Sunday, May 29, 2011

Nợ của Hoa kỳ ảnh hưởng đến nền an ninh thế giới?

Nguyễn Hội - Trong bản kết thúc hội nghị thượng đỉnh G8 được tổ chức tại Deauville (Pháp) Hoa kỳ bảo đảm với các quốc gia thành viên G8 sẽ thực hiện một chính sách tiết kiệm ngân quỹ quốc gia:. “Hoa Kỳ sẽ thiết lập một khuôn khổ rõ ràng và đáng tin cậy nhằm bảo đảm trung hạn ngân sách quốc gia”.


Theo thông tin của bộ tài chánh Hoa kỳ,  vào ngày 16.05.2011 vừa qua  tổng số nợ quốc gia đã đạt đạt mức nợ tối đa được qui định  là 14300 tỉ Mỹ kim. Bộ trưởng tài chánh Timothy Geithner đã thông báo cho lưỡng viện Quốc hội Hoa kỳ (Thượng và Hạ nghị viện) và yêu cầu nâng cao mức nợ  tối đa để bộ tài chánh có thể tiếp tục vay nợ thanh toán những chi phí trong khuôn khổ ngân sách đã được phe chuẩn. Trong thời gian chờ đợi lưỡng viện Quốc hội nâng cao mức nợ tối đa,  bộ tài chánh phải áp dụng “những biện pháp bất thường” để giữ vững khả năng chi phí của chính phủ Hoa Kỳ, những biện pháp này chỉ hữu hiệu đến ngày 02.08.2011 và Hoa kỳ sẽ „vỡ nợ“ , nếu mức nợ tối đa không được nâng cao. Mức nợ  tối đa này vừa được tăng vào năm ngoái, khi đảng Dân chủ còn giữ đa số trong cả hai lưỡng viện Quốc Hội. Được biết vào tháng tư năm 2011 Standard & Poor’s đã hạ thấp khả năng tín dụng của Hoa kỳ từ „vững chắc“ (stabil)  xuống „tiêu cực“ (negative) với lý do là mức nợ quốc gia Hoa kỳ tăng trưởng quá nhanh chóng.

Tăng trưởng nợ Quốc Gia của Hoa kỳ

Nợ quốc gia của Hoa kỳ trong thập niên 70 không đáng kể, từ giữa thập niên 80 tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt tăng rất nhanh từ năm 2001 đến nay. Vào đầu năm 2002 tổng số nợ ở con số 5943 tỉ Mỹ kim, nhưng chỉ hơn 9 năm sau đã nhảy vọt lên tới 14345 tỉ  Mỹ kim vào ngày 26/05/2011:
 
đồ thị 1: Tổng số nợ quốc gia của Hoa kỳ, dữ kiện từ http://www.treasurydirect.gov/

Nguyên nhân con nợ khổng lồ

Những nguyên nhân chính dẫn đến mức nợ  to lớn rất đáng lo ngại của Hoa kỳ là:
-     Chi phí cho cuộc chiến tại Iraq và A Phú Hãn
-     Chi phí cho cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007
-     Chính sách đánh thuế thấp của Hoa kỳ.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Hoa kỳ đã từng được giải Nobel về kinh tế là Joseph Stiglitz đã đoán phí tổn cho cuộc chiến tại Irak là 3000 tỉ Mỹ kim thay vì 50 tỉ Mỹ kim do chính quyền TT Bush phỏng đoán ban đầu. Trong khi đó cuối năm 2007 bộ quốc phòng Hoa kỳ ước tính các chi phí quân sự là 406 tỉ và Ủy ban Kinh tế Hạ nghị viện đã đưa ra con số 1300 tỉ Mỹ kim là “chi phí trực tiếp” cho cuộc chiến tại Iraq trong một bản báo cáo vào đầu năm 2008.
Cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2007 ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách của quốc gia, chính phủ phải chi phí cho các chương trình cứu trợ tài chính (TARP), chương trình kích cầu kinh tế (ARRA), chi phí cho những người thất nghiệp vv…
Cuộc cải cách thuế vào năm 2003 làm giảm thu nhập của chính phủ, thêm vào đó cuộc khủng hoảng tài chánh làm giảm tiềm năng kinh tế, thất nghiệp gia tăng. Do đó mức thu nhập của chính phủ Hoa kỳ trong những năm vừa qua lại càng giảm.
Trên đồ thị 2 chi phí và thu nhập (được tính trên tỉ lệ GDP) của Hoa kỳ được so sánh với các nước OECD. Trung bình các nước OECD chi hơn 44% và thu khoảng 37% GDP và bị thâm hụt khoảng 7% GDP. Hoa kỳ tuy chi ít hơn với 42% GDP, nhưng thu chỉ được non 32% GDP. Tức là Hoa kỳ thâm hụt hơn 10% GDP: 

