Ngô
Nhân Dụng - Hậu sinh khả úy, người sinh sau có khi giỏi hơn người sinh
trước. Nhưng ít chúng ta thấy một người trẻ lên tiếng dậy bảo người già
giầu kinh nghiệm sống hơn mình.
Nước
Mỹ đã sống trong kinh tế thị trường từ mấy thế kỷ nay; có thể nói đã
từng trải với hàng trăm chu kỳ kinh tế khi lên khi xuống.
Trung Quốc mới
học tập làm ăn theo lối thị trường được chừng ba mươi năm, và cũng chỉ
chịu học có một nửa thôi, chưa áp dụng hết bài bản. Cho nên khi chính
quyền Trung Quốc có lời dạy khôn chính quyền Mỹ về tài chánh, đó là một
chuyện lạ đáng chú ý.
Số
là sau khi công ty thẩm lượng tín dụng S&P hạ thấp điểm của chính
phủ Mỹ từ AAA xuống AA+, Tân Hoa Xã đã dẫn lời của một viên chức Trung
Hoa nói rằng: “Chính quyền Mỹ nên nhận thức 'những ngày vàng son'... của
họ đã chấm dứt rồi.” “Những ngày vàng son” nói đây là thời gian chính
phủ Mỹ tha hồ đi vay nợ để tha hồ chi tiêu. Họ khuyên chính phủ Mỹ nên
“cai bệnh ghiền nợ” và chấm dứt những cuộc cãi lộn chính trị “thiển
cận.” Và họ cũng nhắc lại ý kiến mà Bắc Kinh đã nói từ năm ngoái, là thế
giới cần có một đồng tiền dự trữ khác thay thế cho đô la Mỹ.
Tân
Hoa Xã là một tiếng nói chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Những ý
kiến họ nêu ra chắc hẳn đã được Bộ Chính Trị duyệt y. Và phải nói là họ
đưa ra những điều đúng sự thật và rất đáng nghe. Một sự thật là chính
phủ Mỹ, và cả dân Mỹ, đã vay nợ nhiều quá; chắc chắn nên tốp bớt lại.
Nhưng Bắc Kinh còn nhân dịp này lên tiếng với tư cách một “chủ nợ” đang
cầm trong tay nhiều “giấy nợ” do chính phủ Mỹ phát hành. Họ bảo: “Trung
Quốc có đủ thẩm quyền để yêu cầu Hiệp Chúng Quốc giải quyết những vấn đề
có tích cách cơ cấu về nợ nần của họ để bảo đảm (họ gọi là đảm bảo)
những chứng khoán bằng đồng đô la Mỹ.”
Nghe
đến đây, nhiều người coi là họ đang dọa dẫm. Khi một ông chủ nợ dọa con
nợ, chắc chắn lời hăm dọa phải có trọng lượng. Con nợ nào cũng phải lo
sợ: Lỡ ông ấy không cho mình vay tiền nữa, hoặc bắt phải trả hết nợ ngay
lập tức thì sao? Ðó chính là điều chúng ta nên phân tích.
Trước
hết, trong kinh tế thị trường phải phân biệt hai loại nợ nần. Một, quý
vị có thể đến ngân hàng vay tiền. Họ sẽ đặt ra những điều kiện trả lãi,
đáo hạn thì trả hết vốn. Ðó là việc riêng giữa người vay và nhà băng,
người đi vay cứ kỳ kèo mặc cả sao cho có lợi nhất. Không trả được tiền
lãi đúng hẹn thì vỡ nợ.
Còn
một cách thứ hai, là dùng thị trường tài chánh. Quý vị có thể phát hành
những trái phiếu, trong đó chính quý vị đặt ra những điều kiện trả lãi
và trả vốn, thí dụ trả 5% mỗi năm, trong mười năm thì trả hết vốn, không
bao giờ thay đổi. Khi quý vị trả lãi, trả vốn đầy đủ thì không ai làm
gì được. Lãi suất cao hay thấp tùy theo mức rủi ro của người phát hành;
càng nhiều rủi ro thì thị trường càng đòi mức lời cao hơn. Bình thường,
khi điểm tín dụng của công ty bị hạ thấp là người cho vay sẽ đòi mức lời
cao hơn, vì rủi ro hơn.
Thị
trường là chỗ công cộng, ai có tiền cứ việc tham dự. Người nào mua trái
phiếu, trở thành chủ nợ của người phát hành. Nhưng các chủ nợ này không
giống ngân hàng. Vì ai thích thì vào mua, không có chuyện kỳ kèo mặc cả
trực tiếp với con nợ. Chủ nhân một trái phiếu có thể khi cần tiền thì
đem bán. Giá bán cao hay thấp hơn lúc mua tùy theo lúc bán lãi suất trên
thị trường đang hạ xuống hay đang lên cao so với lãi suất khi phát
hành. Khi lãi suất hạ thấp thì các trái phiếu đều lên giá, và ngược lại.
Chuyện một chủ nhân trái phiếu phải bán giá thấp hơn khi mua (lỗ), hay
bán được với giá cao hơn (lời), kẻ phát hành trái phiếu không cần biết
đến. Nhưng một công ty phát hành trái phiếu thường phải lo bảo vệ giá
trị nó, nếu công ty làm ăn kém, điểm tín dụng bị hạ thấp, thì giá trái
phiếu của họ sẽ xuống giá, vì nó rủi ro hơn. Ngược lại, nếu công ty được
tín nhiệm hơn, giá trái phiếu sẽ tăng vì người mua tín nhiệm đòi mức
lời thấp hơn. Giá trái phiếu lên xuống ngược chiều với mức lời mà người
mua đòi hỏi.
Vay
trên thị trường bằng cách phát hành trái phiếu (chính phủ vay thì gọi
là trái phiếu công, hay công trái, hoặc công khố phiếu) khác với cách
vay ở ngân hàng là như vậy. Cho nên việc chính phủ Mỹ khác với trường
hợp chính phủ Hy Lạp đang nhờ Ngân Hàng Trung Ương Aạu Châu (ECB) cứu
giúp; hay việc chính phủ Nga nhờ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cứu trước đây. Nga
và Hy Lạp đều đóng vai con nợ tới ngân hàng vay tiền. Họ phải chịu nghe
lời nhà băng đòi hỏi thế này, thế nọ, để bảo đảm sau sẽ trả được nợ. Còn
chính phủ Mỹ chỉ đi vay trong thị trường, ai không muốn cho vay thì
đừng tham dự chứ không đặt điều kiện nào cả. Miễn là người ta còn tin
con nợ sẽ có tiền trả, là người ta cho vay.
Trung
Quốc đang giữ trong nhà các trái phiếu của chính phủ Mỹ (công trái) trị
giá hơn một tỷ đô la. Nếu muốn, họ cứ việc đem ra bán hết trên thị
trường. Hoặc họ cứ chờ, mấy tháng lại nhận được tiền trả lãi, đến ngày
đáo hạn thì được trả vốn. Nếu bây giờ Trung Quốc đem rất nhiều công trái
chính phủ Mỹ ra bán thì sao? Tất cả các giấy nợ của chính phủ Mỹ sẽ
xuống giá ngay lập tức. Hậu quả là chính Trung Quốc sẽ mất tiền. Nhưng
đó không phải là phiền chính. Ðiều quan trọng hơn là sau khi bán họ sẽ
mang tiền đầu tư vào đâu? Hàng chục năm nay họ cứ mua công trái của Mỹ
chính vì họ không biết chỗ nào khác tốt hơn! Chính phủ Mỹ có lo vỡ nợ
không? Như đã trình bày trong mục này tuần trước, họ không lo. Số tiền
họ thu vào hàng tháng dư để thanh toán mọi thứ nợ nần. Nếu thiếu thì họ
cắt của dân Mỹ chứ không ai dám quỵt nợ, vì điều 14 trong Hiến Pháp Mỹ
đã cấm!
Cho
đến năm nay cũng vậy, trên thế giới khó tìm được chỗ nào đầu tư an toàn
bằng công trái của nước Mỹ vay! Ðiều này đã thấy rõ trong mấy tuần qua.
Sau khi công ty S&P hạ thấp điểm tín dụng của Mỹ ngày Thứ Sáu vừa
rồi, công trái Mỹ vẫn lên giá trên thị trường thế giới. Ngày Thứ Ba, 9
Tháng Tám, giá công trái 10 năm của Mỹ vẫn còn lên; chỉ đòi lợi suất có
2.32% so với mức 2.34% ngày hôm trước! Ðiều đó chứng tỏ những người (và
các nước) có sẵn tiền vẫn muốn cho chính phủ Mỹ vay! Ngày hôm qua, lần
đầu tiên sau khi bị S&P hạ điểm tín dụng chính phủ Mỹ phát hành công
trái đi vay thêm nợ. Họ vay 32 tỷ đô la, thời hạn 3 năm. Số tiền mà
người ta đem tới sẵn sàng cho vay lên tới gần 100 tỷ, cao hơn 3 lần số
tiền Mỹ muốn vay. Theo thủ tục thông thường, người mua (tức các chủ nợ
tương lai) phải “đấu giá” với nhau, ai đòi lợi suất thấp hơn (tức là trả
giá cao hơn) thì mua được. Sau cùng, công trái đó đem bán với lợi suất
chỉ có 0.50% một năm! Ðó là một lợi suất thấp kỷ lục; nước Mỹ chưa bao
giờ được vay nợ với mức lời thấp như vậy! Mối lo kinh tế thế giới trì
trệ làm cho thị trường các cổ phiếu tụt giảm, nhiều người có dư tiền sau
khi bán cổ phiếu. Sẵn tiền, họ lại đi tìm mua công trái Mỹ, vì vẫn thấy
đó là nơi đầu tư an toàn nhất. Họ có đi mua vàng thì cũng bị thiệt, vì
giá vàng đang lên cao kỷ lục sẽ lên tận trời xanh! Chính phủ Trung Quốc
sẽ khó tìm đâu ra nơi “gửi tiền” an toàn hơn công trái Mỹ, nhất là một
khối lượng tiền lớn cỡ ngàn tỷ đô la.
