Saturday, May 28, 2011

Thay đổi thể chế hay củng cố quyền lực

Nhiều giọt nước tạo nên một cơn mưa
Lê Minh Nguyên - Trên VietnamNet ngày 7/5/2011 có đăng bài “Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy” tường thuật việc ông Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri  Quận 1 Sài Gòn với tư cách ứng viên đại biểu quốc hội, theo bài báo: Ông nhấn mạnh mục tiêu trước mắt là sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo: “Mục tiêu không thay đổi nhưng cơ chế, chính sách, tổ chức, chỉ đạo dẫn tới kết quả không tốt thì phải sửa, nhất quyết phải sửa. Điều đó là tự nhiên thôi, từ cấp trung ương đến địa phương”.


Ông khẳng định với cử tri sẽ không loại trừ bất cứ sự thay đổi nào, rà soát tất cả các khâu, thể chế nào, tổ chức nào, con người nào…

Bỏ qua một bên việc ông nói về “bầy sâu” tham nhũng, bởi vì nó là hệ quả đương nhiên của “lỗi hệ thống” như ông cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An đã vạch ra. Ở đây ta thử phân tích về cái hệ thống hay thể chế mà ông Sang đang hô hào đòi thay đổi.

Dù ông nói thật hay đang nói chơi để mỵ dân, như ông thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc mà dư luận TQ cho là một đại kịch sĩ đóng tuồng rất hay trên sân khấu chính trị, ông Sang hình như cũng đang muốn bắt chước thủ vai Ôn Gia Bảo trên sân khấu chính trị Việt Nam, nhưng ông Sang ở một vị thế thuận lợi hơn ông Ôn.

Ông Ôn Gia Bảo hôm tháng Tư 2011 tiếp một vị khách Hong Kong và than phiền rằng có hai thế lực lớn đang gây khó khăn cho sự đổi mới chính trị TQ cho nên ông ở vào thế quá yếu mà không làm gì được. Hai thế lực này là (1) tàn tích của xã hội phong kiến – cách nói để chỉ phe bảo thủ trong đảng mà đại diện là Hồ Cẩm Đào cùng Đoàn Thanh Niên Công Sản mà ông Hồ xuất thân – và (2) ảnh hưởng di hại của Cách Mạng Văn Hóa – cách nói để chỉ phe Maoist trong đảng mà đại diện là Bo Xilai, Ủy Viên Bộ Chính Trị, bí thư tỉnh Chongqing và là hoàng tử của Đảng.

Ông Sang hình như muốn nói rằng ở Việt Nam có hai thế lực lớn tương tự cũng đang cấu kết nhau, thế lực bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng-Nông Đức Mạnh và phe nhóm, thế lực này đang cấu kết với thế lực thứ hai là thế lực tham nhũng của phe tài phiệt đỏ của các hoàng tử đảng mà tiêu biểu là Nguyễn Tấn Dũng-Nguyễn Chí Vịnh. Cho nên bây giờ không phải là một con sâu nữa mà là một bầy sâu.

Ông Sang hiện nay là Bí Thư Thường Trực Bộ Chính Trị, điều hành công việc đảng mỗi ngày, có thể nói là Phó Tổng Bí Thư và sẽ kiêm Chủ Tịch Nước vào đầu tháng Bảy này khi Quốc Hội mới nhóm họp. Thực ra trong hơn hai năm qua ông là Tổng Bí Thư trên thực tế (de facto) vì ông Nông Đức Mạnh đã giao khoán cho Ban Bí Thư mà ông Sang lãnh đạo làm công việc lập sách. Trong Đại hội 11, ông được cao phiếu nhất nhưng vì lực không đủ mạnh trước sự cấu kết của hai thế lực trên, cho nên việc đóng cửa chia ghế đã đưa ông Trọng, cầm đèn đỏ chạy sau đuôi, lên ghế Tổng Bí Thư.

Tiềm lực của ông Sang có lẽ là từ di sản của ông Võ Văn Kiệt để lại. Ông Sang hình như đang muốn từng bước để tóm thu quyền lực. Ông Trọng là một tổng bí thư yếu cho nên hiện nay ông Sang là bí thư thường trực với thực quyền trong đảng. Bước trước mặt của ông Sang là nắm lấy chức chủ tịch nước để lấy chính đáng tính với quốc tế xem ông là nguyên thủ quốc gia. Bước kế tiếp là tạo thế để ông Trọng rút lui ở giữa nhiệm kỳ và ông Sang lên thay làm tổng bí thư. Ở giai đoạn này, tức khoảng năm 2013 hay 2014 thì những thất bại kinh tế của ông thủ tướng Dũng đã chồng chất lên quá nhiều và quá rõ qua sự khốn đốn của giới bình dân lao động và các bất ổn xã hội trầm trọng xảy ra, cho nên ông Dũng không còn cương được nữa như kỳ đại hội 11 vừa qua, và ông Sang sẽ dùng quốc hội để dứt điểm ông Dũng. Ông Dũng hình như cũng tiên liệu được điều này nên đã ồ ạt đem người bên phía chính phủ của ông vào quốc hội 13 trong kỳ bầu cử 22/5/2011 vừa qua để có tiếng nói mạnh hơn trong quốc hội và không bị đối thủ vật như trong hai năm qua như các vụ Bauxite, đường sắt cao tốc, Vinashin…

Thể chế chính trị độc tài độc đảng là cái khung sườn vững chắc và kiên cố nhất trên thế giới mà lý thuyết cộng sản đã tạo ra, tất cả là vì Đảng, nó không cho phép người bên trong hệ thống phá vỡ, nhưng nó cho phép người bên trong hệ thống được thanh toán hay tiêu diệt lẫn nhau và mỗi lần như vậy thì hệ thống được cũng cố để vững chắc thêm, như Stalin tiêu diệt Trosky ở Liên Xô, Mao Trạch Đông tiêu diệt Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu ở Trung Quốc, hay Lê Duẩn làm nhục Võ Nguyên Giáp ở Việt Nam. Nó là những chấn động, những vụ nổ bên trong hệ thống (implosion). Như vậy thì tại sao có việc nổ tung hệ thống (explosion) như ở Đông Âu và Liên Xô? – Bởi vì việc này chỉ có thể xảy ra khi hệ thống đã bị bóp méo và bóp dẹp bởi hai gọng kềm của sức mạnh quần chúng từ bên dưới và áp lực mạnh mẽ thường trực của quốc tế từ bên trên. Gorbachev hay Yeltsin chỉ xuất hiện khi con thuyền hệ thống sắp chìm và họ không bao giờ xuất hiện khi hệ thống còn đang là thành đồng vách sắt.

Như vậy ông Sang nói không loại trừ một sự thay đổi nào kể cả sự thay đổi thể chế là một vận dụng chính trị có tính cách chiến lược của ông. Ông muốn tạo vị thế của người chạy trên lằn vàng kẽ ở giữa đường trong lúc xã hội đang có những thay đổi, để trước tiên là cũng cố quyền lực, và sau đó là cũng cố độc tài nếu cộng sản Trung Quốc tiếp tục vững mạnh, hay lãnh đạo việc cải cách dân chủ nếu dân chúng TQ và VN hưởng ứng làn gió của Mùa Xuân Á Rập thổi đến với sự tích cực hỗ trợ của quốc tế.

Có thể nói kể từ thời ông Trần Xuân Bách đến nay, chỉ có những người đã bước ra khỏi Bộ Chính Trị như ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An mới dám nói về hệ thống sai, lỗi hệ thống và đòi thay đổi hay sửa chửa hệ thống. Ngày nay, ông Sang đang ở vị trí quyền lực số 2, nếu không muốn nói là số 1 trong Bộ Chính Trị, lại nêu lên vấn đề này. Ông có vị thế tốt hơn ông Ôn Gia Bảo. Nếu ông thực sự muốn thay đổi hệ thống chính trị, liệu ông sẽ thất bại và trở thành Trần Xuân Bách, Triệu Tử Dương, hay thành công như Yeltsin?

Nếu ông chỉ nói thay đổi thể chế để tạo thanh thế chính trị hầu cũng cố quyền lực và duy trì độc tài độc đảng, thì cũng như Ôn Gia Bảo, được người đời cho là một đại kịch sĩ trên sân khấu chính trị VN. Đa phần là ông ta sẽ lo việc cũng cố quyền lực và duy trì độc tài độc đảng, vì như  nói ở trên, hệ thống không cho phép ông phá nó trừ khi hệ thống sắp sụp và ông phải nhảy thuyền, và quyền lực tập trung là quyền lực đầy đam mê, quyến rũ và dễ nhũng lạm.

Tuy nhiên, hai gọng kềm quần chúng và thế giới đã mạnh lên đối với các chế độ độc tài. Người dân ngày hôm nay sống trong Thời Đại Thông Tin nên động tính của thay đổi đã tiến quá nhanh so với sự u lì muốn giữ nguyên trạng của các chế độ độc tài. Xã hội dân sự được hình thành từ bên dưới đi lên, ngoài ý muốn và biên cương kiểm soát của chính quyền, qua các không gian ảo. Thế giới quan của họ được mở rộng thênh thang và lá bùa tuyên truyền lề phải không còn linh thiêng như trong quá khứ.

Trong khi đó, luồng gió quốc tế cũng đã đổi thay. Các đại công ty liên quốc đang từ từ rút ra khỏi Trung Quốc để trở về Hoa Kỳ hay Âu Châu. Lâu nay HK không thể cứng rắn được với TQ một phần cũng vì quyền lợi của các công ty này ở TQ mà Phòng Thương Mại HK luôn luôn bênh vực, như đứng về phía TQ trong việc HK đòi nâng giá đồng quan tệ. Việc các công ty mang gói trở về là hiện tượng tốt cho phong trào dân chủ TQ vì HK sẽ cứng rắn hơn.

Bà ngoại trưởng Hillary Clinton hôm 10/5/2011 trả lời phỏng vấn của báo The Atlantic đã mạnh mẽ chỉ trích “Trung Quốc đang tìm cách ngăn chận lịch sử, một hành động vô ích của một kẻ ngu xuẩn” và thành tích nhân quyền của TQ là “đáng kinh tởm”, nó hoàn toàn khác với chuyến công du của bà qua TQ hai năm trước đây, đã làm nhiều người thất vọng vì bà nói nhân quyền được tách rời ra khỏi các cuộc đàm phán thương mại.

Tổng thống Obama trong bài diễn văn đọc ở Bộ Ngoại Giao ngày 19/5/2011 trước các nhà ngoại giao thế giới về chính sách của HK đối với các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, nhất là các quốc gia đã và đang trải qua Mùa Xuân Á Rập, ông đã cương quyết khẳng định HK đứng về phía của những người dân đứng lên đòi dân chủ, xóa cho Ai Cập $1 tỷ nợ và bảo đảm để Ai Cập vay $1 tỷ nợ mới. Ngoài ra, các lãnh tụ của các nước G8 họp hai ngày 27-28/5/1022 ở Pháp đã cam kết sẽ giúp $40 tỷ cho các nước trong Mùa Xuân Á Rập nào thay đổi được từ chế độ độc tài qua dân chủ.

Ông Tô Hải nghĩ rằng ông Trương Tấn Sang đang có trước mặt một thời cơ và ông Tô Hải mong đợi ông Sang sẽ làm những thay đổi có tính cách đột phá cho dân chủ, đó là cách suy nghĩ thông thường của những người cộng sản. Họ nghĩ rằng nếu có làm dân chủ thì chính họ làm, và như một một nhà dân chủ TQ ở Washington DC nhận xét, vì do ý thức hệ và văn hóa của tổ chức đã đào tạo ra họ, họ không chấp nhận những nhà dân chủ ngoài đảng, trong khi đó thì những nhà dân chủ ngoài đảng chấp nhận họ.

Ông Sang không thể đi mãi ở giữa đường, cho dù ông có cơ hội chủ nghĩa bao nhiêu. Ông phải chọn lựa và phải chịu trách nhiệm lịch sử cho sự chọn lựa của ông. Dù ông ta chọn lựa thế nào thì điều chính yếu là ông ta phải là trung tâm điểm của sự chọn lựa đó. Do đó, nó sẽ sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng ông sẽ sửa đổi hay làm nên một thể chế mới có dân chủ thực sự, vì nó không ngoài mục đích cũng cố quyền lực của ông và phe nhóm.

Cuộc tranh đấu của những người trân quý các giá trị tự do dân chủ không nên được ngừng nghỉ và cần tiếp tục kiên cường hơn. Bởi vì, chỉ có hai con đường để tiến đến dân chủ là cách mạng hay diễn biến hòa bình, và con đường nào cũng đòi hỏi một sự tranh đấu quyết liệt của quần chúng. Sức mạnh đang nằm về phía chúng ta. Với tính đa dạng của dân chủ, đoàn kết có nghĩa là chúng ta không đánh phá lẫn nhau và hướng mũi tên của chúng ta về phía đảng CSVN và đừng lo là nó nhỏ bé. Một giọt nước không làm được cơn mưa rào, nhưng cơn mưa rào nào cũng đều được làm bằng những giọt nước.

© Lê Minh Nguyên

© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment