2011, năm bản lề, năm bao nhiêu biến chuyển.
Đầu
năm với Tunisie, với cách mạng Bông lài, hồi hộp, chúng ta chờ đợi
chừng nào đến Việt Nam? Rồi Ai Cập, rồi Yémen, Lybie…
Trong lời chúc Tết
gởi về nước, tôi mong toàn dân Việt Nam dũng cảm đứng lên đòi Độc lập,
đòi Dân chủ, đòi Tự do, lấy lại chủ quyền và tự quyết nơi tay Đảng Cộng
sản. Rồi ngày ngày qua, dân chúng Bắc Phi tiếp tục xuống đường, nội
chiến ở Lybie. Các lãnh tụ độc tài Yémen và Syrie cho quân đội và công
an đàn áp và tàn sát dân biểu tình.., thế nhưng ngọn gió cách mạng Bông
lài hình như dừng lại mà không thổi đến Việt Nam. Mặc cho mình ao ước,
mặc cho mình mong sao cho Bông lài biến thành Bông sen để Hoa Dân chủ,
để Bông Tự do nở rộ trên mảnh đất Việt Nam thân yêu!
Rồi
Trung Cộng trên đà hung hăng, trên đà chiến thắng, tự cao tự đại, sau
những năm tháng ăn hiếp ngư dân Việt Nam trên Biển Đông của chúng ta,
không một lời phản kháng của đám cầm quyền Việt Cộng, sau những năm
tháng xâm lược chiếm đảo, lấn đất xâm phạm hải phận Việt Nam, cũng vẫn
không gặp một phản ứng của nhóm chóp bu Việt Nam. Trung Cộng gan lì bước
một bước nữa, ra lệnh cho tàu hải giám của mình xâm phạm chủ quyền hoạt
động thăm dò dầu khí của thuyền chuyên nghiệp Việt Nam trong hải phận
Việt Nam, bằng cách cắt dây cáp, phá hoại và ngăn chận công tác của các
chuyên viên Việt Nam, mặc dù Hải quân Việt Nam có mặt, nhưng chế độ Công
sản Việt Nam đương quyền đã hèn nhát ra lệnh cấm không cho Hải quân
Việt Nam phản ứng. Hành động côn đồ của Trung Cộng, thái độ ươn hèn của
Việt Cộng là giọt nước làm tràn ly uất hận, khiến nhơn dân Việt Nam nổi
giận, và nhà cầm quyền Việt Cộng, dù có muốn nhịn nhục thế nào đi nữa,
cũng phải bắt buộc xả “súp páp” cho phép người dân xuống đường biểu tình
phản đối thái độ côn đồ của nhà cầm quyền Hoa Cộng.
Lời
chúc Tết nay đã gần 50% linh nghiệm. Từ đầu tháng Sáu nay, liên tiếp
trong 5 Chúa Nhựt liền dân chúng trong nước tiếp tục xuống đường biểu
tình. Nhưng 50% còn lại vẫn chưa đạt được. Trung Cộng cũng vẫn còn ngang
ngược cắt cáp lần thứ ba. Thế nhưng tình hình thế giới đã bắt đầu thay
đổi. Trung Cộng đã từ vai một tài tử được gánh hát thế giới cho thủ một
vai quan trọng, ngày nay vì cái tự cao tự đại, vì những lời tuyên bố
cường điệu, vì những biểu diễn kiểu tự chế máy bay và nay có thể cạnh
tranh với các máy bay Âu Mỹ, hay sắp cho ra đời chiếc Hàng không mẫu hạm
Thi lang… biến thành một anh chàng mà ai ai cũng ghét, ai ai cũng chê.
Trung Cộng cường điệu, đã làm nổi lên một làn sóng tẩy chay hàng hóa Tàu
và một luồng gió chống Tàu.
Tuy
cả nước chống Tàu thực đấy, nhưng, cho đến ngày hôm nay, đầu tháng Bảy,
nhơn dân Việt Nam vẫn chưa lật đổ được Đảng Cộng sản cầm quyền, và vẫn
để các tên chóp bu Việt Cộng tiếp tục đi hầu Hoa Cộng.
Tháng Bảy đến…
Hàng
năm, tháng 7, từ hai mươi năm nay, anh em bạn bè điện thoại cho nhau,
gọi nhau, rủ rê nhau làm sao ráng gặp nhau, ráng đi Giỗ Giáo sư Nguyễn
Ngọc Huy. Anh em tuổi mỗi ngày một cao, mỗi năm kiểm điểm, lại vắng mặt
vài tên … hoặc yếu quá đi không nổi, hoặc đã bỏ anh em đi theo Thầy Ba.