 
đồ thị 2: so sánh chi phí và thu nhập giữa Hoa kỳ và các nước OECD, nguồn: OECD

Nợ ngoại quốc của Hoa kỳ

Ngoài thâm hụt ngân sách quốc gia hàng năm Hoa kỳ còn mang một gánh nặng thứ hai là thâm hụt ngoại thương trường kỳ. Thâm hụt này gia tăng mạnh từ năm 1995 đến năm 2006 và có xu hướng giảm từ năm 2006 đến nay:
 
đồ thị 3:  thâm hụt ngoại thương Hoa Kỳ 1980-2010. Nguồn: www.census.gov
Để tài trợ cho thâm hụt này Hoa kỳ cần thiết nguồn tài chánh từ ngoại quốc. Để có được nguồn tài chánh từ ngoại quốc nhằm cân bằng cán cân thanh toán với các nước trên thế giới, Hoa kỳ có thể bán gia sản (Assets) của mình cho người ngoại quốc hoặc mượn nợ ở ngoại quốc. Đồ thị sau đây mô tả phát triển tổng số nợ ngoại quốc của Hoa kỳ từ năm 2003 đến năm 2010 lấy từ trang mạng của bộ tài chánh Hoa kỳ:
 
đồ thị 4: Tổng số nợ ngoại quốc của Hoa Kỳ. Nguồn: www.treasury.gov 
So sánh hai đồ thị 3 và 4 chúng ta thấy tổng số nợ ngoại quốc tăng đồng thuận với tăng thâm hụt ngoại thương. Một trong những cách thiếu nợ là bộ tài chánh Hoa kỳ bán công trái phiếu. Do đồng Mỹ kim hiện nay vẫn còn là đồng tiền cơ bản trên thương trường quốc tế nên khách hàng mua công trái phiếu của Hoa kỳ phần lớn là các ngân hàng, hãng bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty đầu tư (investment company), các ngân hàng quốc gia từ các nước trên thế giới vv… Trang Web của bộ tài chánh Hoa kỳ (www.treasury.gov) liệt kê danh sách những ngân hàng quốc gia ngoại quốc giữ phần nhiều công trái phiếu của Hoa kỳ (major foreign holders of treasury securities):
 
đồ thị 4: Những quốc gia giữ công trái phiếu của Hoa Kỳ. Nguồn: www.treasury.gov
Tổng cộng các ngân hàng quốc gia trên thế giới giữ 4479 tỉ Mỹ kim công trái phiếu của Hoa kỳ, trong đó Trung cộng với  1145 tỉ chiếm 25,6% , kế tới là Nhật với 908 tỉ Mỹ kim. Vào đầu tháng Giêng 2011 bộ tài chánh Hoa kỳ  thông báo ngân hàng quốc gia của Trung cộng chỉ giữ tổng cộng gần 900 tỉ Mỹ kim nhưng chỉ vào cuối tháng hai 2011 con số này nhảy vọt lên 1116 tỉ. Bộ tài chánh Hoa kỳ cho biết vào tháng 6 năm 2010 ngân hàng nhà nước Trung cộng đã âm thầm mua lại một phần công trái phiếu của Hoa kỳ do Anh giữ là 269,2 tỉ Mỹ kim, “Cho đến nay chúng tôi đoán rằng Trung cộng mua công trái phiếu ở Anh, bây giờ sự kiện trên đã được xác nhận“, ông Alan Ruskin, một chiến lược gia về tiền tệ của Ngân hàng Deutsche Bank cho biết như trên vào cuối tháng hai năm 2011.

