Huỳnh Thục Vy - Tất
cả những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới
đều nhận thức và xác định rõ một mục tiêu rằng: họ đang đấu tranh vì một
nền chính trị dân chủ và một xã hội tự do. Theo cách đó, dân chủ tự do
có thể là mục tiêu của cả một đời người, cả một thế hệ người nhưng suy
cho cùng đó không phải là mục đích cuối cùng của một dân tộc, của nhân
loại. Nó chỉ là phương tiện để đạt đến một cái đích to lớn và vĩnh cửu:
sự phồn vinh của quốc gia và sự thăng tiến mọi mặt của dân tộc hay nói
rộng ra là của nhân loại.
Với mọi điều kiện và tiềm năng hiện có
của con người trong thời đại này, dân chủ là phương tiện khả dĩ, hữu
hiệu và tốt đẹp nhất. Trong bất cứ một thời đại nào cũng có những giá
trị được mặc định đúng và giá trị dân chủ trong thời đại chúng ta cũng
vậy. Quý vị thấy đấy, nhiều khi cuộc đời này không cho chúng ta nhiều
hơn một con đường để đi. Khả năng hữu hạn của chúng ta đã giới hạn lựa
chọn của chính mình. Với điều kiện, trình độ và tầm nhìn nhất định, nhân
loại chỉ có thể chọn một con đường để tiến về phía trước. Và bất cứ sự
lựa chọn phương tiện sai lầm nào cũng sẽ dẫn đến một kết quả khó khắc
phục. Ngày hôm nay để có được an sinh, phồn thịnh liệu thế giới có một
phương tiện hữu hiệu nào khác ngoài thế chế dân chủ không? Có thể nói là
không! Lấy một ví dụ trên đây về dân chủ là để chứng minh cho cái thiển
ý của tôi rằng: thật hời hợt khi ai đó phát biểu: “có nhiều phương tiện
khác nhau để đạt được cùng một mục đích”. Không phải vậy. Hãy để tôi
tiếp tục lấy dân chủ làm ví dụ như dưới đây.
Nhân loại đã lựa chọn dân chủ.
Đó có thể là nền cộng hòa đại nghị hay nền cộng hòa tổng thống; cũng có
thể là nền dân chủ đặt nặng sự bình đẳng xã hội như các quốc gia Bắc Âu
hay là nền dân chủ coi trọng sự công bằng và cạnh tranh kinh tế như Hoa
Kỳ, Anh, Pháp…Dù hình thái khác nhau nhưng chúng vẫn là những nền dân
chủ thực thụ. Có thể quý vị cho rằng thật ngớ ngấn khi nói ra một điều
hiển nhiên như thế. Xin trả lời, điều tôi muốn nói ở đây là để đạt được
một mục đích chúng ta có thể tận dụng nhiều phương tiện. Nhưng các
phương tiện đó dù đa dạng đến thế nào, vẫn giống nhau về bản chất và vẫn
giữ được những nguyên tắc cơ bản của mục đích ban đầu. Chúng ta chỉ nên
nói: những phương tiện khác nhau về hình thái nhưng giống nhau về bản
chất sẽ đưa đến cùng một mục đích. Bởi vậy, sự lệch lạc của phương tiện
sẽ dẫn đến sự sai khác của mục đích. Trong cuộc đấu tranh đòi nhân
quyền, dân chủ hiện nay tại Việt Nam, với tâm tư bối rối của một người
trẻ, tôi thiết nghĩ vấn đề phương tiện và mục đích phải được đặt ra một
cách nghiêm túc.
Đồng ý rằng có nhiều cách vận
động dân chủ khác nhau. Tùy theo điều kiện và tiềm lực cụ thể của mỗi cá
nhân, mỗi nhóm người, những nhà đấu tranh có thể vận động theo các cách
khác nhau và linh hoạt trong từng tình huống. Những blogger viết bài
phê phán hiện thực xã hội; các luật sư bênh vực nhân quyền trong từng vụ
án liên quan đến dân oan, đến các nhà dân chủ và nêu lên các vấn đề
pháp lý hiện đang tồn tại trong chế độ; các chức sắc tôn giáo bảo vệ
quyền tự do hành đạo và bảo vệ tín đồ khỏi sự chèn ép của chế độ…Tất cả
những hoạt động này đều vì mục tiêu đòi lại nhân quyền bị tước đoạt, đấu
tranh xây dựng thể chế pháp trị, hướng tới một Việt Nam dân chủ, tự do,
thịnh vượng.
Nhưng xin lưu ý cho cũng như bất
cứ sự việc, hiện tượng nào khác trong thế giới, dân chủ cũng có những
nguyên tắc tự thân của nó. Nguyên tắc là những quy tắc gốc rễ chỉ đạo
hành động, là cơ sở để nhận diện một sự việc, hiện tượng; từ đó phân
biệt nó với vô vàn những sự việc, hiện tượng khác mà không có bất cứ sự
nhầm lẫn nào. Khi một sự việc, hiện tượng đánh mất đi nguyên tắc của nó
thì nghiễm nhiên tự phủ nhận và loại bỏ chính mình. Vì vậy trong quá
trình vận động dân chủ, dù phải đối phó với nhiều tình huống khác nhau,
những nhà dân chủ phải giữ vững các nguyên tắc dân chủ. Chính những
nguyên tắc này giúp họ được nhân dân nhận diện như những nhà dân chủ chứ
không phải là những tên phát xít, không phải cộng sản, cũng không phải
những kẻ cơ hội nào khác. Giữ vững giá trị và lý tưởng giúp một nhà dân
chủ trở nên đáng tin cậy, có uy tín và tạo được ảnh hưởng to lớn hơn; từ
đó cuộc đấu tranh của họ sẽ hiệu quả hơn.
Nhiều người bạn đã nói với tôi
rằng: tôi cực đoan và cứng nhắc trong cách nhìn nhận tình hình thực tế
và lịch sử; dân chủ là tôn trọng sự khác biệt nên chúng ta không thể áp
đặt cái phương cách mình cho là đúng lên người khác; và rằng dân chủ là
nhân văn nếu không sẽ không khác gì cộng sản. Đúng! Dân chủ là nhân văn,
là tôn trọng sự khác biệt. Nhưng một thứ chỉ còn là chính nó nếu nó giữ
được nguyên tắc vốn có. Và hơn nữa, một giá trị chỉ thực sự tốt đẹp khi
nó tôn trọng sự thật, không vì bất cứ lý do gì mà dễ dãi, thỏa hiệp,
lấp liếm sự thật. Trước khi xét đến những nguyên tắc khác của dân chủ,
chúng ta phải bảo đảm DÂN CHỦ ĐỒNG HÀNH VỚI SỰ THẬT. Dân chủ sẽ chẳng có
gì đáng nói nếu nó không đảm bảo sự thật.
Vì từ chính nguồn gốc và bản
chất của mình, dân chủ tự do không chỉ là đa đảng, bầu cử tự do, tự do
cá nhân và pháp trị; nó còn có nghĩa là “khai sáng”. Khai sáng là một nỗ
lực đưa cá nhân, tha nhân hay là cả xã hội thoát ra khỏi tình trạng “vị
thành niên” do chính chúng ta tạo nên để tiến đến một trạng thái tư duy
mạnh mẽ, được tự do, có khả năng nhận thức thế giới một cách độc lập và
chân xác để cuối cùng là đạt đến sự tiến bộ. Theo cách hiểu đó, cuộc
đấu tranh cho dân chủ là một nỗ lực vận động để TIẾN BỘ. Vậy làm sao để
có tiến bộ? Trạng thái này chỉ có thể đạt được thông qua một quá trình
nhận thức và hành động đúng với sự thật. Tiến bộ sẽ chỉ đến với những ai
dũng cảm đối mặt sự thật, nhìn nhận thế giới như nó vốn có và làm cho
người khác cũng nhận thức được sự thật đó. Socrates đã chấp nhận hình
phạt uống thuốc độc khi bị kết tội “làm hư hỏng thanh niên” chỉ để chứng
minh niềm tin của ông vào những điều ông cho là đúng. Đó là một trong
những minh chứng sống động trong lòng tôi về một lý tưởng: sự thật là sự
thật, sự thật phải được trình bày như chính nó và không có phương tiện
“linh hoạt, uyển chuyển” nào có thể được chấp nhận nếu nó gạt bỏ sự
thật. Vì tiến bộ không thể đạt được nếu phủ nhận, lấp liếm hay đánh lạc
hướng nhìn nhận sự thật. Một cá nhân, một dân tộc không thể thay đổi số
phận, không thể thay đổi lịch sử nếu chưa đủ dũng cảm nhìn nhận sự thật.
Xin lưu ý rằng “sự thật” mà tôi đang đề cập là những sự kiện đã xảy ra
trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và đã để lại hệ lụy nhất định. Nói
tóm lại, sự thật là khai sáng, khai sáng là dân chủ; không có sự thật
thì không có dân chủ thực thụ, cũng không thể có được sự tiến bộ.
Dù sự đề cao và vạch rõ sự thật
có thể làm cho cuộc vận động hiện nay gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm hơn.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta né tránh nó. Một số nhà dân chủ đã
viện dẫn tư tưởng Hồ Chí Minh như là cách tìm được sự “chính danh”,
tránh bị quy chụp và tranh thủ được sự ủng hộ từ những người dân tôn
sùng Hồ Chí Minh như thần tượng. Nhưng có bao giờ họ tự hỏi: họ phải
biện minh với người dân ra sao khi một ngày nào đó hồ sơ Hồ Chí Minh
được bạch hóa? Chúng ta không thể vì những cái lợi trước mắt mà bỏ qua
nguyên tắc và sự thật. Ấy là chưa nói trách nhiệm của một nhà dân chủ là
phải khai sáng cho nhân dân, không vì bất cứ hoàn cảnh nào mà chối bỏ
sự thật hay khiến cho người dân ngộ nhận sự thật, tiếp tục bám víu vào
sự dối trá. Có những khó khăn mà chúng ta nhất thiết phải vượt qua nếu
muốn đến đích mà không thể dùng cách đi vòng nào khác. Nói như thế không
phải là tôi coi thường những tổn thương và nguy hiểm mà những nhà dân
chủ phải đối mặt khi trung thành với những nguyên tắc và lý tưởng trong
cuộc đấu tranh với chế độ độc tài. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng
thế giới hôm nay không phải là thế giới cổ đại năm 399 trước Công
nguyên, nghĩa là khi đấu tranh, dù phải gặp phải những tổn thất không
thể tránh khỏi, nhưng những nhà đấu tranh của chúng ta sẽ được bảo vệ
một cách tương đối bởi một thế giới ngày càng minh bạch và công lý đang
từng bước được thực hiện.
Cuộc đấu tranh cho tự do là một
hành trình cam go và phức tạp. Nhưng nó cũng là cuộc vận động đáng làm
nhất, chính nghĩa nhất. Đây có thể xem là một sự nghiệp vĩ đại, mở ra
trang sử mới cho dân tộc. Không vì những nghi ngờ, bất an nào khiến cá
nhân tôi mất niềm tin vào giá trị dân chủ và cuộc vận động dân chủ này.
Nhưng không có con đường dễ dàng nào để đạt đến một thành tựu lớn. Chọn
những cách dễ dàng cho một công việc quan trọng sẽ đưa đến những sai lầm
khủng khiếp. Hơn nữa, mục đích cuối cùng của chúng ta là một Việt Nam
kiêu hãnh phồn thịnh và tự do. Thử hỏi một dân tộc làm sao có đủ sức
mạnh tinh thần để trở nên kiêu hãnh trên vũ đài thế giới với những con
người ngay cả sự thật cũng không dám đối mặt? Hào khí và trí tuệ của dân
tộc trước hết thể hiện ở sự tôn trọng sự thật, để ngay từ những sự thật
dù đắng cay và tồi tệ đó, chúng ta đứng lên trong tinh thần mới, tư duy
mới.
Dân tộc Việt Nam trước bước
ngoặt lịch sử khó khăn này đang cần những con người như Phó Đức Chính
hiên ngang trước máy chém khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Tinh thần thượng
tôn nguyên tắc và sự thật, không khoan nhượng, không thỏa hiệp vì lý
tưởng đã tạo nên bản lĩnh anh hùng vượt thời gian của những nhân cách
lớn như Socrates ở Hi Lạp cổ đại hay Phó Đức Chính ở Việt Nam thời thuộc
Pháp. Vì thế, muốn đấu tranh để xây dựng một chế độ Dân chủ - Pháp trị,
kiến tạo một Việt Nam mới, những nhà dân chủ của chúng ta không thể bỏ
qua NGUYÊN TẮC và SỰ THẬT. Và đó cũng là những gì mà một người trẻ như
tôi luôn trăn trở.
Tam Kỳ ngày 15 tháng 8 năm 2011
1. Có lẽ t/g đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho bài viết này (chưa nói đến hay hay dỡ). Bầu nhiệt huyết này thật đáng khen.
ReplyDelete2. Và cũng có lẽ do sự trù dập của công an VC đối với gia đình t/g, mà sự khao khát được tự do của t/g thể hiện qua bài viết này thật mãnh liệt.
3. Bài viết quá triết lý một cách không cần thiết. Cho nên bị lũng cũng hay lòng vòng khi t/g cho rằng tự do dân chủ chưa hẳn là mục đích tối hậu. Điều này tùy thuộc vào quan điểm của từng cá nhân. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta có thể nói chắc là :
Đã là sinh vật -- kể cả người và cầm thú -- thì ngoài không khí, nước uống, và thực phẩm để nuôi cái xác thân cho lành mạnh, thì mọi sinh vật cũng còn cần tới sự tư do đi, đứng, nằm, ngồi, suy nghĩ, trò chuyện, hợp đàn,.... một cách thoải mái không bị một cái gì cản trở hay áp đặc, để nuôi sống cái thể xác tinh thần trong cái xác thân tứ đại này. Sinh vật mà không có tự do thì cũng như trồng cây mà không có ánh sáng. Mọi thứ sẽ héo úa dần mà chết. Hãy nhìn con chim trong lồng thì rõ.
4. "Dân chủ đồng hành với sự thật" là một cách nhìn của t/g. Câu văn không tỏ nghĩa lắm. Tuy nhiên chúng ta có thể nói như sau:
Dưới ánh sáng của dân chủ, thì những gì không thật (gian dối, phi pháp) rất khó mà dấu diếm lâu. Và sớm muộn gì cũng bị đưa ra ánh sáng. Cho nên trong chế độ dân chủ, con người muốn sống thật hay không thật thì tùy mỗi người. Có điều là không ai có thể ngồi trên pháp luật được hết. Tất cả phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước một toàn án dân chủ như nhau.
Trong khi đó, nếu không có dân chủ, thì xã hội giống như đường phố đêm 30, sẽ đầy rẫy nguy hiễm vì kẻ ác kẻ gian dễ dàng tự tung tự tác mà con người không kiểm soát được.
5. Chọn chủ đề không khéo sẽ rất khó viết, và dễ bị lúng túng hay gượng gạo. T/g nên rút kinh nghiệm từ bài này.