Nhớ năm nào, Thầy Bảy Bớp, rồi anh Tư Hoàn, rồi anh Hai Lưỡng ra đi, rồi
anh Sáu Tồn, anh Tư Hữu, anh Hai Thừa, rồi Cao Minh Châu, Trần Quang
Trí, rồi Trần Thúc Vũ, đến những thằng em như Trần Quang Liêm cũng bỏ
đi, rồi hôm qua anh Nhan Minh Trang, rồi hôm kia anh Bảy Phàng…. từ nay,
mỗi buổi giỗ phải đọc thêm tên… các đồng chí đàn chú, đàn bạn, nhóm
cùng lứa Thầy, nhóm đệ tử Thầy, nhóm học trò Thầy, gọi là nhớ nhau, và
nhánh nhang từ nay sẽ là bó nhang.
Hai
mươi mốt năm rồi, anh em, học trò, đồng chí, chiến hữu, vẫn, kẻ ít,
người nhiều, ráng gìn giữ, bảo quản, và cố gắng bước theo những bước
Giáo sư chỉ dẫn
Người
Á đông chúng ta để vị thầy đứng trên cha mẹ: “Quân Sư Phụ”. Ngày nay,
thế giới Dân chủ, không còn “Quân” nữa, các vị Vua của thời đại mới do
Dân tạo thành, do Dân dựng lên. Chỉ còn “Sư” và “Phụ”. Cha thì không làm
sao tránh khỏi. Nhưng Sư thì cũng bắt buộc phải có, có vị thầy khai tâm
mở đạo, từ lúc biết đánh vần abc đến lúc thành người. Nhưng có những vị
Thầy chúng ta không học, chúng ta chỉ lấy nhơn cách và việc làm của
những vị ấy làm tấm gương, làm bài học. Tất cả do cơ duyên.. Thành bại
tốt xấu, xin chờ đến ngày cáo chung cuộc đời hãy nói đến…
Giáo
sư Nguyễn Ngọc Huy là Chú Ba Huy của tôi, là nhà thơ Đằng Phương, là
đồng chí Ba Hạnh, là anh Ba Xạo và cũng là Thầy Ba, thầy dạy tôi đánh
vần, thầy dạy tôi tập tễnh vào đời đảng viên, thầy dạy tôi vào nghề
Chánh trị học. Mà nói tới Thầy Ba, Chú Ba là tôi nhớ đến Bác Tư, Bác sĩ
Nguyễn Tôn Hoàn. Chú Ba Huy, Chú Tư Hữu, Chú Sáu Tồn, Chú Sáu Nghĩa, Chú
Bảy Phàng, Chú Hai Thừa, Chú Tư Tiếp, Chú Hoài Sơn … nếu tôi gọi các
đồng chí ấy là Chú, cũng có người tôi gọi là Bác, như Bác Hai Chiêu, Bác
Tư Hoàn, Bác Sáu Thảo, Bác Bảy Cảnh…tùy theo vai vế trong Đảng và tuổi
tác, nhưng cũng do cha tôi biểu… Tôi xin kể như vậy để nói với quý đồng
chí, chia sẻ với quý chiến hữu, quý bạn, cái tình gia đình giữa các đảng
viên Đảng Đại Việt. Đảng Đại Việt là một đại gia đình, Đảng Đại Việt là
gia đình của tôi. Các Bác các Chú, các Anh đều gọi tôi “thằng Song”, và
câu đầu môi khi gặp tôi: “Sao mầy?”. Ôi nó thân thương làm sao, nó cảm
động làm sao, khi được nghe “Sao mầy?”… Đó là lý lịch Đại Việt của tôi,
khi tôi gặp lại một người Bác người Chú của đại gia đình Đại Việt. Đại
Việt Quốc Dân Đảng, Tân Đại Việt hay Đại Việt Cách Mạng Đảng cũng vậy
thôi. Cố Chủ tịch Hà Thúc Ký khi tôi gặp tôi vẫn gọi là Bác Cả hay Anh
Cả.
Ôi
làm sao quên được buổi thiếu thời sanh hoạt thiếu nhi ở Chùa, rạp
Cinéma Tân Định, học đờn mandoline, học hát trong Ban Thiếu nhi cùng với
Tùng Lâm (tài tử Tùng Lâm sau nầy), con Bác Tư Quảng, nhà ở Đất Hộ, gần
Cầu Bông…!
Ôi làm sao quên những ngày cuối tuần ở Paris, khi qua Pháp du học, chạy bàn ở quán ăn Sông Hương (Restaurant La Rivière des parfums)
đường Montagne Saint Geneviève quận 5 Paris, nơi tỵ nạn của Bác Tư
Hoàn. Khi chờ khách hay sau khi khách về, vừa rửa chén, lau bàn, vừa bàn
chánh trị với nhau. Bác Tư (Bác sĩ Hoàn) ít nói, anh Michel Đoàn (nay
ngụ tại Paris), người cháu Bác Tư, lúc nào cũng có mặt, ngồi nghe hai
anh sanh viên của Viện Chánh Trị học, Institut des Sciences Politiques,
đường Saint Guillaume, Paris quận 7, đấu chánh trị, đúng hơn là anh đàn
anh, Chú Ba Huy, Cao học, giảng chánh trị cho thằng đàn em, Phan Văn
Song, năm thứ nhứt. Chú Ba nói say sưa đủ cả đề tài, thằng em thắc mắc
đến đâu, ông giảng tới đó, nào là nhận định thời sự Pháp, quốc tế, nào
chiến thuật Mỹ đối với chiến tranh lạnh.
Thời
gian ấy là những năm đầu của Tổng thống Kennedy, nhà chánh trị đẹp
trai, nhà giàu, học giỏi, trẻ tuổi tài cao, v.v. Nào là Kennedy đụng độ
với Kroutchev, nào là vụ Vịnh Con Heo, tình hình Việt nam, chuyện Nhà
Ngô, chuyện Đảng Cần Lao, thuyết Nhân Vị, phân tích những khó khăn của
những sanh viên gốc Quốc gia trước sức ép của Mật Vụ Cần Lao của Tòa Đại
sứ Việt Nam Cộng hòa, …Và cộng với những khó khăn đó, anh em sanh viên
gốc Quốc gia lại phải đương đầu với cái giọng ngọt bùi tình tự dân tộc
của nhóm sanh viên Việt cộng …
Thời
điểm ấy, tựa tựa giống như không khí chánh trị của Việt Nam ngày hôm
nay: ở Việt Nam lúc bấy giờ thời nhà Ngô, đã bắt đầu có những rạn nứt
của một chế độ độc tài, của một nhà cầm quyền càng ngày càng xa lánh
dân, với một chủ thuyết ngoại nhập không bắt rễ được trong sanh hoạt văn
hóa cổ truyền Việt nam, với những mưu toan kiểm soát các Tôn giáo, tạo
dựng những nhà thờ quốc doanh, những Giáo hội gia nô…với một Quốc hội,
bù nhìn, gia nô, với những Tổng bộ trưởng Nghị sĩ Dân biểu gật… Và anh
Ba, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy phân tích phải làm sao để lật đổ, để trả lại
dân chủ cho Việt nam Cộng hòa. Và quan niệm “ba mũi giáp công” cũng
thành hình từ đấy:
-
Quốc tế vận với bạn bè quốc tế (lúc bấy giờ lẫn lộn giữa Quốc Cộng –
thế người quốc gia rất khó khăn – chủ thuyết Trung lập của các đệ tam
Quốc gia với trường phái Hội nghị Bandung do ba nhơn vật điển hình quốc
tế là Nehru, Soekarno và Sihanouk)
-
Đấu tranh hải ngoại do du học sanh biểu tình và vận động bạn bè (cũng
rất khó khăn vì kẹt giữa đàn áp kinh tế của Mật vụ các Tòa Đại sứ VNC và
sanh viên thân cộng.)
-
Đấu tranh trong nước (Đảng Đại Việt – các Đảng phái Quốc gia, lực lượng
Phật giáo, quân đội, các giáo phái, các thành phần bất mãn..).
Đảng
Đại Việt đào tạo rất nhiều nhà lãnh đạo rất giỏi. Đảng cũng được nhiều
nhà trí thức và nhơn tài đến góp sức, nhưng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là
một nhơn tài đặc biệt.
