Bàn góp với ông V.C. Đ.
Khải Nguyên
- Nhà cầm quyền Bắc Kinh thường tận dụng các phương tiện tuyên truyền
cố tình nhồi sọ làm cho dân TQ và nhân dân thế giới nghĩ rằng trong quá
khứ họ đã đơn phương giúp Việt Nam chống xâm lược mà rồi VN “bội bạc”(!)
(ngay cả một số Giáo sư TQ vẫn hay nói với sinh viên VN du học bên đó
rằng VN “vô ơn”).
Trong bài “Viết nhân ngày Quốc khánh Trung Cộng: Đã đến lúc phải xóa món nợ ân oán giang hồ” trên Bauxite Việt Nam ngày 26-9-2011, ông Vũ Cao Đàm đã phân tích khá rõ rằng chính TQ cũng nợ VN. Tôi xin mạn phép bổ sung một số ý nhỏ.
Năm
1949, Trung Cộng giành được toàn nước Trung Hoa trên đất liền; sau đó
chỉ được các nước XHCN công nhận. Họ rất muốn có được tiếng nói và nâng
cao vị thế trên trường quốc tế. Dịp may lớn đầu tiên là hội nghị Genève
năm 1954 về chiến tranh Đông Dương – trong đó cuộc kháng chiến của VN là
chủ đạo, Bắc kinh được tham dự [Sự nóng lòng tận dụng dịp may đó bộc lộ
không mấy tế nhị và vinh dự trong phiên khai mạc: Chu Ân Lai, Trưởng
đoàn Trung cộng, tươi tỉnh tiến đến để bắt tay trường đoàn Mỹ – nhưng
ông này quay lưng lại]. Trong suốt quá trình hội nghị, họ qua mặt VN
thương lượng trực tiếp với phái đoàn Pháp, áp đặt ý đồ chia cắt VN. Họ
chỉ cần một vùng cách ly an toàn cho đất nước họ. Nhờ cuộc đấu tranh của
nhân dân Việt Nam và nhân dân Đông Dương nói chung, có cơ hội, họ cố
giương ra một vai trò nào đó trên bàn cờ quốc tế và đã đạt được phần
nào.
Việc ra sức hoạt động để vươn ra thế giới
không từ bất cứ thủ đoạn nào, tất nhiên có việc lợi dụng VN. Chuyện nhỏ
sau đây chứng tỏ họ vừa thâm hiểm, vừa trơ tráo. Năm 1956, trong đêm tối
một tàu hàng của Pháp trên đường vào một cảng biển VN để nhận than (do
VN trả, nằm trong chi phí mua lại mỏ than ở Hồng Quảng – Quảng Ninh sau
này) đâm phải một tàu đánh cá của người TQ chường ra trên luồng tàu đi.
Người Pháp vớt các ngư dân lên chăm sóc, đối đãi tử tế, lập biên bản
trong đó ngư dân TQ thừa nhận họ đã sai, vi phạm luật đường biển. Thuyền
trưởng tàu Pháp mời nhà chức trách VN đến trao trả người và đưa cả biên
bản. Phía VN cảm ơn, rồi trao lại cho phía TQ. Bắc Kinh nhận người, ỉm
luôn biên bản, và lớn tiếng kết tội tàu Pháp đã ngang nhiên hiếp đáp ngư
dân TQ (!), đòi công khai xin lỗi và bồi thường. Họ tìm cách để buộc
Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán với họ. Vì mưu đồ thâm hiểm
của mình, họ đẩy VN vào thế rất khó xử. Người Thuyền trưởng Pháp cay
đắng nói với phía VN: Tôi biết các ông đang phải làm vừa lòng TQ, đằng
sau việc này là những toan tính chính trị của Bắc Kinh.
Nhiều
người đã nêu rõ lý do vì sao năm 1968 Bắc Kinh ra sức ngăn cản VN đi
hòa đàm với Mỹ ở Paris. Họ muốn VN “chống đế quốc đến người VN cuối
cùng” (cách nói của các nhà báo phương Tây) một khi họ đang cần vậy cho
những tính toán lợi ích của họ. Đến khi Mỹ muốn rút khỏi cuộc chiến
trong danh dự, Bắc Kinh bèn chìa tay ra. Bắt đầu bằng “ngoại giao bóng
bàn” và cuộc đi đêm của Kissinger đến Bắc Kinh sau “màn kịch đau bụng”
của ông ta tại Pakistan. Tiếp đó là màn Tổng thống Mỹ Nixon thăm TQ năm
1971, cùng với các cuộc mật đàm, và hệ quả là kết ước Thượng Hải. “Chiến
lợi phẩm” của Bắc Kinh trong cuộc buôn bán chính trị này thì chẳng ít,
nhưng rõ ràng nhất là việc Mỹ làm ngơ cho TQ xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa
của VN năm 1974, và không lâu sau để ngỏ cửa cho họ giành chiếc ghế
thường trực Hội đồng Bảo an LHQ của Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan).
