Phương Ngạn (Người Việt)
- Hai cuộc biểu tình Sài Gòn, Hà Nội diễn ra hôm ngày 5 tháng 6 năm
2011 và ngày 12 tháng 6 năm 2011 nhằm phản đối Trung Quốc, kêu gọi lòng
yêu nước... Ðã nói lên điều gì? Và sẽ đi về đâu?
Nếu như cuộc biểu tình vào ngày 5
tháng 6 ở thành phố Sài Gòn diễn ra khá suôn sẻ, ôn hòa với số lượng
người tham gia đông đúc, khí thế mạnh mẽ, hùng hậu thì cuộc biểu tình
ngày 12 tháng 6, chỉ sau đó đúng một tuần, mọi chuyện lại hoàn toàn thay
đổi, số lượng ít ỏi, tâm lý lo sợ, công an bắt người, trấn áp, mật vụ
và dùi cui có thể “lên tiếng” bất kì lúc nào. Một cuộc biểu tình thất
bại so với lần trước. Có nhiều người bị bắt. Một số người bị “kẻ lạ” bám
riết về tới nhà.
Ngược lại, ở thành phố Hà Nội,
nếu như cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 đã thất bại với số lượng ít ỏi, bị
công an vây tứ phía, không tiếp cận được địa điểm cần đến (đại sứ quán
Trung Quốc), sớm tan hàng vì bị công lực trấn áp, đe dọa... Thì cuộc
biểu tình ngày 12 tháng 6 lại rất thành công với một lực lượng đông đảo,
hùng hậu, đội ngũ trí thức dẫn đầu, quả cảm đưa đoàn biểu tình tiếp cận
vào gần sát đại sứ quán Trung Quốc. Ðây là một cuộc biểu tình khá thành
công.
Tại Sài Gòn, trong cuộc biểu
tình ngày 5 tháng 6 có mặt nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu như:
Ðình Vượng, Vương Ðình Chữ, Nguyễn Ðình Ðầu, Lê Hiếu Ðằng, Nguyễn Quốc
Thái, Trần Tử Vân Anh, Andre Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm, Phạm Xuân
Nguyên, Ðỗ Trung Quân, Tuấn Khanh, Ngô Lực... Cùng với băng rôn, biểu
ngữ, khẩu hiệu.
Cuộc
biểu tình ở Sài Gòn hôm 12 tháng 6 không rầm rộ như Hà Nội bởi nó thiếu
những ‘trung tâm’ là những tên tuổi lớn. (Hình: DungDang)
Lần biểu tình ngày 12 tháng 6,
vẫn chừng đó khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ nhưng cuộc biểu tình trở nên
lỏng lẻo, cảm giác hoang mang và không ai tin ai vì có quá nhiều “kẻ lạ”
trà trộn trong đoàn biểu tình đến độ người ta có thể nghi bất cứ người
nào bên cạnh mình là công an mặc thường phục. Cuộc biểu tình thất bại
ngay từ lúc khởi sự.
Trái ngược với Sài Gòn, cuộc
biểu tình ngày 12 tháng 6 ở Hà Nội diễn ra khá suôn sẻ và thành công với
đông đúc trí thức tham gia, trong đó, tiêu biểu gồm những trí thức như
Phạm Xuân Nguyên, Giáo Sư Huệ Chi, Giáo Sư Phạm Duy Hiển và một số giáo
sư, tiến sĩ khác đứng sau cổ vũ, động viên sinh viên, học trò của mình
tham gia biểu tình... Cuộc biểu tình trở nên mạnh mẽ, hùng hậu, khí thế
ngùn ngụt... hơn hai ngàn người tham gia.
Sự thành công và thất bại của
hai lần biểu tình ở hai thành phố lớn Sài Gòn, Hà Nội có nhiều nguyên
nhân. Nhưng chung qui có hai nguyên nhân chính: Sự có mặt và vắng mặt
của giới trí thức, văn nghệ sĩ; Sự đàn áp của chính quyền.
* Trí thức là ‘trung tâm’
Ở cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 tại Hà Nội, phần lớn người tham gia là các mẹ, chị, thanh niên nhiều thành phần.
Cuộc biểu tình ngày 12 tháng 6
tại Hà Nội, lực lượng sinh viên tham gia đông đúc, khoản 70% là sinh
viên các trường đại học, cao đẳng...
Ðiều này cho thấy rằng một khi
các trí thức vào cuộc, họ như những con chim đầu đàn, dẫn dắt theo cả
một vài thế hệ trẻ cùng tham cuộc. Nhờ vào sự có mặt của các trí thức có
uy tín, niềm tin của các sinh viên nói riêng và thanh niên, tuổi trẻ
nói chung cũng mạnh lên, vô hình trung họ đi có “người hướng đạo”, họ
bình tĩnh và không sợ hãi.
Chính sức mạnh tri thức và sự
quyến rũ, hấp lực của trí tuệ đã giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi khi đối
diện với dùi cui, công an, chó nghiệp vụ và quân đội.
Ngược lại, cuộc biểu tình ngày
12 tháng 6 tại Sài Gòn, vắng mặt những trí thức tiêu biểu của cuộc biểu
tình trước, đội ngũ trở nên rời rạc và “hiệu ứng giao thông” cũng không
được sử dụng, đoàn biểu tình đã tụ tập, ngồi lại khá lâu trước công viên
30 tháng Tư, bị công an trà trộn, dân phòng, cảnh sát 113 bao vây tứ
phía... khiến đoàn biểu tình rơi vào thế bị động, hoạt động kém hiệu
quả.
Thành phần tham gia biểu tình
lần này cũng phức tạp hơn lần trước rất nhiều, số lượng sinh viên chiếm
chưa tới 50%, các thành phần khác chiếm hơn 50%, rời rạc, lủng củng.
Công an bắt người, trấn áp, dẫn đến tan rã.
Có thể nói sự vắng mặt những trí thức tiêu biểu kéo theo sự vắng mặt của nhiều sinh viên là nguyên nhân chủ yếu của sự thất bại.
Cộng thêm sự thất bại đến từ “khách quan”: Sự đàn áp của chính quyền.
Nếu như trong lần biểu tình
trước, chính quyền tỏ ra ôn hòa, cử người đến thương thuyết với đoàn
biểu tình thì lần này họ thẳng tay bắt bớ, đàn áp và dập tắt.
Hơn nữa, sự vắng mặt của những
trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu là lỗ hổng lớn về thanh thế của đoàn
biểu tình và là cơ hội để ngành công lực ra tay trấn áp. Vì dù sao đi
nữa, “họ” cũng đủ thông minh để nhận ra rằng trấn áp trí thức, văn nghệ
sĩ yêu nước đồng nghĩa với phản động.
Sự có mặt hay không có mặt của
các trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu luôn đồng nghĩa với sự hiện hữu hay
vắng bóng những “trung tâm” trong mỗi cuộc biểu tình, góp phần củng cố
tâm lý, tạo sức lan tỏa và cộng hưởng sức mạnh. Bên cạnh đó, những
“trung tâm” cũng là “trở ngại” lớn cho ý đồ đàn áp, dập tắt của chính
quyến.
Sự vắng bóng “trung tâm” dẫn đến
sự đàn áp, bắt bớ và đoàn biểu tình ở Sài Gòn bị phân rã, thất bại
trong buổi sáng ngày 12 tháng 6 và sự xuất hiện những “trung tâm” trong
cuộc biểu tình cùng thời gian tại Hà Nội dẫn đến thành công, ôn hòa...
cũng đủ chứng minh cho luận điểm trên.
Sự
xuất hiện của các trí thức lớn đã làm nên sự thành công trong cuộc biểu
tình
ở Hà Nội hôm 12 tháng 6. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)
* Sự sợ hãi và lòng quả cảm
Sự sợ hãi và lòng quả cảm là hai
mặt trong một con người, khi có mặt của tri thức sáng tạo và trí tuệ
hiền minh thì lòng quả cảm được nhân lên. Ngược lại, khi thiếu vắng nó,
con người trở nên nhỏ bé và sợ hãi.
Việt Nam có bao nhiêu đồn công
an? Có bao nhiêu nhà giam, trại giam? Và có bao nhiêu nhà giam, trại
giam đang bỏ trống? Nếu như mỗi tuần, bắt toàn bộ đoàn biểu tình vào
trại giam với lý do họ chống đối lệnh cấm biểu tình, con số lên vài ngàn
người thì liệu bao nhiêu nhà giam, trại giam và bao nhiêu kinh phí cho
đủ để cung cấp cho các hoạt động bắt bớ, di chuyển và cơm nước hằng ngày
cho “phạm nhân”?
Trong trường hợp có quá nhiều
người bị giam vì biểu tình thể hiện lòng yêu nước, chống Trung Quốc, kêu
gọi giữ lấy Trường Sa, Hoàng Sa, biển đảo và biên giới trước bành
trướng Trung Quốc... Thì liệu nỗi sợ hãi đàn áp và nhà giam có tồn tại
hoặc nếu còn tồn tại thì có đến nỗi khiếp hãi như hiện nay?
Và nếu như mọi trí thức đều thể
hiện, bày tỏ lòng yêu nước của mình thông qua các cuộc biểu tình không
có cách thể hiện lòng yêu nước nào tốt hơn là biểu tình.
Trong trường hợp nếu các trí
thức giữ im lặng, phớt lờ lời kêu gọi, không tham gia biểu tình, không
tham vấn và tư vấn những kế hoạch, phương pháp, phương hướng để duy trì
tiếng nói yêu nước, hành động cứu biển đảo, lãnh hải, lãnh thổ quốc
gia... Thì câu chuyện sẽ rơi vào bẫy hoặc rơi vào im lặng, mọi công cuộc
xem như phá sản.
Chính những lẽ trên đây, người
trí thức, nghệ sĩ, văn nhân không thể im lặng trước lời kêu gọi của
người yêu nước chân chính. Vì sự có mặt của họ đồng nghĩa với sự tồn tại
của nguyên khí quốc gia.
Và nếu họ không hưởng ứng lời
kêu gọi, cũng đồng nghĩa với lời dự báo lâm nguy của dân tộc, đồng nghĩa
với sự trì trệ và không có một cuộc cách mạng nào tồn tại trên đất nước
hình chữ S: này!
Phương Ngạn
No comments:
Post a Comment