Nếu
chúng ta biết nguồn gốc từ đâu chính phủ Trung Quốc có hơn ba ngàn tỷ
đô la dự trữ để cho chính phủ Mỹ vay bớt, thì thấy những lời tuyên bố mà
Tân Hoa Xã loan báo rất buồn cười. Vì chính đảng Cộng Sản Trung Hoa đã
đồng lõa và có lợi trong việc cho Mỹ vay. Họ tạo ra một tình trạng thiếu
cân bằng trong kinh tế thế giới, do chính sách kinh tế thiếu cân bằng
mà đảng này đang thi hành trong nước họ.
Kinh
tế Trung Quốc thiếu cân bằng vì lo làm để xuất cảng, không lo cho người
tiêu thụ (tức là hàng ngàn triệu người Trung Hoa) được hưởng xứng đáng
với công lao của họ. Dân Trung Hoa làm việc cực nhọc, được trả lương rất
thấp, để các doanh nghiệp nhà nuớc xuất cảng thu tiền vào. Dân Mỹ thì
phởn phơ tiêu thụ vì hàng nhập cảng rẻ rề. Cán cân thương mại cứ nghiêng
về phía Tây, tiền Mỹ chạy sang Tầu. Muốn giữ giá đồng Nguyên thấp (để
dễ xuất cảng), chính phủ Tầu thu mua hết đô la Mỹ trong nước đem vào
Ngân Hàng Trung Ương. Rồi chẳng biết đầu tư ở đâu, lại đem sang Mỹ cho
vay, cho chính phủ Mỹ đến các ngân hàng lớn vay.
Cái
vòng quay của đồng tiền này đã chạy đều đặn hàng chục năm nay không
nghỉ, làm cho kinh tế thế giới cũng thiếu cân bằng! Nếu Trung Quốc không
bán hàng thặng dư sang Mỹ thì không có nhiều tiền để cho vay như thế.
Chính những số tiền khổng lồ do Bắc Kinh cho vay đã khiến lãi suất ở Mỹ
rất thấp (nhiều người cho vay hơn thì tự nhiên lãi suất xuống). Chính
Bắc Kinh đã gây ra bệnh “ghiền nợ” cho dân Mỹ! Vì các ngân hàng Mỹ đầy
tiền với giá rẻ cho nên họ cho vay mua nhà bừa bãi với điều kiện thấp
trong mấy năm trước năm 2007! Chính nó đã gây ra cơn khủng hoảng địa ốc
làm suy sụp nền tài chánh Mỹ năm 2008, đến giờ tai họa vẫn chưa dứt!
Cả
thế giới đã kêu gọi Bắc Kinh phải cải tổ cơ cấu kinh tế, chú ý hơn đến
người tiêu thụ (những người Trung Hoa đổ mồ hôi ra làm hàng hóa giá rẻ
bán cho dân Mỹ). Muốn vậy thì phải nâng giá đồng Nguyên của họ lên, cho
dân Trung Hoa được mua hàng nhập cảng giá rẻ hơn. Nhưng đảng Cộng Sản
Trung Hoa không chịu nghe. Vì các quan chức, đảng viên của họ vẫn được
tiêu thụ “hàng ngoại” thoải mái, họ đâu có thiếu gì!
Cho
nên, việc chính quyền Cộng Sản Trung Hoa lên lớp khuyên bảo chính phủ
Mỹ nghe rất tức cười. Không hiểu ai xui khiến mà họ lại lên giọng như
thế! Cũng như Thủ Tướng Nga Vladimir Putin. Ông mới gắn nhãn hiệu cho
nước Mỹ là “kinh tế ký sinh,” ví như cây tầm gửi vậy. Nhưng chính nước
Nga là quốc gia đã từng ngửa tay đi xin các nước khác “tha nợ” và năn nỉ
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cứu mấy lần, nước Mỹ thì chưa. Lão Tử đã nói “Tri
giả bất ngôn; Ngôn giả bất tri.” Người biết thì không nói, cái anh hay
nói lại không biết gì cả!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=135432&z=7
No comments:
Post a Comment