Giáo
sư Nguyễn Ngọc Huy là nhà thơ, một nhà văn, một nhà nghiên cứu khoa học
chánh trị, một nhà bình luận chánh trị, và ông cũng là một nhà giáo, và
một nhà mô phạm lớn. Ngoài tài đức của một nhà mô phạm, ông lại là một
lãnh đạo chánh trị biểu hiện được đức tín của người xưa.
Chính
cái đạo đức, tư cách, tấm lòng, nếp sống của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã
tạo cho các người lãnh đạo Đảng ngày nay một tấm gương sáng, để trông
vào gương là cấp dưới tuân thủ mà không cần đến nghiêm lịnh.
Ngoài
cái đức theo nghĩa đạo lý kia. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy còn hội đủ những
đức tánh theo quan niệm đạo lý chánh trị thời xưa: lập Đức, lập Ngôn,
lập Công. Tôi đã nhiều lần nói đến đức tánh ấy của Giáo sư. Hôm nay tôi
xin lặp lại để quý đồng chí, quý chiến hữu nhớ và trông vào cái gương
sáng của Người.
Lập
Đức, có lẽ không một ai hoài nghi về đức độ và lòng bao dung của Giáo
sư Nguyễn Ngọc Huy đối với chiến hữu, với bạn bè và cả với mọi người anh
em quen biết xa gần.
Lập
Ngôn, hay lập Thuyết phải nói đến nền tảng của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy
là Dân chủ. Mà Dân chủ nào? Ông không bao giờ nói đến Dân chủ đa nguyên.
Dân chủ đương nhiên là đa nguyên rồi. Dân Chủ mà ông khai triển để lập
chánh thuyết cho đoàn thể của ông từ trước năm 1975 ở Việt Nam là Dân
chủ Pháp trị và Dân chủ dân bản.
Còn
nói về lập Công, nếu ngày trước, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã tin tưởng và
giao cho ông những chức vụ then chốt để cuối cùng ông trở thành vị lãnh
đạo, thì sau ngày ra hải ngoại, ông ráo riết xây dựng một dư luận chánh
trị Việt Nam cho cuộc đấu tranh giải phóng quê hương. Ông có cái nhìn
tổng hợp, theo định hướng thực hiện ba yếu tố, mà người ta gọi đó là
công án hay phương trình Nguyễn Ngọc Huy: hải ngoại – quốc tế – quốc
nội.
Phương trình nầy ngày nay trong tình hình mới, trong mặt trận mới vẫn luôn luôn thời đại:
-
Hải ngoại hỗ trợ trong nước, cờ vàng tung bay ngạo nghễ trên mọi đường
phố Huê kỳ Âu Chấu Úc châu. Ở đâu có mặt người Việt tỵ nạn ở là ở đó có
cờ vàng phất phới.
-
Quốc tế ủng hộ đấu tranh bên nhà, Nghị quyết Liên Hiệp Âu châu tố cáo
tình hình xâm phạm Nhơn quyền ở Việt Nam. Nhà trắng Huê kỳ lo lắng theo
dõi tất cả mỗi xâm phạm vào quyền Tự do Dân chủ ở Việt Nam.
-
Tại Quốc nội tình hình đấu tranh cao. Ngoài những cuộc biểu tình đòi
bồi thường đất đai của dân oan khiếu kiện ở Sàigòn, ở Hànội dài dài từ
mấy năm nay mặc dù đã bị đàn áp và dẹp đi. Nhưng ngày nào dân oan chưa
được giải quyết thỏa đáng thì ngày đó vẫn có thể bùng nổ. Và hôm qua
hiểm họa Bô Xít, thì hôm nay hiểm họa Hán hóa, Bắc buộc người dân đã
liên tục từ đầu tháng sáu nầy, trong năm Chủ Nhựt liền, tiếp tục xuống
đường biểu tình chống Trung Cộng đang xâm lược đất nước và hải phận Việt
Nam. Với tình hình đấu tranh một ngày một dâng cao, sớm muôn gì đất
nước Việt Nam cũng phải tự giải phóng khỏi ách đô hộ Đảng Cộng Sản. Và
chỉ khi nào Đảng Cộng Sản bị dẹp bỏ, một Việt Nam mới Dân Chủ, Dân Bản,
Pháp Trị, Tự Do mới có thể đem lại một sự Phát Triển cho một Việt Nam
phú cường.
Đưa
lại cái nhìn tổng kết việc lập Đức, lập Ngôn, lập Công của Giáo sư
Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta có thể quả quyết ông đã thành công thu phục
được dư luận thuận lợi cho cuộc đấu tranh cho Việt Nam.
Giáo
sư Nguyễn Ngọc Huy trong thế hệ những nhà tranh đấu trưởng thành vào
thời điểm Đệ nhị Thế chiến là một trong những nhà tranh đấu lúc bấy giờ
chủ trương đấu tranh dựa trên cơ sở sanh hoạt hiến định. Ông là người
đầu tiên mạnh dạn thực hành Dân chủ Pháp trị trong sanh hoạt chánh trị
quốc gia. Trong cái không khí “cách mạng” của những nhà tranh đấu chống
Pháp, rồi chống Cộng sản, “chỉ mong lật đổ chánh quyền bằng bạo lực”, có
thể nói ông là người duy nhứt sớm hơn hết có can đảm nối tiếp truyền
thống một Nguyễn An Ninh, một Tạ Thu Thâu để cổ xúy việc thực hành
thuyết Dân chủ Pháp trị theo tinh thần hiến định. Trong sanh hoạt chánh
trị quốc gia, khối dân biểu Dân quyền tại Quốc hội (thuộc Phong trào
Quốc gia Cấp tiến) nắm giữ vai trò đối lập để ngăn chận sự lạm quyền của
hành pháp, sự “nâng bi” của một số dân biểu “thân chánh quyền” ngõ hầu
bảo vệ nền dân chủ non nớt trước áp lực ồ ạt của Cộng sản. Điều ông bảo
vệ là “tánh hiến định” của chế độ Sài gòn. Đó là cái biên giới cuối cùng
để xác định thể chế tất yếu tranh đấu chống lại chủ trương thôn tính
của Cộng sản Hà nội.
Nếu
ta có giữ một hình ảnh trong mọi khía cạnh con người Nguyễn Ngọc Huy,
có lẽ, đối với tôi, người đã được ông giao phó nhiệm vụ “trồng người”,
một Viện Đại Học, Trường Cao đẳng Thương Mãi Minh Trí, để đào tạo những
con em của đất nước Đại Việt, đó là hình ảnh nhà làm chánh trị Dân chủ
Pháp trị. Khi cầm quyền, ta làm bổn phận công dân, khi không cầm quyền,
ta cũng làm bổn phận công dân. Ông vẫn mơ ước cho Việt Nam một chế độ
lưỡng đảng và Tổng thống chế (không phải vì ông muốn bắt chước Huê Kỳ)
qua hình ảnh “chân mặt bước trước, chân trái bước theo) theo hình ảnh
chánh phủ luân phiên thay đổi theo kết quả bầu cử định kỳ (alternative). Thay phiên cầm quyền và thay phiên đối lập. Đối lập trong xây dựng, đối lập trong cùng trách nhiệm tổ chức.
Lấy
Dân chủ làm trọng tâm lập thuyết, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đặt rõ vấn đề
Việt Nam là vấn đề chánh trị. Giáo sư là nhà chánh trị Việt Nam duy
nhứt thời bấy giờ đặt rõ vai trò Dân chủ Pháp trị và Hiến định trong
hoạt động chánh trị. Với vai trò ấy, với những bài thuyết Giáo sư đã
viết và để lại, chúng ta, những đồng chí, những người học trò, những đàn
em, đàn cháu, chúng ta đã thừa hưởng một gia tài tư tưởng chánh trị
hiếm có, chúng ta phải quyết giữ lấy gia tài, và vốn liếng quý báu mà
Giáo sư đã trao lại cho chúng ta.
Qua
gương sáng của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta có một bài học xử thế
chánh trị qua gương sáng các đồng chí đàn anh chúng ta có những bài học
dấn thân hành đạo. Bài viết nầy gởi đến các đồng chí để tri ơn toàn thể
các đồng chí đàn anh của đại gia đình Đảng Đại Việt chúng ta mà điển
hình là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Anh Ba, Chú Ba của chúng ta.
Và hôm nay, càng nhớ Chú Ba Huy, càng thương Bác Tư Hoàn, và thương nhớ tất cả các đàn anh quá cố.
Hồi Nhơn Sơn ngày 7 tháng 7 năm 2011.
Sanh nhựt thứ 69
TS. Phan Văn Song
http://www.vietthuc.org/2011/08/02/thang-b%E1%BA%A3y-nh%E1%BB%9B-chu-ba/
No comments:
Post a Comment