc lợi của người dân là bài toán đã được giải quyết? Chưa đâu. Chính những lợi lộc của thành phần cử tri then chốt (lực lượng cốt yếu để thắng cử) sẽ lèo lái lời giải đáp cho bài toán. Ông Obama có thể khoác lác về việc đánh đổ những tay độc tài trong nhiệm kỳ đầu của ông, thế nhưng để được tái đắc cử ông ta sẽ phải suy nghĩ như một kẻ độc tài.

Bruce Bueno De Mesquita & Alastair Smith
Hoàng Vũ dịch
Nguồn: Foreign Policy, 14/09/2011

No comments:

Post a Comment