Sunday, August 21, 2011

Sứ mệnh mới của Công An Việt Nam

Việt Hoàng …Chẳng lẽ sau này không còn Đảng thì không còn cần đến cán bộ chiến sĩ công an hay sao? Thật là vô lý và hoang đường trong suy nghĩ của một người dân đen bình thường như tôi…”   


Chức năng, nhiệm vụ chính của ngành công an thì ai cũng biết đó là bảo vệ cuộc sống thanh bình cho người dân. Công an là người bạn của dân và đương nhiên công an phải là người được nhân dân biết ơn và kính trọng. Đấy là lý thuyết, trong thực tế thì công an Việt Nam có được như vậy không? Tôi e rằng không. Nhất là trong thời gian chục năm gần đây.

Công an cũng là một bộ phận của hệ thống công viên chức nhà nước vì họ làm việc cho nhà nước và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền đóng thuế của người dân. Đáng lý ra đối tượng mà công an phải phục vụ phải là người dân. Thế nhưng nhiệm vụ của họ đã thay đổi, nhiệm vụ của họ bây giờ là bảo vệ đảng, chứ không phải bảo vệ dân. Một câu khẩu hiệu ‘nổi tiếng’ và ‘nổi da gà’ của Bộ Công an đó là khẩu hiệu “Công an (nhân dân?) chỉ biết, còn Đảng còn mình”?!. Chẳng lẽ sau này không còn Đảng thì không còn cần đến cán bộ chiến sĩ công an hay sao? Thật là vô lý và hoang đường trong suy nghĩ của một người dân đen bình thường như tôi. Nhưng bất chấp việc tôi và có thể còn nhiều người khác bất bình với khẩu hiệu sống và hành động đó, vẫn có một bộ phận trong ngành công an nhất nhất làm theo “phương châm” là “còn đảng còn mình”.

Báo chí đã đưa tin rất nhiều vụ công an đánh chết dân vì những lý do rất “vớ vẩn”, ví dụ như không đội mũ bảo hiểm chẳng hạn. Những vụ công an đánh chết người nổi bật như vụ anh Nguyễn Văn Khương (Bắc Giang), anh Nguyễn Công Nhựt (Bình Dương), anh Trần Gòn (Ninh Thuận), ông Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội)… Chỉ duy nhất có thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Giang là bị kết án tù (do phản ứng mạnh mẽ của người dân Bắc Giang) còn các vụ khác có khả năng “chìm xuồng”. Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, trong vòng 1 năm, từ tháng 10 năm 2009 tới tháng 10 năm ngoái, có ít nhất 19 trường hợp báo cáo bị công an đánh đập tra tấn, dẫn tới 15 ca tử vong tại Việt Nam.

Những vụ việc trên thì ai cũng biết nhưng đó mới chỉ là ở tầm thấp nhất, cái “mối nguy” hiện nay là việc Bộ Công an đang thao túng và thâu tóm quyền lực từ trên thượng tầng cao nhất. Sau Đại hội 11, ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nắm giữ ghế Thủ tướng, chức vụ được đánh giá là có quyền lực lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, hơn cả chức Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước. Một nhà nước “công an trị” đang hình thành và ngày càng rõ nét. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng là cựu Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Lê Hồng Anh, cựu Bộ trưởng Công an, một người thân thiết với ông Nguyễn Tấn Dũng nắm ghế Thường trực Ban bí thư, đây cũng là một cái ghế đầy quyền lực trong đảng. Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có xuất thân là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát. Bộ Chính trị có hai người của công an trong khi Bộ Ngoại giao không có người nào. Mới đây nhất là việc bổ nhiệm hai ông Thứ trưởng công an về làm Bí thư Tỉnh ủy hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh.

