Friday, August 12, 2011

Khủng Hoảng Xã Hội về Chính Sách Kinh Tế

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA - Lần đầu tiên kể từ năm 1941, Hoa Kỳ bị công ty lượng giá Standard & Poor's hạ điểm tín dụng khi xứ này vừa tìm ra giải pháp tạm bợ về ngân sách.

Nhưng vụ hạ điểm xảy ra giữa cơn rúng động của Âu Châu vì vụ khủng hoảng của hệ thống tiền tệ Euro.
Ở bên kia Thái Bình Dương, kinh tế và xã hội Trung Quốc lại không ổn định như người ta nghĩ và bạo động đã xảy ra. Trên toàn cảnh của một rủi ro suy trầm kinh tế nữa, người ta thấy một nét chung, là người dân không đồng ý với chính sách kinh tế và thậm chí bất mãn với lãnh đạo. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về sự trùng hợp trong ngần ấy dị biệt qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa....

Biến động kinh tế

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Trong ngành truyền thông và ở giữa những chấn động bùng nổ hàng giờ trên khắp địa cầu, nhiều khi mình khó phân định ra tương quan nhân quả - đâu là nguyên nhân đâu là hậu quả. Nhưng nói chung, những biến động đang xảy ra - thí dụ như Hoa Kỳ vừa bị hạ điểm tín dụng làm thị trường hốt hoảng hôm Thứ Hai cùng lúc với những vụ biểu tình đập phá tại Anh quốc, hoặc bạo động đã xảy ra tại Trung Quốc - người ta thấy ra một yếu tố chung là kinh tế hoặc chính sách kinh tế chính trị. Kỳ này, chúng tôi xin đề nghị là ta cùng xoáy vào yếu tố chung đó để phần nào hiểu ra nguyên do của ngần ấy sự việc.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả là mình có thấy yếu tố chung là kinh tế, mà là sự suy trầm kinh tế khiến người ta cứ gọi kinh tế là một "khoa học u ám"! Nhưng nếu không bị sự hốt hoảng chi phối như phản ứng của thị trường Hoa Kỳ hôm Thứ Hai vừa qua, và để nhìn sâu hơn vào sự việc thì ta thấy ra sự bất mãn của quần chúng với chính sách kinh tế đang được áp dụng ở nhiều nơi, dù mỗi nơi lại có một chính sách khác.

Vũ Hoàng: Như vậy, xin ông tóm lược cho một bức tranh toàn cảnh:

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mình chỉ có thể cố gắng làm một việc tổng hợp rất khái quát thôi và chưa thể đề cập tới khối Á Rập, Mỹ châu La tinh, Phi châu hay nhiều xứ không bị khủng hoảng.

Mọi sự có vẻ - có vẻ thôi - như xuất phát tại Hoa Kỳ vào Tháng Chín năm 2008, khi kinh tế Mỹ bị suy trầm. Nó xuất phát từ sự chấn động khó tránh giữa hai yêu cầu là xã hội – cụ thể là tư hữu hóa gia cư để mọi người dễ dàng làm chủ ngôi nhà của mình – và yêu cầu về kinh doanh là kiếm lời trong sự bùng phát của thị trường gia cư. Yêu cầu xã hội gây ra sự bất cẩn khi đi vay và thổi lên trái bóng địa ốc trong sự bất trắc của loại tín dụng thứ cấp có nhiều rủi ro. Yêu cầu doanh lợi gây ra sự bất cẩn, và thậm chí bất lương, của nhiều tổ hợp đầu tư tài chính khi trái bóng địa ốc bị bể và kén nợ tín dụng bị ung thối. Kết quả là vụ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Vụ khủng hoảng dội vào Âu Châu khi kinh tế của khu vực này cũng có nhược điểm tương tự mà người ta không nhìn ra vì chỉ thấy sự thiệt hại của các ngân hàng Âu Châu vì tai họa bên Mỹ. Nghiêm trọng hơn thế là sự kiện Âu Châu đã thống nhất về kinh tế - và cả tiền tệ trong một khối nhỏ hơn, tức là khối Euro – mà chưa thống nhất về chính trị trong một lĩnh vực then chốt là kỷ luật tài chính. Khủng hoảng Mỹ dẫn đến suy trầm và mở banh ra mâu thuẫn nội tại của Âu Châu là nhiều xứ đã hồ hởi tiêu xài và vay mượn quá sức – như Mỹ - nhờ sức mạnh của kinh tế Đức.

Khi kinh tế Âu-Mỹ bị suy trầm trong sự quặt quẹo của kinh tế Nhật Bản, cả thế giới bị nạn "tổng suy trầm" trong hai năm 2008-2009. Trung Quốc có nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu, nạn tổng suy trầm đánh sụt khả năng đó khiến xứ này e sợ thất nghiệp và động loạn nên ào ạt tăng chi và bơm tín dụng để kích thích sản xuất dù hệ thống sản xuất ấy có nhược điểm rất nặng là kinh doanh không có lời mà trông cậy vào sự yểm trợ của nhà nước vì lý do xã hội và chính trị. Chính sách tăng chi và kích thích bằng tín dụng thổi lên nạn lạm phát và bong bóng đầu cơ. Lãnh đạo bị lúng túng giữa hai yêu cầu mâu thuẫn là tăng trưởng và ổn định vật giá trong khi quần chúng bất mãn về tham nhũng không chấp nhận sự đền bù công lao sản xuất quá thấp và bắt đầu biểu tình rồi bị đàn áp.

Vũ Hoàng: Ông vừa vẽ ra một bức tranh u ám gồm ba bốn mảng khác nhau. Nói chung thì người ta có thể thấy ra một yếu tố tương đồng là sự cưỡng chống hoặc bất mãn của người dân, có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa là đúng như vậy, người dân khắp nơi có thể thấy là cuộc sống của họ bị những thế lực đen tối chi phối và mơ hồ đổ trách nhiệm cho ai đó.

Dân chúng Hoa Kỳ thì lên án bọn tài phiệt tài chính cấu kết với các chính trị gia đã nhân vụ khủng hoảng mà tăng chi bừa phứa để phát triển chế độ bao cấp trong khi vẫn bảo vệ thế lực tài chính của các thủ phạm là hệ thống ngân hàng chẳng hạn. Dân Âu châu thì kết án các công chức cao cấp tại thủ đô Bruxelles của Liên hiệp Âu châu hoặc những quy định khắt khe của lãnh đạo tài chính khiến họ bị chính sách khắc khổ. Y như tại Mỹ, không thiếu gì người lại nhìn thấy nguyên nhân là di dân từ các nền văn hoá khác. Một số người tại Đức thì cho rằng chính quyền bắt họ tiếp tục hy sinh để nuôi dưỡng chế độ bao cấp của cánh tả ở xứ khác. Không phải ngẫu nhiên mà ba nước đang bị khủng hoảng đều do xu hướng xã hội lãnh đạo!

Dân chúng Hoa lục thì bất mãn vì lạm phát, nạn tham nhũng của đảng viên cán bộ, hoặc được lãnh đạo chỉ ra thủ phạm là Hoa Kỳ và các tập đoàn bất lương cấu kết với tư bản nước ngoài trong mục đích ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc. Nói chung thì sự bất mãn mơ hồ và lan rộng này tập trung vào hệ thống kinh tế chính trị, vào thành phần gọi là ưu tú ở trên và nhất là vào những người đang cầm quyền.

Phản ứng của dân chúng

000_Was4076632-250.jpg

Tổng thống Obama gặp lãnh đạo Quốc hội đàm phán về ngân sách hôm 11 tháng Bảy năm 2011 tại Washington DC. AFP 
Vũ Hoàng: Chúng ta hiểu là khi ngần ấy vấn đề quá phức tạp lại cùng lúc bùng nổ ở nhiều nơi thì người dân có thể lúng túng, hoặc thậm chí mâu thuẫn trong cách nhận định về nguyên nhân hay thủ phạm. Và cũng hiểu là khi người dân hoang mang như vậy thì chính quyền hoặc thiếu số có đặc quyền đặc lợi hay thành phần ưu tú như ông nói ở trên có thể còn gây thêm lầm lạc trong nhận thức để tránh né trách nhiệm. Với nỗ lực khách quan tối đa của người làm truyền thông và quan sát toàn cục từ bên ngoài, ông thấy rằng đâu là vấn đề chính?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi e rằng câu hỏi này rất khó có giải đáp đơn giản. Với những lý luận mơ hồ về thuyết âm mưu của một thiểu số giấu mặt có những ý đồ mờ ám, người ta có thể đổ lỗi cho rất nhiều thủ phạm. Nào là vì nạn toàn cầu hóa, vì kinh tế thị trường, bọn tài phiệt quốc tế, các đại gia có chức có quyền, v.v.... Từ mấy trăm năm nay, chúng ta đã thấy xảy ra hiện tượng gán tội âm mưu như vậy trong mọi vụ khủng hoảng, nên cũng không lấy làm lạ.

Nhưng khi theo dõi cho kỹ, tôi thiển nghĩ rằng toàn cầu hóa hay cả nạn nhiệt hóa địa cầu do hiện tượng công nghiệp hoá thật ra không là vấn đề. Những người bất mãn đều vẫn chấp nhận yêu cầu hiện đại hóa xứ sở và phát triển kinh tế thị trường. Có lẽ họ không hài lòng về hình thái xã hội mà lãnh đạo đang xây dựng qua chính sách kinh tế và chính trị.

Vũ Hoàng: Ông có một cách tổng hợp rất lạ, xin đề nghị ông giải thích nhận xét này cho rõ hơn với một số trường hợp cụ thể.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin bắt đầu từ Âu Châu trước. Trong lục địa có quá nhiều khác biệt này, ta thấy một nét chung là tinh thần liên đới xã hội. Cụ thể là chính sách kinh tế bao cấp được cả hai xu hướng cấp tiến và bảo thủ ở hai cánh tả hữu áp dụng trong nhiều thập niên. Như chính sách bên đảng Lao động của ông Tony Blair tại Anh thật ra không khác ông Jacques Chirac của đảng bảo thủ Pháp hay ông Silvio Berlusconi tại Ý.
Chính sách ấy chú trọng đến công bằng xã hội hơn là phát triển sản xuất và gây bội chi nặng khi xã hôi đang lão hóa. Vì thế, từ năm 2008 Âu Châu đã tìm cách giảm chi và thắt lưng buộc bụng, nhưng chuyện "được" và "mất" lại gây tranh luận. Lồng trong cuộc tranh luận là một vấn đề khác về văn hoá, là cái "riêng" với cái "chung": cái đặc tính Âu Châu có thể bị tan loãng vì hiện tượng di dân từ nền văn hoá Hồi giáo ở miền Nam lên. Chẳng lẽ chế độ bao cấp lại ưu đãi di dân Á Rập Hồi giáo hay các nước vô trách nhiệm ở miền Nam hay sao?

Thành thử, ngoài hồ sơ tài chính của đồng Euro, ta có vấn đề kinh tế là sự phá sản của chế độ bao cấp, và còn vấn đề văn hoá là bảo vệ sự thống nhất của những giá trị Âu Châu lẫn tinh thần độc lập quốc gia. Hậu quả có thể lan rộng hơn số phận của đồng Euro, mà có thể là sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của nước Đức để bảo vệ quyền lợi cốt lõi, cả kinh tế lẫn tinh thần và chính trị, của Âu Châu.

Trường hợp Hoa Kỳ

Vũ Hoàng: Đó là trường hợp quả là phức tạp của Âu Châu. Hoa Kỳ có lẽ không bị như vậy vì xứ này là một "hợp chủng quốc", hay đúng hơn một "hiệp chúng quốc", với sự kết hợp xã hội đa văn hoá trong một chế độ chính trị đa đảng. Thưa ông, có phải như vậy không?

000_Was4143950-250.jpg

Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ hôm 08/8/2011, sau khi S&P lần đầu tiên đánh sụt hạng tín dụng Hoa Kỳ từ AAA xuống hạng AA+. AFP photo 
Nguyễn Xuân Nghĩa: Có lẽ trường hợp Hoa Kỳ đơn giản hơn thật. Mà xứ này còn có khả năng ứng phó linh động hơn nhờ thể chế liên bang chính trị là điều Âu Châu không có.

Hoa Kỳ bị vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 gây hốt hoảng và bung lên thành khủng hoảng chính trị. Diễn đàn này có đề cập đến chuyện đó vào Tháng Chín năm 2008 vì khi ấy Hoa Kỳ đang trên cao điểm của tổng tuyển cử. Hậu quả là người dân đã chọn giải pháp bao cấp và liên đới theo kiểu Âu Châu khi mà xu hướng đó lại đang thoái trào ở bên kia Đại tây dương.

Kết quả chính trị ấy dẫn tới một ưu tiên đảo lộn tại Hoa Kỳ. Thay vì dồn sức giải quyết nạn suy trầm và thất nghiệp, chính quyền đã tăng chi tới mức kỷ lục và mất 18 tháng tranh luận về một dự án thật ra là xã hội là chế độ bảo dưỡng y tế. Trong khi ấy, đà tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao đã bào mỏng nguồn thu cho ngân sách khiến nước Mỹ bị bội chi và đi vay còn nặng hơn trước và nay cãi nhau về việc nên giảm chi hay tăng thuế trong khi nền tảng thu thuế đã co cụm.

Ta không nên quên một đặc tính văn hóa của Hoa Kỳ khác biệt với Âu Châu do kinh nghiệm lịch sử của dân Mỹ. Họ có tinh thần tự lực cánh sinh, sùng chuộng sự thành công, không có mặc cảm khi làm giàu, còn đề cao tự do của công dân trong khi nghi ngờ sự can thiệp của nhà nước. Họ cũng không mặn mà với lý luận "đấu tranh giai cấp" khá phổ biến tại Âu Châu.

Cũng khác với Âu Châu, xã hội Mỹ phản ứng rất nhanh và rất linh động. Chính quyền đã tăng chi gấp bội trong có hai năm thì cử tri cũng lập tức có phản ứng trong cuộc bầu cử năm 2010. Phản ứng đó gây va chạm dữ dội trong chính trường như chúng ta đã thấy. Và phản ứng đó cũng dẫn đến lời cảnh báo của thị trường khi nước Mỹ bị hạ điểm tín dụng.

Với người dân rất tự tin và tự hào thì quốc gia của họ bị mang nhục và họ bất mãn với giới lãnh đạo chính trị nên sẽ lại có phản ứng nữa vào cuộc bầu cử năm tới. Yếu tố tích cực trong đặc tính vừa lạc quan mà lại dễ hốt hoảng của dân Mỹ là họ có khả năng thay đổi lãnh đạo và bác bỏ chính sách mà có lẽ chính họ đã đề cao trước đấy!

Vũ Hoàng: Ông vừa nêu ra nhận xét lạ về Hoa Kỳ, nhất là về sự khác biệt giữa hai thế giới cùng theo tư bản chủ nghĩa và dân chủ chính trị ở hai bờ Đại tây dương. Như vậy, có phải là Trung Quốc lại khác hẳn vì chưa có dân chủ chính trị mà lại chỉ có chế độ tư bản nhà nước không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đúng như vậy và tôi e rằng, chứ không mong rằng, Trung Quốc sẽ bị khủng hoảng nặng hơn các khối kinh tế mình nói ở trên vì từ kinh tế sẽ bung lên chính trị.

Chiến lược của họ thật ra không khác Nhật nhưng sẽ khác về hậu quả khi kinh tế suy trầm và bong bóng đầu cơ sẽ bể. Lý do là Nhật có dân chủ và xã hội thuần chủng hơn. Mà Trung Quốc lại có ba khu vực và ba nền kinh tế dưới một chế độ độc tài nhưng không điều động được cho linh hoạt và không thể sa thải nhân công hoặc đầu tư qua xứ khác như Âu-Mỹ-Nhật.

Nói đến sự linh hoạt, lãnh đạo xứ này không bị định mức đi vay như ở tại Mỹ nên có vay tới trời xanh thì cũng chẳng ai biết, kể cả lãnh đạo! Thành thử Trung Quốc chỉ có thể thay đổi do khủng hoảng và sau thay đổi thì ra sao, có lẽ chưa ai biết, biết đâu là chuyện hợp tan cổ điển của xứ này? Câu chuyện đã quá dài nên chúng ta có thể sẽ phân tích trong một kỳ khác với những liên hệ dễ hiểu về tình hình Việt Nam.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

No comments:

Post a Comment