Monday, August 8, 2011

Truyền thông hiệu ứng ngược và quan trí xứ Việt

Song Chi - Ðất nước VN quả là ngày nào tuần nào cũng không thiếu những câu chuyện làm đề tài đàm tiếu cho dư luận trong và ngoài nước.

 Trước hết là kết quả phiên xử phúc thẩm Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ngày 2 tháng 8 và những chuyện lùm xùm hậu phiên tòa.
Về kết quả y án sơ thẩm dành cho ông Vũ thì phần lớn người hiểu chuyện chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.Chỉ trừ những ai cho đến giờ này vẫn cố gắng tin vào thiện chí, lương tri của nhà cầm quyền.

Rút kinh nghiệm phiên xử sơ thẩm, truyền thông “lề trái” và nước ngoài phê phán, chỉ trích phiên tòa đến vuốt mặt không kịp trong lúc báo chí quốc doanh thì không biết nói gì để gỡ gạc. Lần này, báo chí truyền thông “lề phải” liền ra đòn với bài “Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách” trên báo Công An Nhân Dân, “Cù Huy Hà Vũ từ góc nhìn của một người Việt hải ngoại” (Tạp chí Nhân Quyền VN).

 

Người biểu tình tên Nguyễn Trí Ðức bị tay đại úy công an tên Minh mặc thường phục đạp vào mặt ngày 17 tháng 7, 2011 trước khi bị ném lên xe. Tuy sự thật rành rành bị chụp hình và quay video phổ biến trên youtube, Sở Công An Hà Nội họp báo trâng tráo phủ nhận “không có căn cứ xác định” anh Ðức bị công an đạp vào mặt. (Hình: Dân Làm Báo)

Và cả một cái phim phóng sự tài liệu dài “Sự thật về hành vi vi phạm của Cù Huy Hà Vũ” trên đài truyền hình trung ương VTV. Công phu vậy, nhưng cách viết, cách đưa tin lại không thuyết phục độc giả, khán giả, bởi hoàn toàn không có sự khách quan theo đúng luật báo chí. Nghĩa là phải có những tiếng nói đa chiều về cùng một con người, một sự vật, có bằng chứng dẫn chứng cụ thể. Ðằng này, lại chỉ theo kiểu bôi nhọ, lôi đời tư với những nhân chứng không có độ tin cậy.

Còn cái phim trên VTV thì không chỉ nhằm đánh bồi vào người đã không thể lên tiếng là ông Cù Huy Hà Vũ. Mà còn chụp mũ, bôi nhọ luôn cả những người khác, cả trang mạng Bauxite Vietnam. Thật ra cái trò bôi nhọ, nói không thành có, nói có thành không này của nhà nước ta thì chả ai lạ gì. Nhất là với những người bất đồng chính kiến, dám nói những điều đúng với sự thật nhưng trái tai chính quyền. 

Từ các văn nghệ sĩ thời Nhân Văn Giai Phẩm, những người trong vụ án xét lại chống Ðảng trước kia. Cho đến Tướng Trần Ðộ, ông Hoàng Minh Chính, nhà văn Dương Thu Hương, Luật Sư Lê Thị Công Nhân hay blogger Ðiếu Cày đều từng bị công an, giới truyền thông nhà nước bôi nhọ các kiểu. Ngay các chức sắc tôn giáo như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Ðức Cha Ngô Quang Kiệt cũng từng là nạn nhân của cái gọi là truyền thông này. 

Nhưng thời buổi này thì khác. Ngay sau đó, dư luận trên mạng đã lập tức có hàng trăm phản hồi về cái phim tài liệu này. Trang Anh Ba Sàm đăng lại một trong những phản hồi của một độc giả bình thường: Một độc giả nhận xét lúc 01h37' (trong 242. Lời kính báo của trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN): “Tôi biết ông Huy Cận, tôi biết ông Xuân Diệu nhưng tôi không biết nhiều về ông Hà Vũ. Tôi không phải là hàng xóm cũng chẳng có mối quan hệ gì với ông Vũ nên tôi chẳng quan tâm những điều nói về ông Vũ. Nếu điều VTV đề cập là sự thật thì cũng rất bình thường vì ông Vũ chẳng phải là thánh. Nếu ông Huy Cận có ‘chửi’ ông Vũ thì điều đó càng bình thường vì ông Huy Cận là bố của ông Vũ mà! Ai trong chúng ta cũng từng bị bố mẹ 'chửi' là thằng này thằng nọ mà! Tôi chỉ thấy ông Vũ hình như có ảnh hưởng rất lớn với mọi người đến nỗi VTV phải nói cho cả nước biết ông Vũ là người chẳng ra gì! Có thể ông Vũ chẳng ra gì, nhưng cách của VTV càng chẳng ra gì!” Trang Bauxite Việt Nam đã lên tiếng. Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ đã lên tiếng. Ai đúng ai sai, ai chân thực ai vu khống, tiểu nhân, dư luận đều có thể nhìn vào và tự đánh giá.

Cho nên cái trò sử dụng truyền thông để đánh người này có vẻ như lâu nay cánh “lề phải” chỉ từ thua đến thua. Và chỉ tạo hiệu ứng ngược trong lòng người dân mà thôi. Cũng một cú hiệu ứng ngược như vậy là chuyện anh Nguyễn Chí Ðức đi biểu tình chống Trung Quốc ngày Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011 bị tay công an mặc thường phục là Ðại Úy Minh đạp vào mặt, mà như cách nói của nhiều người là cú đạp lịch sử, cú đạp triết học! Một câu chuyện rõ ràng mười mươi, có nhiều người chứng kiến, có hình ảnh, có video clip quay lại. Thế mà ông Thượng Tá Ðào Thanh Hải - phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Ðiều tra Công an TP Hà Nội, khi họp báo hôm Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011 vẫn cho rằng, “không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Ðức bị lực lượng làm nhiệm vụ đánh, đạp.” Còn ông Trung Tướng Nguyễn Ðức Nhanh, giám đốc công an Hà Nội thì giảo hoạt: “Không hề có chủ trương đàn áp, trấn áp hoặc bắt bớ người biểu tình.” Không nhẫn nhịn được nữa, anh Nguyễn Chí Ðức đã lên tiếng. Trả lời RFA, ngay cùng ngày, anh Ðức nói rằng từ đầu anh không muốn làm to chuyện, anh đồng ý cho qua “Tôi làm chuyện này là vì đảng.” Thế nhưng những người “đồng chí” của anh, họ lại đổi trắng thay đen như vậy! 

Anh chua chát nhận xét: “Họ đã ‘chơi’ đồng chí của họ” và “Tôi có một nhận định là chính công an nhân dân là người gián tiếp phá hoại Ðảng Cộng Sản, chứ không phải là những người biểu tình, tại vì họ đổi trắng thành đen.” (theo RFA) Bây giờ thì ông Nguyễn Ðức Nhanh và những người công an dưới quyền trong buổi họp báo đã lãnh đủ cú hiệu ứng ngược này. Tất nhiên, nếu như họ còn cảm thấy xấu hổ khi bị vạch trần tội nói dối, tráo trở, lật lọng (mà điều này thì đáng ngờ lắm!) Chế độ này đã tạo ra phần lớn những ông quan lại cho đến cán bộ quen với việc nói dối nói ngược là phương tiện, quen với việc không bao giờ xin lỗi ai cả. Và cả cái chính quyền này từ trên xuống dưới có bao giờ biết xin lỗi nhân dân?

Trong suốt lịch sử hơn bảy thập niên cầm quyền, họ đã gây ra hàng vạn hàng triệu sự sai lầm, nhưng một lời xin lỗi, dứt khoát là không. Khi cần phải giành chính quyền, sự nói dối, nói ngược được thể hiện qua những việc như dùng biện pháp thần thánh hóa, tô vẽ, đắp son cho các hình tượng anh hùng và những sự kiện anh hùng. Từ cuộc đời của ông Hồ Chí Minh cho đến các hình tượng anh hùng Lê Văn Tám, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, liệt sĩ Nguyễn Văn Bé, liệt sĩ Võ thị Sáu v.v... Mà sau này người ta đã khám phá ra có bao nhiêu phần trăm sự thật. Còn bây giờ, với mục đích lớn nhất là giữ chính quyền, họ phải làm ngược lại là hạ bệ mọi thần tượng, dập tắt mọi sự việc có thể khơi dậy lòng chán ghét chế độ trong nhân dân. 

Ðơn giản nhất là cứ chối bay mọi sự sai trái, cứ bôi bẩn, vu khống người ngay. Nhưng thời đại bây giờ đâu phải như cái thuở chưa có iInternet mà muốn bưng bít thông tin là được. Nhìn lại hàng loạt sự việc khác, cái sai trái đã rành rành nhưng nhà nước này vẫn cứ ngang nhiên hành xử bất chấp luật pháp, đúng sai, bất chấp lòng dân và dư luận quốc tế. Cách ứng xử của nhà cầm quyền trong rất nhiều trường hợp, chỉ có thể giải thích hoặc là rất ngu xuẩn, hoặc là quá sức tự tin. Tự tin vào sức mạnh của cái ghế mình đang ngồi và sự bền vững của chế độ. Và quan trọng nhất, họ tự tin rằng người dân VN là một... lũ ngu, nói sao nghe vậy! 

Có lẽ là cả hai! Nên mới có chuyện một ông thủ tướng sau 5 năm tại vị với những thành quả tệ hại về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, ngoại giao... lại tiếp tục tái đắc cử, do chính Quốc Hội bầu ra với số phiếu 94%! Một ông bộ trưởng Bộ Giáo Dục, trước sự việc hàng nghìn thí sinh bị điểm O môn Lịch Sử trong kỳ thi đại học vừa qua, vẫn cho rằng đó là chuyện bình thường, là vấn đề của thời đại chứ không riêng gì VN! Và mới có những chuyện như phiên tòa phúc thẩm, cái phim tài liệu về ông Vũ hay “không có ai bị đạp” kia. Nghĩ cho cùng, đây là vấn đề quan trí hay dân trí của VN? 

Bởi, nếu một nhà nước tệ hại như thế mà vẫn tồn tại được cho đến bây giờ thì trách nhiệm đó thuộc về ai?


http://www.webdoithoai.net

No comments:

Post a Comment