Sunday, July 10, 2011

Đàn áp biểu tình là tạo cớ cho cơn Hồng Thủy

Lê Nguyên Hồng - Hôm nay 10/7/2011 là ngày kết thúc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) lần 2; khóa 11; và đồng thời cũng là ngày mà công an nhà nước theo lệnh ĐCSVN ra tay đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc tại Hà Nội.



Chiều nay, ngày mai và những ngày sau nữa, các nhà báo và một số người khác sẽ được thả, nhưng cũng có khả năng một vài người sẽ bị tạm giữ để điều tra về tội “gây rối trật tự công cộng”, thậm chí là tội “hoạt động lật đổ chính quyền”. Công an Việt Nam đã có món quà quý dâng lên ĐCSVN – Một đảng như có ai đã nói là: Hèn với giặc, nhưng ác với dân.

Đòn đàn áp biểu tình hôm nay là điều tất yếu xảy đến, khi các cuộc ngoại giao con thoi Việt – Trung cho thấy: Hai bên đã có những việc làm thiết thực để công khai hóa sự có mặt của Trung Quốc trên Biển Đông, từng bước chính thức xác nhận sự hiện diện của nước này trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền Việt Nam…

Ai cũng biết, một nhóm nhỏ vài chục hay vài trăm người yêu nước tụ tập biểu tình ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc, sẽ chẳng gây hại gì cho ĐCSVN, nhất là không thể làm mất đi được cơn thèm khát tài nguyên trên Biển Đông của Trung Quốc. Thế nhưng họ đã bị đàn áp thô bạo như những tội phạm hình sự.

Bao giờ cũng vậy, các cuộc biểu tình phản kháng một cái gì đó, dù là mang tính chất ôn hòa hay bạo lực, ban đầu đều là tự phát. Những cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn gần đây, dù có chủ trương tác động của những thành phần chính trị trong và ngoài nước, nhưng nó được hình thành do tinh thần tự phát vì lòng yêu nước là chủ yếu. Điều đó cũng không đi ra ngoài quy luật chung.

Rất nhiều người kỳ vọng ngầm rằng, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc sẽ là điểm tựa cho những cuộc biểu tình chống Độc tài về sau. Qủa đúng như vậy! Nhưng chỉ đơn giản là điểm tựa về thói quen sinh hoạt biểu tình mà thôi. Và nếu đấu tranh bất bạo động chỉ đơn thuần là xuống đường biểu tình thì mới chỉ tạo được một áp lực nào đó, mà chưa thể đủ mạnh để quật ngã những chế độ Độc tài. Người phản kháng còn phải áp dụng hàng chục các biện pháp đấu tranh ôn hòa khác nữa. Nhưng biểu tình lại là hoạt động không thể thiếu trong bất kỳ một cuộc cách mạng ôn hòa nào…

Đã có những kẻ xấu gọi những cuộc biểu tình ôn hòa của đồng bào là “manh động”. Về ngữ nghĩa, hai từ “manh động” là để chỉ những hành động bạo lực thiếu kiểm soát, nó nguy hiểm cho ngay cả những người thực hiện hành vi manh động đó. Nếu gọi người dân lành, vì lòng yêu nước mà đem tay không cùng với đàn sáo, cờ hoa, để bày tỏ tấm lòng của mình giữa thanh thiên bạch nhật là “manh động” thì ai đó đã công khai coi những người dân yêu nước là tội phạm hình sự. Điều này chỉ có công an Việt Nam hiện nay mới dám nói và dám làm.

Những cuộc biểu tình gần đây của người dân trong nước đã đạt được những thành tựu quan trọng như thế nào? Thứ nhất nó đã khai thông được tinh thần kết nối trong cộng đồng. Thứ hai họ đã cho cả thế giới thấy rằng, dù nhà cầm quyền CSVN có ươn hèn, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn sẵn sàng đứng lên bảo vệ tổ quốc. Thứ ba, khi những cuộc đàn áp biểu tình như ngày hôm nay – 10/7/2011 được tiến hành thẳng tay, cho thấy bằng chứng công khai rằng nhà cầm quyền không còn yêu nước nữa…

Biểu tình là quyền bày tỏ chính kiến, và đồng thời là nhân quyền. Ai chà đạp nó thì trước sau sẽ phải nhận lãnh hậu quả, vì chà đạp nhân dân chính là chà đạp lên một người khổng lồ vô hình, vì “dân như nước”. Nước tuy mềm mại, ai cũng có thể tha hồ mà múc, tát, uống, san sẻ, nhưng “nước không bao giờ lìa nước”, và vì vậy người ta mới ví “dân như nước”. Nước có thể chở thuyền, nhưng cũng có thể làm lật thuyền, nước vô cùng hiền hòa, nhưng khi giận dữ thì chính nước mới mang trong mình sức mạnh khủng khiếp. Cơn đại hồng thủy sẽ bắt đầu, một khi “tức nước thì phải vỡ bờ”…

Lê Nguyên Hồng 

No comments:

Post a Comment