Nguyễn Xuân Nghĩa / Trọng Nghĩa (RFI) - Vì
bị hàng hóa cực rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc làm cho điêu đứng, giới sản
xuất đồ gỗ - đặc biệt là đồ dùng trong phòng ngủ - của Mỹ đã phản công,
vận động được giới chức có thẩm quyền trừng phạt các doanh nghiệp Trung
Quốc về tội cạnh tranh bất chính vì bán phá giá. Tuy nhiên, The
Washington Post đã có bài viết vạch trần thủ đoạn của các doanh nghiệp
Trung Quốc vượt hàng rào quan thuế của Hoa Kỳ, với các sản phẩm mà họ
chế tạo tại Việt Nam.
Từ
đầu năm 2005, Mỹ áp đặt thuế biểu nhập nội rất nặng trên một số doanh
nghiệp. Cuối năm ngoái, biện pháp này lại được tái tục, nhưng vẫn chẳng
giúp gì cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ vì đồ gỗ của Trung Quốc vẫn đổ vào
Mỹ, chỉ có điều là với nhãn hiệu “Made in Việt Nam”.
Nhật
báo The Washington Post tại thủ đô Hoa Kỳ ngày 23/05/2011, đã có một
bài viết vạch trần thủ đoạn của các doanh nghiệp Trung Quốc vượt hàng
rào quan thuế của Hoa Kỳ để bán vào Mỹ đồ gỗ trong phòng ngủ, nhưng là
sản phẩm mà họ chế tạo tại Việt Nam. Từ California, chuyên gia kinh tế
Nguyễn Xuân Nghĩa đã cho biết rõ hơn về bối cảnh và nguyên do của vấn
đề.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi có đọc bản tin đó theo dõi vấn đề này nên thấy rằng chúng ta có một truyện ngụ ngôn với khá nhiều kết luận ly kỳ!
-
Về bối cảnh thì Trung Quốc có nhập cảng gỗ tốt của Mỹ và doanh nghiệp
Mỹ đầu tư có vào Hoa lục tìm nhân công rẻ để chế biến đồ gia dụng trong
phòng ngủ, mà ta cứ gọi là giường tủ cho tiện. Các doanh nghiệp Trung
Quốc và cả Đài Loan cũng học mẫu mã kiểu dáng mà chế biến loại hàng này
bán qua Mỹ. Khi cạnh tranh không nổi với giường tủ từ bên Tầu, một số
doanh nghiệp Hoa Kỳ mới kiện lên bộ Thương mại và vận động biện pháp
trừng phạt bằng cách nâng mức thuế nhập nội trên hàng hóa của một số
doanh nghiệp - chứ không phải là tất cả mọi loại giường tủ bán vào Hoa
Kỳ.
- Doanh nghiệp nào mà muốn thoát "sổ đen" thì phải
chi tiền cho các luật sư Mỹ trong hiệp hội các doanh nghiệp giường tủ
Hoa Kỳ khi hàng năm họ duyệt danh sách các công ty đáng bị phạt. Số tiền
lót tay đó cũng lên tới 12 triệu đô la chứ không ít. Thật ra, đấy chỉ
là một hình thức bảo hộ mậu dịch và làm tiền hơi thô, dù rằng tới 60%
lượng hàng loại này bán vào Hoa Kỳ lại là do các doanh nghiệp Mỹ lập ra
tại Hoa lục.
RFI : Như vậy, không phải là tất cả giường tủ vào Mỹ đều phải vượt qua một hàng rào quan thuế cao hơn? Sau đó thì kết quả ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Kết quả của biện pháp bảo hộ đó vẫn không bảo vệ được kỹ nghệ sản
xuất giường tủ tại Mỹ. Nhiều xí nghiệp phải đóng cửa và số nhân lực cho
ngành này vẫn giảm phân nửa so với trước đây, nên cuối năm ngoái, họ xin
tái tục biện pháp này thêm năm năm nữa.
- Bây giờ, ta chạy sang
phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc bị thiệt nên lập hội và gom
tiền làm quỹ tranh đấu, tức là cũng tung tiền vào Mỹ - dĩ nhiên là trả
cho người Mỹ - để vận động hành lang tại thủ đô Hoa Kỳ và qua các công
ty phân phối của Mỹ. Rốt cuộc thì các luật sư về thương mại Mỹ có lợi ở
cả hai đầu nhờ chuyện vận động và kiện cáo này. Đó là một kết luận khác
của truyện ngụ ngôn.
- Chuyện ly kỳ hơn thế là nhiều doanh gia Hoa lục thấy rằng Trung Quốc là "quốc gia đối tượng" - tức là có vấn đề về ngoại thương nên bị rà soát và hạn chế trong xuất cảng. Mà doanh nghiệp của họ cũng thuộc "diện đối tượng"
vì bị thuế biểu rất cao. Họ xoay cách khác, là nhìn vào một quốc gia
không thuộc diện đối tượng ở ngay bên kia biên giới của Quảng Đông,
Quảng Tây. Đó là Việt Nam. Họ đem tiền và thiết bị vào đầu tư trong một
xứ có nhân công còn rẻ hơn thợ thuyền Quảng Đông, để sản xuất giường tủ
bán qua Mỹ dưới nhãn hiệu "Made in Việt Nam". Tức là Việt Nam giúp Trung Quốc vượt lưới chặn của Hoa Kỳ để xuất khẩu giường tủ vào Mỹ!
-
Kết quả thì số xuất khẩu giường tủ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh tới gần
một tỷ, số giường tủ của Việt Nam tăng mạnh, từ hơn 150 triệu nay lên
tới gần một tỷ. Còn số nhập khẩu của Mỹ vẫn tăng, từ 58% của thị trường
trước khi áp thuế chống bán phá giá nay lên tới 70%.
RFI : Đó
là câu chuyện đấu tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với hiệu ứng bất ngờ
đối với Việt Nam. Nhưng nhìn từ quan điểm về quyền lợi của Việt Nam thì
anh thấy thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Như
mọi khi và trong khá nhiều lãnh vực, Việt Nam lại làm lợi cho Trung Quốc
mà vẫn tưởng rằng mình khôn hơn Mỹ ! Một thí dụ cụ thể trong thương mại
là đạt xuất siêu với Mỹ bao nhiêu thì bị nhập siêu với Trung Quốc bấy
nhiêu.
- Có lẽ Việt Nam chuộng hình thức hơn thực chất, ưa thành
tích biểu kiến hơn kết quả đích thực. Năm kia, chương trình của chúng ta
có nói đến việc Liên Hiệp Âu Châu than phiền Việt Nam xuất cảng xe đạp
thực ra được sản xuất tại Trung Quốc đem về dán nhãn. Chỉ là để ăn tiền
lẻ. Về nông sản, ta nhập hột điều về bán lại cho thiên hạ và lãnh đạo
khoe mình là đại gia về hột điều. Cũng về nông sản, Việt Nam xuất khẩu
kỷ lục, trong khi nhiều người dân phải ăn gạo Cam Bốt tuồn qua biên giới
đổi lấy xăng dầu bán lậu qua Miên, vì xăng của ta được trợ giá nên rẻ
hơn xăng Cam Bốt. Trong ngành gỗ và đồ gia dụng, Việt Nam nhập rất nhiều
gỗ loại tốt của Hoa Kỳ và cả Âu Châu rồi chế biến và bán ra ngoài mà cứ
coi đó là thành tích xuất cảng của mình. Phần xuất cảng chỉ là nhân
công, chứ rừng Việt Nam bị xâm hại và có còn khả năng cung cấp gỗ nữa
đâu ? Những chuyện phi lý và đau lòng như vậy, kể sao cho xiết ?
RFI : Nếu báo chí Hoa Kỳ đã nói đến việc này thì Chính quyền Mỹ hiển nhiên cũng biết. Chính sách của Hoa Kỳ ra sao đối với Việt Nam ?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Nhìn trên tổng thể với Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ có chính sách ưu đãi Việt
Nam về rất nhiều mặt, từ ngoại giao, thương mại đến giáo dục hay di trú.
-
Tôi thiển nghĩ rằng nếu biết vậy thì lãnh đạo phải có kế hoạch khai
thác ưu thế đó cho kinh tế và xã hội Việt Nam, và ngăn ngừa việc doanh
nghiệp Việt Nam dọn cỗ cho người khác ăn. Nhất là khi người khác đó lại
đang gây vấn đề ngoài Biển Đông!
- Vì vậy, có lẽ Việt Nam nên rà
soát lại việc buôn bán với Trung Quốc, nhất là nghiệp vụ trao đổi tự
phát ở biên giới, để có chính sách công khai và công bằng, với điều kiện
là một số Trung ương Ủy viên đừng chống lại việc này vì sợ gây thiệt
hại cho Trung Quốc! Sau cùng, nếu xuất khẩu giường tủ vào Mỹ là có lợi
thì tại sao ta không kết hợp với nhà nhập khẩu hay đầu tư Hoa Kỳ để thực
hiện lấy việc đó mà phải nhờ doanh nghiệp Trung Quốc, mình có học được
công nghệ gì cao siêu của họ đâu?
RFI : Anh mở đầu bằng cách ví von là một truyện ngụ ngôn. Anh có thể rút ra vài câu cách ngôn về truyện đó không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Truyện ngụ ngôn ở đây là "thằng còng làm cho thằng ngay ăn".
-
Còn về kết luận thì thứ nhất, phản ứng bảo hộ mậu dịch là bất lợi cho
đôi bên, chỉ có lợi cho kẻ xúi giục. Thứ hai, kinh tế thị trường cũng
như ... thủy lợi. Ngăn nước nơi này thì nước chảy nơi khác, nếu không
khéo thì ta chỉ lãnh bùn và phèn chua ! Vì có ngày các doanh nghiệp Mỹ
lại vận động để đưa Việt Nam vào thành phần đối tượng ...
No comments:
Post a Comment