Friday, July 8, 2011

Làm sao cứu quê tôi?

Nguyen Phi - Những năm gần đây tôi hay về quê, dù cho nhiều khi không có lý do. Khác trước lại thường kiếm cớ để khỏi về. Hình như có cái gì đó thay đổi trong con người của tôi, như người ta thường nói đó là triệu chứng của tuổi già, đến lúc mõi gối chồn chân lại đi tìm về với cội nguồn.Nhưng quả thật ngay cả cái cảm giác về quê chắc cũng sẽ không còn.
Vì quê giờ cũng đâu khác gì thành thị. Những ngôi nhà to vật vã, những bến sông giờ đã được đúc bê tông và con đò nhỏ năm xưa nay cũng không còn vì giờ đã có cây cầu bắc qua sông.

Lẽ ra khi thấy quê mình giàu đẹp, không còn trắc trở đôi bờ mình phải mừng mới đúng. Nhưng sao cảm giác hình như không chịu tuân theo lý trí. Quen thuộc nhưng lại vô cùng xa lạ, chỗ nào cũng quán xá dập dìu, mắt xanh mỏ đỏ áo hai dây. Chiều cuối tuần lại có xe 15 chỗ rước đi đánh bạc tận biên giới, còn không tụ tập lại chỉ cần a lô là 10 phút sau bia ướp lạnh sẽ được đem tới phục vụ tại chổ.

Đem nỗi niềm tâm sự ra nói với thằng em bà con, một thầy giáo trường làng. Nó cười ngất: sao anh hổng nói sớm, tui dẫn anh đi tìm. Phải hé, mình đã bỏ công đi gần hai trăm cây số để đi tìm một chút quê hương, thì xá gì lội thêm một khoảng băng đồng chừng hai ba tiếng đồng hồ mà tìm lại hương vị quê nhà.

Rốt lại thì cuối cùng tôi cũng tìm được cảm giác quê hương, cho dù có phải đi xa hơn một chút. Nhưng mai mốt thì sao? Không biết vài năm nữa tôi sẽ phải tiếp tục lội tìm tận đẩu tận đâu chăng!

***
Lên Sài Gòn đã mấy ngày mà cảm giác là lạ vẫn quay cuồng trong đầu. Vùng quê nghèo ngày xưa nay đã đổi khác, hôm đám giỗ Dượng Hai là ba của tụi nó, tôi hỏi mấy đứa em:

-Tụi bây có đứa nào biết tiếng Tàu? (Dượng Hai tôi là người Triều Châu)

Tụi nó cười trả lời:

-Tụi em giờ chỉ còn có hai tàu rưởi hà anh ơi, hết là ba tàu rồi.

Như vậy là tụi nhỏ đã bị đồng hóa rồi chăng? Tôi không nghĩ như vậy mà cho rằng tụi nó chỉ thay đổi để tồn tại, tiếng Tàu để làm gì khi chung quanh toàn người Việt, tiếng Việt?
Người nông dân không có lựa chọn nào khác là bán khoai tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Vĩnh Kim 

Nhưng tất cả giờ đây đối với tôi lại hiện lên một bức tranh khác, thật hơn, rõ hơn. Những người Tàu lạ đang ở khắp mọi nơi, họ thu mua nông sản, thủy, hải sản. Như ở Bến Tre, những người Tàu lạ đang thu mua dừa, cả xơ dừa họ cũng mua tất. Rồi sáng nay báo đăng ở ngay chính quê tôi, họ thuê đất để trồng khoai lang (quê tôi là vùng chuyên canh khoai lang nổi tiếng). Một thế hệ những người chủ mới chăng?

Những người dân hiền hòa chơn chất quê tôi sau nhiều thế hệ làm giàu cho bọn con buôn trong nước, nay lại cười hể hả vì được làm thuê cho bọn Tàu lạ. Dân quê mình thật dễ dãi, bọn lạ chỉ cần trả cao hơn bọn gian thương trong nước thì đã mừng ra mặt. So với trước giờ nông dân không còn sợ cái điệp khúc trúng mùa rớt giá, vì hàng hóa làm ra họ đã bán từ khi gieo trồng rồi.

Cũng phải thông cảm cho họ, những người làm nên của cải vật chất cho xã hội, làm giàu cho đất nước thì lại không lo nổi cho gia đình. Nên giờ thêm được chút nào hay chút ấy, lại ổn định. Và cứ như thế như một vết dầu loang, không biết đến chừng nào thì chúng ta mất trắng về tay bọn lạ!

Đất Việt lại đầy Tàu….thật là không đánh cũng mất!

No comments:

Post a Comment