Nguyễn Chính Kết - Trước bất cứ vấn đề nào, một khi đã được đặt ra,
luôn luôn có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái nghịch nhau. Đó là
chuyện rất thường tình, vì luật đa dạng trong xã hội loài người là “trăm người mười ý”,
không thể khác được. Chẳng hạn, đối với một nhân vật nào đó trong lịch
sử, một số người bảo nhân vật ấy có công cần phải ghi ơn, số khác cho
người ấy có tội cần phải kết án, số khác nữa cho rằng người ấy tuy có
tội nhưng cũng có công.
Ngay cả số người cuối cùng này cũng chia thành
hai: một nửa cho rằng tội nhiều hơn công, nửa kia cho rằng công nhiều
hơn tội. Những người đồng quan điểm với nhau tạo thành một phe. Bốn quan
điểm khác nhau ấy tạo thành bốn phe. Phe nào cũng có những lý lẽ chứng
minh cho quan điểm của mình, phe nào cũng xác tín rằng lý lẽ của mình có
giá trị nhất. Các phe tranh luận với nhau có thể rất nhẹ nhàng nhưng
cũng có thể rất gay gắt. Đó là chuyện hết sức thường tìnhtrong xã hội trong bất kỳ dân tộc nào.
Nhờ
tranh luận như thế, người ta mới nhận ra những thiếu sót trong quan
điểm của mình, nhờ đó quan điểm của mình mới hoàn hảo và toàn diện hơn,
vì mỗi phe nhìn vấn đề từ những khía cạnh hay vị thế khác nhau. Tuy
nhiên, những cuộc tranh luận này có thể trở thành những cuộc cãi vả, ẩu
đả, khiến các phe nhóm coi nhau như đối thủ, thù nghịch nhau. Tình trạng
này thường xảy ra nơi những người quan niệm thực tại chỉ có một mặt:
một khi đã cho cái nhìn của mình là đúng thì không thể chấp nhận những
ai có cái nhìn và cách hành động khác mình, nên sẵn sàng tranh chấp với
họ cách quyết liệt. Thiết tưởng khi những cuộc tranh luận này trở thành
nguyên nhân gây chia rẽ, khiến ta không còn tập trung vào mục tiêu chính là chống độc tài cộng sản, ta nên dẹp bỏ, không đặt vấn đề nữa. Chuyện phê phán đó thường không phải là chuyện của ta. Hãy nhường quyền đó lại cho lịch sử. Hãy đặt đại cuộc lên trên những bất đồng nhỏ nhoi vốn luôn luôn phát sinh một cách rất tự nhiên.
Những
người có quan điểm giống nhau, cùng lập trường với nhau, cùng xuất xứ
như nhau, hoặc cùng chung niềm tin tâm linh… thường lập thành những tập
hợp, tổ chức, đảng phái, tôn giáo, v.v… nói chung là thành các phe nhóm.
Việc phát triển nhóm, củng cố nhóm mình cho mạnh lên, đều là những điều
rất nên làm và cần thiết phải làm. Người ta thường yêu thích nhóm của
mình hơn những nhóm khác, cho rằng lập trường của nhóm mình đúng hơn
những nhóm khác. Nếu không như thế thì họ đã đã thuộc nhóm khác, đâu còn
thuộc nhóm hiện tại của họ nữa. Và người ta có thể sẵn sàng sống chết
để bảo vệ lập trường của nhóm mình… Ai động chạm đến cá nhân họ, họ có
thể bỏ qua, nhưng động chạm đến nhóm hay tập thể của họ, họ quyết không
tha. Việc hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của nhóm, việc dẹp bỏ
những ý kiến riêng tư khác biệt để tạo sự thống nhất và đoàn kết trong nhóm là một hành vi tốt đẹp, đáng khen.
Nhưng
bất kỳ tổ chức, đảng phái hay tôn giáo nào cũng đều là thành viên của
một tổ chức lớn hơn. Quốc gia dân tộc là một tập hợp lớn bao trùm tất cả
những tổ chức, đảng phái, tôn giáo đang sinh hoạt trong đó. Nếu trong
mỗi nhóm, các cá nhân cần hy sinh quyền lợi mình cho quyền lợi chung của
nhóm, thì đến lượt các nhóm cũng phải hy sinh quyền lợi riêng của tập thể mình cho quyền lợi chung của dân tộc.