Nguyên nhân dự trữ Mỹ kim

Những quốc gia xuất cảng hàng hoá với thặng dư ngoại thương như Trung cộng, Nhật, Đức cần giữ cân bằng đồng tiền của mình tránh giao động mạnh nhằm điều hoà xuất cảng. Thặng dư ngoại thương gây tăng giá trị đồng tiền nội địa qua đó sản phẩm của nước họ sẽ đắt hơn nước người và dẫn đến tình trạng xuất cảng yếu kém. Để cân bằng, các quốc gia xuất cảng thường mua trái phiếu bằng ngoại tệ mà công trái phiếu bằng Mỹ kim của chính phủ Hoa kỳ dùng cho mục đích này rất tốt, có thể nói là hoàn hảo. Một khi Trung cộng và Nhật mua công trái phiếu của Hoa kỳ thì họ phải xuất cảng tiền vốn của họ và Hoa kỳ là nước nhận số tiền vốn này. Sự kiện này đưa đến việc cân bằng cán cân thanh toán trên thị trường quốc tế, đồng tiền Mỹ kim không bị mất giá vì Hoa kỳ thâm hụt ngoại thương, đồng thời đồng tiền Yuan của Trung cộng cũng như đồng Yen của Nhật không bị tăng giá do thặng dư ngoại thương. Mặt khác đối với Hoa kỳ, việc thiếu nợ bằng chính đồng tiền nội địa của mình là điều những quốc gia thiếu nợ thường mong ước vì Hoa kỳ không phải chịu rủi ro lạm phát của nước khác.
Trong trường hợp đồng tiền nội địa có nguy cơ mất giá, ngân hàng quốc gia sẽ bán công phiếu Mỹ kim để giữ lại thăng bằng cho đồng tiền của mình.
Trung công là nước sống nhờ xuất cảng mà Hoa kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hoá của họ nhiều nhất thế giới. Năm 2008 Hoa kỳ nhập 253 tỉ Mỹ kim và năm 2009 221 tỉ Mỹ kim hàng hoá từ Trung cộng. Nếu xuất cảng yếu kém, người dân trong nước sẽ nổi loạn vì họ không có công ăn việc làm. Sự kiện này đã xảy ra vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009 khi nhiều công ty Trung cộng không có đơn đặt hàng do ảnh hưởng khủng hoảng tài chánh nên phải sa thải nhân công. May cho Trung cộng là cơn động đất lớn đã làm cho người dân tập trung vào công việc giải quyết thiên tai không còn xuống đường đập phá nữa. Với lý do đó, Trung cộng tìm  mọi cách ảnh hưởng Hoa kỳ.

Nguy cơ có thể xảy ra

Sự kiện Trung cộng âm thầm mua lại công trái phiếu của Hoa Kỳ từ Anh quốc với một khối lượng lớn là 269 tỉ Mỹ kim tỏ ra cho thấy họ có ý đồ trong việc dự trữ đồng Mỹ kim. Nhớ lại  vào thập niên 50 của thế kỷ trước trong cuộc khủng hoảng Suez, Hoa kỳ đã từng hăm doạ Anh và Pháp sẽ thẩy tiền của họ ồ ạt ra thị trường tài chánh, nếu họ không chịu rút quân.
Mộng bá chủ thiên hạ của Trung cộng mọi người đều biết. Liệu Hoa kỳ và các nước dân chủ trên thế giới có khôn khéo giải quyết được bài toán hóc búa này hay không?
Mỗi người trong  chúng ta có thể đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền an ninh thế giới bằng cách:
-     Không mua hàng, dùng hàng hoá của Trung cộng,
-     Không du lịch Trung cộng,
-     Không đi máy bay của Trung cộng.

Nguyễn Hội


http://baotoquoc.com/2011/05/29/n%E1%BB%A3-c%E1%BB%A7a-hoa-k%E1%BB%B3-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-d%E1%BA%BFn-n%E1%BB%81n-an-ninh-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi/#more-29513

No comments:

Post a Comment