Đến đây tôi chợt liên tưởng việc này với nước Nga. Bản thân tôi không thích ông Pu-tin lắm vì ông ta thực thi quyền lực với một bàn tay sắt của một nhà độc tài. Tuy nhiên có một việc mà tôi thán phục ông ta đó là việc ông ta “bổ nhiệm” người kế thừa. Bản thân ông ta xuất thân từ công an (KGB), ông điều hành nước Nga cứng rắn và không khoan nhượng với bất cứ ai nhưng ông ta đã “chọn” Medvedev, một luật sư nổi tiếng làm Tổng thống nước Nga chứ không phải là một viên tướng dưới quyền. Ông Medvedev là một luật sư được đào tạo bài bản, dáng thư sinh và chắc là cả đời chưa biết thế nào là mùi “chuyên chính vô sản”. Sự lựa chọn này của ông Pu-tin mang lại một hình ảnh tốt đẹp hơn cho nước Nga. Việc thực thi và tôn trọng luật phát sẽ được cải thiện dưới thời của tổng thống Medvedev, vì một người xuất thân từ luật sư chắc chắn sẽ chọn cách giải quyết các vấn đề bằng luật pháp hơn là dùng dùi cui. Nhất là để “nói chuyện phải quấy” với nhân dân mình. Ông Pu-tin sẽ “vĩ đại” trong mắt tôi nếu ông ta tiếp tục “nhường” cái ghế tổng thống Nga cho ông Medvedev thêm một lần nữa.

Có thể ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Hồng Anh, ông Nguyễn Hòa Bình và hai ông thứ trưởng công an mới được bổ nhiệm giỏi hơn rất nhiều so với những quan chức cao cấp khác trong đảng nhưng hình ảnh một đất nước mà các vị lãnh đạo đều là công an sẽ ra sao? Câu trả lời khó lòng phản bác: Đó là hình ảnh của một “nhà nước công an trị”. Cộng thêm với những thành tích “bất hảo” của cấp dưới, những kẻ chỉ biết “còn đảng còn mình” thì lý lẽ của chính quyền càng không thuyết phục được ai.

Một việc làm mới đây của công an Hà Nội mà bản thân tôi rất phản đối đó là việc dùng cảnh sát hình sự và cảnh sát cơ động tham gia cùng cảnh sát giao thông trấn áp (xử lý?) người vi phạm khi họ phạm lỗi “tham gia giao thông”. Việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một vi phạm nhỏ thuộc về hành chính, những người vi phạm không phải là tội phạm. Việc mạnh tay với họ trong khi đất nước còn bao nhiêu vấn đề bức xúc khác chỉ góp phần gây thêm những bức xúc mới và lớn hơn. Theo nhận định của tôi thì đằng sau sự việc này ẩn chứa một toan tính khác, lớn hơn và xấu xa hơn nhiều. Toan tính đó là “rung cây dọa khỉ”, hù dọa dân chúng. Những kẻ nghĩ ra phương án này hình dung ra cảnh hàng chục cảnh sát, đủ các loại, xông ra giữa phố đông người đè nghiến một người dân không “đội mũ bảo hiểm”, còng tay họ lại và áp giải họ như một tên tội phạm sẽ làm người dân lo sợ và bất an!

Trong khi đó tại các tỉnh phiá Nam như TP HCM và Bình Dương thì công việc ngăn ngừa và trấn áp các loại tội phạm đường phố như cướp giật, trộm cắp… của lực lượng công an lại được giao phó cho các “hiệp sĩ đường phố”. Đây cũng là việc làm tùy tiện và không tuân thủ luật pháp của một chính quyền đứng đắn. Cả một Bộ Công an với đủ các loại ban phòng tại sao lại né tránh trách nhiệm của mình, đẩy công việc nguy hiểm là chống tội phạm sang cho người dân? Những câu hỏi rất mong có câu trả lời từ Bộ Công an: Ai sẽ trả lương cho những “hiệp sĩ đường phố”? Cơ chế nào để bảo vệ họ hay công cụ nào để chế tài họ khi họ vi phạm pháp luật? Qui định nào để biết khi nào thì họ vượt quá “quyền hạn” của mình? Trong trường hợp này việc xử lý họ sẽ ra sao? Lực lượng công an hình sự đi đâu? Làm gì? Không lẽ đây là chiến thuật “dùng độc trị độc” đã được các cai tù áp dụng trong các nhà tù hà khắc? Không lẽ nước Việt Nam đã biến thành một nhà tù lớn, mỗi người dân Việt Nam là một người tù dự khuyết?  

Nói như ông Nguyễn Gia Kiểng thì bất cứ một chế độ nào cũng phải đứng trên hai chân “thuyết phục và khuất phục”. Có nghĩa là làm cho dân “vừa yêu vừa sợ’. Lý tưởng nhất là khi chính quyền “thuyết phục” được người dân, làm cho người dân “tin yêu” chính quyền. Chính quyền Việt Nam ngày nay không còn làm nổi công việc “thuyết phục” người dân được nữa nên họ chỉ còn mỗi biện pháp duy nhất là cố “khuất phục” người dân, tức là làm cho người dân “lo sợ” để không dám nghĩ đến chuyện phản kháng. Một khi chính quyền đã phải dùng đến phương pháp hạ sách như vậy thì chứng tỏ chính quyền đó đã mất đi sự tự tin và mất đi sự chính đáng.

Việc “công an hóa” bộ máy lãnh đạo chính quyền đang và sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho sự sống còn của đảng cộng sản. Bề nổi thì đây là việc làm bắt buộc của chính quyền khi việc “thuyết phục” người dân không còn hiệu quả. Người dân đã công khai thách thức chính quyền, ví dụ như việc người dân thường xuyên tấn công cảnh sát, kiểm lâm… Càng sử dụng sức mạnh của lực lượng công an để đối phó với người dân thì càng tạo ra lằn ranh đối lập giữa người dân với công an. Công an khi đó không còn là “bạn dân” nữa mà trở thành “kẻ thù” của dân. Tôi chứng kiến một câu chuyện, có một người bạn muốn cho con vào học trường cảnh sát bị tất cả những người có mặt phản đối vì cho rằng công an là nghề “thất nhân thất đức”! Quả thật là rất “oan” cho ngành công an.

Trong buổi hội luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên do phân bộ Paris tổ chức tại Pháp hồi tháng 7/2011, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng Việt Nam đang chuyển hóa từ chế độ “độc tài Đảng trị” sang chế độ “độc tài cá nhân trị” và đó là quá trình tất yếu của các chế độ độc tài hậu cộng sản, những chế độ không còn lý tưởng. Quá trình dẫn đến sự sụp đổ. Trong quá trình này thì việc “công an hóa” chính quyền là điều tất yếu. Sự xung đột giữa công an và quân đội sẽ phải xảy ra cũng là điều tất yếu. Trong một chế độ mà “quyền lợi” là trên hết thì việc Bộ công an “dành hết” những phần “béo bở” cho mình vì được trực tiếp “quản lý xã hội” sẽ khiến phía quân đội bất bình và phẫn nộ. Quân đội đông và mạnh hơn công an, trong khi quyền lợi lại không bằng. Khi quân đội “ủng hộ” hoặc đứng về phía người dân thì ngày đó sẽ có sự thay đổi.

Xã hội dân sự tại Việt Nam tuy còn tự phát và nhỏ lẻ nhưng vẫn “lừng lững đi tới” như lời nhà báo lão thành Bùi Tín. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc âm mưu xâm chiếm Việt Nam vẫn diễn ra đều đặn và ôn hòa, dù không có ai tổ chức nhưng vẫn như là có tổ chức, và điều này khiến chính quyền bối rối, lo lắng. Điều đáng mừng và cảm động đó là trí thức Việt Nam đã nhập cuộc, họ đã hòa mình vào những khát vọng của nhân dân. Hình ảnh tham gia biểu tình của một người vô cùng nổi tiếng, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Đất nước đứng lên”, nhà văn Nguyên Ngọc trong lần biểu tình thứ 10, bên cạnh nhiều trí thức khả kính khác diễn ra tại Hà Nội ngày 14/8 sẽ đi vào lịch sử Việt Nam cận đại.

Khi “Đất nước lại đứng lên” (như lời ông Hà Sĩ Phu) thì lịch sử chắc chắn sẽ sang trang.

Trong cuộc chuyển giao lịch sử, một cuộc “dựng nước lần thứ hai” này (lời ông Nguyễn Gia Kiểng) thì trí thức Việt Nam phải là người đi tiên phong, phải là tác nhân chính cho sự thay đổi. Chỉ khi đó Việt Nam mới thực sự bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của dân chủ và tự do thực sự.

Sự đóng góp và dấn thân của lực lượng trí thức trong quân đội và công an là rất cần thiết. Chính xác hơn là “rất cấp thiết”.     

Việt Hoàng


ethongluan.org

No comments:

Post a Comment