Nếu các cá nhân phải dẹp bỏ ý kiến riêng tư khác biệt của mình để tạo
sự thống nhất và đoàn kết trong nhóm, thì đến lượt các nhóm cũng phải
biết dẹp bỏ những lập trường, đường lối riêng tư của nhóm mình để tạo sự thống nhất và đoàn kết trong dân tộc mình. Dân tộc nào biết thống nhất và đoàn kết, dân tộc ấy mạnh, không sợ bị những dân tộc khác hiếp đáp, khống chế.
Việc
phát triển, củng cố và bảo vệ phe nhóm mình là một điều tốt và cần
thiết. Điều đó cũng góp phần củng cố và phát triển cả dân tộc. Nhưng khi
thành viên của các phe nhóm có tinh thần cục bộ, chỉ biết củng cố phe
nhóm mình, đặt quyền lợi riêng của phe nhóm mình trên quyền lợi chung
của dân tộc, thì sự củng cố ấy sẽ làm hại đến sự đoàn kết của dân tộc, khiến dân tộc đi đến chỗ chia rẽ, phân lìa nhau, và làm cho dân tộc trở nên suy yếu.
Trong
cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay, mỗi tổ chức, mỗi chính đảng,
mỗi phe phái đều có quan điểm riêng, lập trường riêng, đường lối riêng.
Đó là điều tự nhiên. Nhưng dù khác biệt nhau thế nào, nếu thật sự
cùng hướng về một mục đích chung là xóa bỏ độc tài, xây dựng một nền
dân chủ vững bền cho dân tộc, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng cho quyền
lợi chung, thì sự khác biệt sẽ giúp các nhóm bổ túc lẫn nhau, cảm thấy cần lẫn nhau nên dễ liên kết với nhau thành những liên minh hùng mạnh. Có hùng mạnh, chúng ta mới chiến thắng được độc tài cộng sản.
Nhưng
nếu ai cũng chỉ nghĩ đến sự củng cố, nâng cao, bảo vệ, phát triển riêng
phe nhóm mình, không hướng đến sự phát triển chung của dân tộc, thì họ
đã vô tình hay cố ý củng cố sự ly tán, chia rẽ của cả dân tộc, làm dân tộc suy yếu. Họ đang tạo nên tình trạng “mười hai sứ quân” thời Đinh Bộ Lĩnh, mỗi sứ quân cát cứ một vùng, không ai bảo được ai.
Sứ quân nào cũng có tham vọng lãnh đạo đất nước, muốn thống nhất đất
nước bằng cách bắt những sứ quân khác phải quy phục mình. Vì thế đất
nước loạn lạc, dân tình điêu linh. Những lúc như thế mà bị kẻ thù phương
Bắc xâm lăng, nếu không đoàn kết lại, chắc chắn dân tộc sẽ bị Bắc
thuộc.
Trong cuộc đấu tranh với độc tài cộng sản hiện nay, không
một nhóm nào, đảng phái nào, tôn giáo nào có thể tự hào rằng chỉ một
mình mình cũng có thể chiến thắng được, mà cần phải hợp lực với các nhóm
khác. Muốn hợp lực, không thể dùng phương pháp đòi hỏi người khác quy
phục mình, theo đường lối của mình. Trái lại, phải vượt lên trên mọi khác biệt, vượt khỏi “cái tôi” cá nhân của bản thân cũng như “cái tôi” tập thể của phe nhóm mình.
Điều cần thiết nhất
để chiến thắng mà ta không chịu thực hiện, ai dám tin vào sự quyết tâm
chiến thắng của ta? Hãy chứng tỏ thiện chí của ta bằng việc đến với
nhau, liên kết với nhau, qua những hành động cụ thể và thực tế. Đừng chỉ hài lòng
với những bản tuyên bố lập trường, bày tỏ sự quyết tâm chống độc tài
của ta, hay ra những bản tuyên ngôn với rất nhiều nhóm ký tên trong khi
những nhóm này không bao giờ chịu liên kết với nhau. Những hành động cụ
thể với những hiệu quả chắc chắn giá trị gấp trăm những bản văn hay những tuyên bố xuông.
Rất mong các nhóm hãy liên kết lại thành những nhóm lớn hơn. Và những nhóm lớn này hãy liên kết lại thành những nhóm lớn hơn nữa… Chỉ như thế chúng ta mới có đủ sức mạnh để chiến thắng!
Houston, ngày 22-5-2011
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment