NEW DELHI – Đối mặt với
những vụ lộn xộn của người dân Uighur, Pakistan, một đồng minh thân cận
của chính phủ Trung Quốc có thể đã phải bắt đầu lo lắng. Thực vậy,
chính quyền tỉnh Tân Cương nói rằng những kẻ ly khai nổi bật người
Uighur mà họ bắt được đã trải qua những khóa huấn luyện khủng bố ở
Pakistan.
Lời cáo buộc, làm cho chính phủ Pakistan lúng túng không kém,
xuất hiện khi người đứng đầu ngành tình báo của nước này, Trung tướng
Ahmed Shuja Pasha, tiến hành đàm phán ở Bắc Kinh để mong nhận được nhiều
trợ giúp hơn nhằm chống lại áp lực ngày càng gia tăng của Mỹ đối với
Islamabad.
Trung
Quốc là nước trợ giúp nhiều nhất cho chính phủ Pakistan – bao gồm cả
việc chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa và công nghệ chế tạo vũ khí
hạt nhân. Bằng cách chơi con bài Kashmir nhằm chống lại Ấn Độ – thậm chí
sử dụng cả các đơn vị Quân giải phóng nhân dân trong khu vực Kashmir do
Pakistan kiểm soát gần biên giới với Ấn Độ – Trung Quốc đã thể hiện rõ ý
đồ dùng liên minh của họ với Pakistan để ép Ấn Độ. Với những khoản đầu
tư chiến lược hiện có của Trung Quốc vào Pakistan, quan hệ giữa hai bên
có vẻ như sẽ không thay đổi.
Một cảnh bạo loạn ở Tân Cương Trung Quốc. Ảnh Google
Nhưng
lời cáo buộc về việc ủng hộ những kẻ khủng bố người Uighur, dù mới chỉ
do các quan chức địa phương của Trung Quốc đưa ra, cho thấy sự lo lắng
của Trung Quốc trước việc chính phủ Pakistan không có khả năng ngăn chặn
việc qua lại biên giới của những phần tử li khai người Uighur. Nhưng
Trung Quốc đang đối mặt với không phải là cuộc chiến tranh ủy nhiệm hay
thậm chí có sự tham gia của người ngoại quốc ở Tân Cương mà là sự nổi
dậy của chính những công dân người Uighur của họ nhằm chống lại những
tên thực dân người Hán.
Nhưng
người Uighur không phải là duy nhất. Ngay ở Tây Tạng – nơi sự kháng cự
chống lại chính quyền của người Hán chủ yếu vẫn là bất bạo động và ở đây
không có những nhóm khủng bố để mà lên án – Trung Quốc cũng đang phải
chứng kiến thành quả cay đắng của những chính sách nhằm phủ nhận bản
sắc, nền văn hoá và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, không cho họ
hưởng những nguồn lợi tự nhiên của chính họ.
Nhằm
thúc đẩy quá trình Hán hóa những vùng đất của dân thiểu số, chính phủ
đã và đang sử dụng chiến lược gồm 5 thành phần: (1) vẽ lại bản đồ biên
giới quê hương của các sắc tộc; (2) đưa người Hán tràn ngập những vùng
văn hóa không phải của người Hán; (3) viết lại lịch sử nhằm biện minh
cho việc cai trị của Trung Quốc; (4) thi hành chính sách nhất nguyên về
văn hóa nhằm xóa nhòa bản sắc khu vực và (5) đàn áp về mặt chính trị.
Việc đồng hóa được Mãn Châu vào xã hội của người Hán và đưa ồ ạt dân địa
phương vào vùng Nội Mông dẫn đến kết quả là chỉ còn người Tây Tạng và
người Uighur nói tiếng Turkic là còn đứng ngoài quá trình Hán hóa mà
thôi.
Nhưng
những cuộc nổi dậy của người Tây Tạng từ năm 2008, cuộc bạo loạn của
người Uighur từ năm 2009 và sự tái phát của những cuộc phản đối trên
diện rộng của người Mông Cổ ở khu tự trị Nội Mông chứng tỏ rằng chiến
lược Hán hóa về kinh tế và sắc tộc đã bắt đầu phản tác dụng. Trong khi
chiến dịch phản đối do các tu sĩ lãnh đạo ở cao nguyên Tây Tạng tiếp tục
thách thức sự đàn áp của Trung Quốc thì trong mấy tháng gần đây, ở Tân
Cương đã có hàng chục người đã bị giết kể từ khi vụ xung đột Hán-Uighur
lan từ thị trấn Hồ Tân sang thành phố Khách Thập địa khu (Kashgar) trên
con đường tơ lụa.
Tân
Cương, tiếp giáp với Afghanistan, Nga và các nước Trung Á và vùng
Kashmir do Pakistan và Trung Quốc kiểm soát, bị nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Quốc mới thành lập vào năm 1949 thôn tính, năm sau nước này bắt
đầu xâm lược Tây Tạng. Đấy chính là sự cáo chung của nước Cộng hòa Đông
Turkistan ở Tân Cương do người Hồi giáo, được Josef Stalin giúp đỡ, lập
ra vào năm 1944, tức là khi Chiến tranh Thế giới II bước vào giai đoạn
quyết liệt. Trong suốt sáu thập niên qua đã có hàng triệu người Hán đến
Tân Cương, tạo ra sự tranh chấp giữa các sắc dân về đất đai và nước
ngọt, đấy là chưa nói tới việc kiểm soát khu vực có trữ lượng
hydrocarbon khá lớn.
Vạn
lý Trường thành được xây dựng chủ yếu dưới thời nhà Minh (1369-1644)
nhằm phân định biên giới chính trị của đế chế Hán tộc. Hiện nay Trung
Quốc có diện tích lớn gấp ba lần nhà Minh – vương triều Hán tộc cuối
cùng – với đường biên giới mở rộng rất xa về phía Tây và Tây Nam so với
Vạn lý Trường thành.
Như
vậy là, hiện nay người Hán kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng nhất từ
trước đến nay: Thủ đô văn hóa của Tân Cương là Khách Thập địa khu
(Kashgar) ở gần Baghdad hơn là Bắc Kinh; còn khoảng cách từ Lhasa, thủ
phủ của Tây Tạng, đến Bắc Kinh thì dài gấp hai lần khoảng cách từ đó đến
New Delhi. Trên thực tế, việc đồng hóa một cách cưỡng bức Tây Tạng và
Tân Cương chỉ bắt đầu sau khi Trung Quốc tìm cách tạo ra một hành lang
trên bộ giữa hai khu vực này bằng cách nuốt chửng của Ấn Độ khu vực
Aksai Chin rộng 38.000 cây số vuông, một phần của công quốc Jammu và
Kashmir, sau khi xâm lược Ấn Độ vào năm 1962.
Nhưng
chính sách của Trung Quốc hiện đã gây ra những chi phí tốn kém cho lĩnh
vực an ninh nội địa, sự trỗi dậy của phong trào li khai trong một số
khu vực đã cho thấy rõ điều đó. Với diện tích của những dân tộc thiểu số
cứng đầu cứng cổ chiếm đến 60% lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa – Tây Tạng và Tân Cương chiếm đến một nửa lãnh thổ Trung Quốc –
vấn đề an ninh nội địa của họ lớn gấp nhiều lần so với nước láng giềng
là Ấn Độ.
Trong
khi Ấn Độ vui mừng trước sự đa dạng thì Trung Quốc tìm cách áp đặt sự
đồng nhất về văn hóa và ngôn ngữ, mặc dù nước này vẫn nói rằng có tới 56
dân tộc. Nhưng trong khi thực hiện chủ nghĩa nhất nguyên về văn hóa như
thế thì Trung Quốc còn tìm cách giấu diếm sự phân chia ngay trong nội
bộ người Hán, không để cho những đường phân ranh Nam-Bắc tái xuất hiện.
Trên thực tế, Trung Quốc là siêu cường duy nhất trên thế giới có ngân
sách an ninh nội bộ lớn hơn là ngân sách quốc phòng.
Việc
tập trung như thế vào cái mà chính phủ gọi là weiwen, hay là giữ ổn
định, đã sinh ra một bộ máy an ninh hoạt động trơn tru, bao gồm từ sự
giám sát với trình độ kỹ thuật cao nhất và những trung tâm giam giữ phi
pháp đến đội quân những tên chỉ điểm được trả tiền và “những đội tuần
tra” để canh chừng những người có thể gây rắc rối. Mặc dù thách thức đối
với chính sách weiwen lan rộng đến cả khu trung tâm của người Hán, nơi
những cuộc phản đối ở vùng nông thôn cũng phát triển với tốc độ tương
đương với tốc độ gia tăng GDP của Trung Quốc, nhưng những khu vực dân
tộc thiểu số truyền thống đã trở thành gót chân Achilles của đất nước
này.
Người
Uighurs, người Tây Tạng và người Mông Cổ ở Trung Quốc đang đứng trước
một sự lựa chọn quyết định: chiến đấu để giành lại quyền của mình hay là
sẽ bị tụt xuống ngang với địa vị người thổ dân ở Mỹ. Dù có hay không có
sự trợ giúp từ bên ngoài thì việc càng ngày càng có nhiều người sẵn
sàng đứng lên thách thức chính sách cổ lỗ nhằm nô dịch về mặt kinh tế và
sắc tộc kéo dài đã hàng chục năm của Trung Quốc cũng cho thấy chính
sách weiwen sẽ chẳng thể nào có được hậu vận tốt đẹp.
B.M.
Brahma Chellane là giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi, là tác giả cuốn sách Asian Juggernaut và cuốn sắp xuất bản: Water: Asia’s New Battlefield.
Nguồn: Project Syndicate
Bản tiếng Việt: Blog Phạm Nguyên Trường
No comments:
Post a Comment