Có
được vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế và được ngồi vào ghế HĐBA
LHQ, chính (cố) Thủ tướng TQ Chu Ân Lai từng nói với “các đồng chí VN”,
không chỉ một lần, rằng nhờ có phần đóng góp quan trọng của cuộc đâu
tranh của nhân VN, và họ – TQ – rất biết ơn về điều đó.
Nói
về “nợ”, TQ từng “giúp” VN lương thực, trang thiết bị quân đội, vũ khí
(chủ yếu là của Liên Xô hoặc do LX giúp Mao đánh Tưởng),...; trong khi
đó, với VN chính TQ nợ xương máu, nợ “chia cắt đất nước” (chẳng phải Chu
Ân Lai đã thừa nhận với Lê Duẩn “chúng tôi đã sai lầm” về vấn đề này
sao!), nợ về sự trì trệ,...
Nếu kể cho rạch ròi
thì nhiều thứ TQ “giúp” đã gây hại, trước mắt hoặc về lâu về dài. Chẳng
hạn, đưa quân sang giúp làm đường thì tàn phá môi trường, cảnh quan
(trong đó có việc đặt mìn tiêu hủy “hòn đá Liễu Thăng”) [xin dẫn thêm
một vài ví dụ trong trăm ngàn ví dụ: ở Côn Sơn, nơi ẩn cư của Trần
Nguyên Đán và Nguyễn Trãi, họ đã đào xuyên ngang dọc quả núi thành đường
hầm, hiện cửa vào bị bít, không ai biết họ làm gì trong đó. Nhiều di
tích như di tích An Sinh, nơi gần đây mới xây đền thờ các vị vua Trần,
hết thảy tượng đá thời Trần đều bị phạt cụt đầu hoặc bắn vào bụng. Ở
Ngọa Vân am, không những tháp Phật Hoàng đựng xá lỵ Hoàng đế Trần Nhân
Tông và tháp Đoan Nghiêm cổ kính cao lừng lững bị đào rỗng ruột, toàn bộ
bài vị trong tháp bị đập cho tan nát, tấm bia Trịnh Căn cho lập để kỷ
niệm một lần ông đưa con trai và con gái trèo núi lên chiêm bái vị anh
hùng cũng bị đâp thành ba bảy mảnh, mà 13 ngọn tháp đứng theo một hàng
thẳng tắp chạy thoai thoải xuống phía Tây Nam cách nhau chừng 50 mét một
tháp đều bị phạt ngang, phía dưới có một đường hầm lộ thiên đào thông
tháp nọ với tháp kia. Họ định phá long mạch của nhà Trần lừng lẫy chiến
công chống giặc Bắc, cũng tức là phá long mạch của Việt Nam chăng? – Bổ
sung của Nguyễn Huệ Chi], khai thác trộm của cải, thăm dò ngầm tài
nguyên, địa thế,... Chẳng hạn, giúp cố vấn CCRĐ thì đẩy đến những vụ
giết chóc man rợ (Không kể những vụ “nổi tiếng” như vụ Nguyễn Thị Năm,
có nhiều vụ “âm thầm”; ví như tại một xã, sau một đêm có sáu người treo
cổ, cán bộ đội CCRĐ nhận định là tự tử, nhưng bị cố vấn TQ phê phán là
kém cảnh giác và khẳng định là do địch bịt đầu mối; sau đó “quả nhiên”
đội (phải) tìm ra “địch” đưa ra xử tử!). Chẳng hạn, giúp “xây dựng CNXH
trên miền Bắc” thì như khu gang thép Thái Nguyên mà một chuyên gia Đông
Âu XHCN từng nhận xét là kỹ thuật lạc hậu chính TQ đang muốn thay thế ở
ngay nước họ, quy mô dềnh dàng tốn đất, năng suất thấp, v.v. Những món
nợ kiểu này, những người VN cả tin phải chịu, nhưng Bắc Kinh phủi tay
được sao?!
Đã đến lúc, dẫu khí muộn, cần phải cho
nhân dân VN, nhân dân TQ, nhân dân toàn thế giới thấy rõ sự thật trắng
đen, không để cho Bắc Kinh quen lối “cả vú lấp miệng em” đầu độc dư luận
trong nước họ và quốc tế. Mà làm việc này trách nhiệm chính là của các
phương tiện thông tin chính quy của ta, các báo “mạng” chỉ có tác dụng
hạn chế.
27-9-2011
K.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment