Friday, August 12, 2011

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KHỔNG GIÁO VÀ CỘNG SẢN

Chu chi Nam - SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KHỔNG GIÁO VÀ CỘNG SẢN, GIỮA VĂN MINH ĐÔNG TÂY SẼ ĐƯA ĐẾN SỤP ĐỔ CHẾ ĐỘ TẠI TRUNG CỘNG

Cáh đây mấy năm, chế độ cộng sản Trung cộng quyết định phục hồi ý thức hệ Khổng Tử. Chính vì vậy mà họ cho
xây cất hàng trăm viện Khổng học, không những ở xứ Tàu, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, cùng việc cho đúc bức tượng Khổng Tử cao 9,5 m, nặng cả hơn chục tấn, ngay ở quảng trường Thiên An Môn.

Sự việc này đã gây tranh cãi và chia rẽ ngay chính trong nội bộ đảng cộng sản Tàu. Bởi vậy, gần đây, bức tượng tự nhiên trong một đêm bị biến mất, sau mấy tuần, lại được mang về chỗ cũ. Tất nhiên hành động này, người dân thường không dám và không có phương tiện để làm, mà phải là những người trong Bộ Chính Trị đảng mới dám và mới có phương tiện.

Điều này nói lên sự chia rẽ trong đảng về việc phục hồi tư tưởng của Khổng.
Cũng có giả thuyết cho rằng Viện Nghiên Cứu Khổng Tử ở Bắc Kinh mang bức tượng đi để tu sửa. Nhưng tại sao lại làm một cách âm thầm và dựng lại một cách âm thầm như vậy. Nên giả thuyết này không đứng vững.

Thực ra sự kiện này cũng không có gì mới lạ, vì cách đây mười mấy năm, giới lãnh đạo Trung cộng đã tính nhập cảng tư tưởng Pháp luân công, chủ trương con người phải ăn hiền ở lành, không nói dối, không làm điều ác, cũng như chủ trương có sự hài hòa giữa tinh thần và thể xác qua việc tập thể dục nhẹ nhàng cùng thở hít đúng cách. Pháp luân công đã làm cho rất nhiều đảng viên cao cấp và dân đi theo,  có cơ làm sập chế độ, nên chế độ đã cấm và ngày hôm nay lại hành xử tàn bạo với giáo phái này.

Việc phục hồi tư tưởng Khổng giáo cũng vậy, có cơ làm lay chuyển chế độ.

Tại sao ?

Vì ý thức hệ Khổng giáo và ý thức hệ cộng sản qua tư tưởng Mác Lê Mao hoàn toàn trái ngược, mâu thuẫn với nhau, chẳng khác nào như nước với lửa, chấp nhận cái này thì đi đến hủy diệt cái kia, phục hồi tư tưởng Khổng học có nghĩa là hủy diệt tư tưởng Mác Lê Mao và ngược lại.

Chúng ta không cần đi vào sâu, chúng ta chỉ cần nhắc đến một câu của Mao về Khổng Tử thì chúng ta cũng đã thấy rõ. Mao nói : «  Khổng Tử là con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến ». Cũng như Mao thường nói với người chung quanh và ngay cả viết sách rằng một trong những lý do chính khiến ông đi theo cộng sản là vì ông chống đối gia đình. Điều này hoàn toàn đi ngược với quan điểm của Khổng tử, như chúng ta ai cũng biết, chủ trương tôn trọng gia đình, qua quan điểm : «  Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín « , mà theo ông căn bản của nhân là lòng hiếu đễ.

Trong khuôn khổ bài này, tôi không thể đi sâu vào việc phê bình tư tưởng Khổng học nói riêng và tư tưởng đông phương nói chung cùng phê bình và so sánh tư tưởng Mác nói riêng và Tây phương nói chung. Tôi chỉ xin nêu lên một vài ưu điểm cũng như khuyết điểm của cả 2 nền triết học.

Một cách tổng quát, cái nhìn triết học của đông phương thiên về tổng hợp ( synthétique), cái nhìn triết học của tây phương thiên về phân tích (analytique). Cái nhìn tổng hợp là một cái nhìn toàn thể, nhưng dễ đi đến sai lầm, dễ đi đến những sự xét đoán hồ đồ, chưa đủ yếu tố đã đi đến kết luận. Tiểu thuyết và phim ảnh không phải là tất cả văn hóa, nhưng nó cũng tiêu biểu một phần không nhỏ. Chúng ta cứ lấy tiểu thuyết chưởng và phim chưởng của Tàu, thì chúng ta có thể thấy một phần nào sự xét đóan tổng hợp, chưa phân tích rõ, mà đã đi đến kết luận qua các nhân vật trong chuyện của Kim Dung nói riêng và người Tàu nói chung. Đó là tính trả thù và xét người, xét việc vội vã. Câu : «  Thù cha, thù mẹ thì phải trả « . Chúng ta không bàn cãi sâu vê câu này ; nhưng trả thù ai. Chưa xét đoán đúng, mới có một vài dữ kiện ắt có, chưa hoàn toàn đủ, đã đi đến kết luận : «  Thằng đó, môn phái đó là kẻ thù giết cha, giết mẹ ta « , vội vã đi trả thù ; nhưng không phải, thế rồi thù oán càng ngày càng chồng chất. Hơn thế nữa, người Tàu thích tự mình làm quan tòa xét xử và làm cảnh sát thi hành lệnh xét xử. Đây có thể nói là tinh thần thiếu tôn trọng luật pháp chung, tự mình làm ra luật pháp riêng, chưa ở trình độ để hiểu rằng làm ra luật không phải dễ, phải nghĩ đi, rồi phải nghĩ lại, còn ở tình trạng : « Ăn miếng, trả miếng của thời Trung cổ. « 

Cái nhìn phân tích giúp ta nhìn sự việc một cách rõ ràng hơn, tuy nhiên là một cái nhìn cắt xén, làm sai lệch đối tượng, đưa đối tượng lên bàn mổ, nhìn từng khía cạnh một, quên đi rằng đối tượng là toàn thể, cái này liên quan trực tiếp hay gián tiếp với nhau, nhiều khi bổ xung nhau.

Ở đây tôi xin nói về quan niệm triết học biện chứng pháp, được áp dụng bởi một nhà triết học rất quan trọng của tây phương, chỉ sau Socrate, Platon và Aristote, đó là nhà triết học Đức Hégel. Phương pháp biện chứng này được Marx lấy lại và áp dụng vào thuyết duy vật.

Theo Hégel, thì tư tưởng con người biến chuyển theo biện chứng pháp, gồm có Đề, Phản Đề và Tổng Đề. Chẳng hạn anh có một tư tưởng, được gọi là Đề, khi anh phát biểu tư tưởng anh ra, có người phản bác lại, làm cho Đề và Phản Đề đối chọi nhau ; sau đó đi đến một kết luận là Tổng Đề. Rồi Tổng Đề lại trở thành Đề, lại có Phản Đề đối chọi để đi đến Tổng Đề. Cứ như thế tư tưởng con người tiến triển để đi từ chỗ chủ quan đến chỗ khách quan.

Ở điểm này về phương diện tư tưởng thì chúng ta còn có thể hiểu Hégel, nhưng Marx đem biện chứng pháp áp dụng cho vật chất thì chúng ta thật khó hiểu. Vật chất, theo nghĩa chúng ta hiểu thường tình là cục đá, cục đất, con vật và ngay cả con người bằng xương bằng thịt. Vậy nếu bảo rằng vật chất biến chuyển theo duy vật biện chứng, thì cái gì là đề, cái gì phản đề và cái gì là tổng đề. (1)

Cái nhìn tổng hợp có cái sai của nó, nhưng cũng có cái hay, đó là nó không có tính cách cắt xén, triệt tiêu như cái nhìn phân tích, nhất là phân tích biện chứng.

Câu : « Âm dương tương hòa ; hữu vô tương sinh ; nan dị tương thành ; trường đoản tương hình ; cao hạ tương khuynh. » (Âm dương hòa hợp với nhau ; có không bổ túc, tự tạo thành lẫn nhau ; dài ngắn bổ túc hình thể với nhau ; cao thấp bổ túc khuynh hướng lẫn nhau). Câu này thường người ta cho rằng là của Lão Tử ; nhưng thật ra, đó là của chung nền triết học đông phương, vừa Lão, Khổng, Phật. Chúng ta thấy như ngày xưa ở Việt Nam quan niệm tam giáo đồng qui là vậy.

Quan niệm phải khai thác thiên nhiên, ngự trị thiên nhiên khác với quan niệm phải sống hài hòa với thiên nhiên cũng một phần nào đi từ cái nhìn phân tích hay tổng hợp.

Một nhà chuyên nghiên cứu về Tàu, ông Jean Luc Domenach đã nói rằng điều đáng tiếc cho nước Tàu, đó là giới lãnh đạo đảng Cộng sản Tàu, từ Mao trạch Đông cho tới Chu Ân Lai, Lưu thiếu Kỳ, Đặng tiểu Bình v.v…, trình độ học vấn còn kém, chưa đủ trình độ để biết rõ những cái hay cái dở của cả 2 nền văn hóa đông tây, đã vội vã nhập cảng cái cặn bã của nền văn hóa tây phương là chủ thuyết Mác Lê và vứt bỏ tất cả những cái gì hay của văn hóa đông phương.

Đối với giới lãnh đạo Tàu mà còn vậy, huống chi là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, từ Hồ chí Minh cho tới ngày hôm nay.

Trở về với đề tài trên, Khổng Tử luôn nhấn mạnh đến nhân, nghĩa, lễ trí, tín, có nghĩa là con người phải có lòng thương người, thương vạn vật (Nhân), phải hành động theo đúng lẽ phải, hợp đạo lý (Nghĩa và Lễ) ; phải có suy nghĩ (Trí) và phải giữ niềm tin (Tín). Trong khi đó thì con người cộng sản phải là : «  một người vô đạo đức, một kẻ ăn cắp, một người lợi dụng thời cơ, một kẻ hối lộ « , như lời ông Netchaïev, đồ đệ của Bakounine, của Marx và Engels ( Theo Jacques Attali – K. Marx ou l’esprit du monde trang 404- nhà xuất bảnFayard-Paris).

Chính Marx cũng viết :
«  Những luật lệ, đạo đức, tôn giáo, dưới mắt người cộng sản, chỉ là những thành kiến tư sản, sau đó che dấu những quyền lợi tư sản. » ( K. Marx – Le Manifeste du Parti communistê trang 32 – Union générale d’Editions- Paris- 1962).

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến một câu Kinh thánh nói về những kẻ vô thần, nhưng ngày hôm nay áp dụng cho người cộng sản và lý thuyết cộng sản rất là đúng, mặc dầu cách đây cả bao ngàn năm :

«  Nó tự ru ngủ bằng một lý thuyết đơn giản, sai lầm và sai sự thật. Nó tự khoác vào người nó một bộ áo đạo đức giả ; nhưng bản chất thật của nó thì vô cùng gian manh, giảo quyệt và ác ôn côn đồ. Nó đã hạ thấp hình ảnh cao thượng và tốt đẹp của con người xuống hàng xúc vật, rắn rết và bò sát. »

Quả thật, lý thuyết, con người và thực tế cộng sản là như vậy. Chính vì lẽ đó mà sau gần 100 năm áp dụng lý thuyết của K. Marx, chúng ta thấy gì : Cả trăm triệu người là nạn nhân, xã hội cộng sản đã xụp đổ ở Nga Sô, Đông Âu, ngày hôm nay còn rơi rớt lại một vài xã hội, nhưng thực tế của những xã hội này là gì ?

Đạo đức băng hoại, giáo dục xuống cấp, đĩ điếm, phá thai, tỷ lệ phạm pháp cao, bất công đầy rẫy, tham nhũng hối lộ từ trên xuống dưới, không riêng gì ở Tàu, mà cả ở Việt Nam, Bắc Hàn và Cu Ba.

Để cứu vãn tình trạng này, có những người trong Bộ chính trị đảng cộng sản Tàu chủ trương trở về Khổng học ; nhưng họ bị rơi vào một mâu thuẫn to lớn, đó là trở về Khổng Giáo, về tư tưởng cổ truyền đông phương, thì có nghĩa là phải vứt bỏ tư tưởng Mác, Lê, Mao.

Giữ tư tưởng của Mác Lê Mao, không trở về Khổng giáo hay trở về Khổng giáo, vứt tư tưởng cộng sản ; đây là 2 khuynh hướng đang đánh nhau mạnh mẽ ở ngay trong nội tình đảng Cộng sản Tàu. Ai thắng ai ? Câu trả lời không thể có một sớm, một chiều ; nhưng cũng không có nghĩa là quá lâu, vì trước trào lưu tiến hoá cuả lịch sử nhân loại, những chế độ cộng sản còn rơi rớt lại cũng sẽ đi theo đàn anh Liên sô, có nghĩa là sụp đổ trong một thời gian không xa.

                    Paris ngày 09/08/2011
                        Chu chi Nam
(1)        Xin xem thêm những bài phê bình về Marx, trên : http://perso.orange.fr/chuchinam/


http://baotoquoc.com/2011/08/12/s%E1%BB%B1-khac-bi%E1%BB%87t-gi%E1%BB%AFa-kh%E1%BB%95ng-giao-va-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n/#more-32073

No comments:

Post a Comment