Monday, April 18, 2011

“Tùy cơ ứng biến” trong đấu tranh

Nguyễn Chính Kết - Năm 2001, phong trào đấu tranh cho tự do tôn giáo bùng nổ mạnh mẽ với Lm Nguyễn Văn Lý, Lm Phan Văn Lợi, Lm Nguyễn Hữu Giải tại Huế; với HT Thích Huyền Quang tại Bình Định và HT Thích Quảng Độ tại Sàigòn. Với đà này, các sĩ phu trong nước bắt đầu lên tiếng ngày càng nhiều và càng mạnh. Việc phát triển mạng lưới Internet với dịch vụ email, Skype, Yahoo Messenger, paltalk và các trang web dân chủ giúp các nhà đấu tranh trong nước,
ngoài nước dễ dàng và nhanh chóng liên lạc với nhau, ủng hộ, hỗ trợ tinh thần nhau, chia sẻ với nhau tư tưởng dân chủ, và nhất là liên kết với nhau. Người Việt Tị Nạn hải ngoại cũng hết sức phấn khởi, yểm trợ rất mạnh và rất quảng đại cho công cuộc đấu tranh trong nước.

Phong trào đấu tranh dân chủ trong nước nhờ thế ngày càng phát triển mạnh. Thêm vào đó, vì muốn gia nhập WTO và các tổ chức thương mại thế giới khác hầu phát triển nền kinh tế đang xuống dốc thê thảm, CSVN phải cố gắng thỏa mãn những điều kiện quốc tế đòi hỏi về nhân quyền. Vì thế, tuy vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói phản kháng, CSVN đã phải chùn tay phần nào.

Khối 8406 đã ra đời trong bối cảnh thuận lợi đó, và tranh đấu rất mạnh đòi hỏi CSVN phải tôn trọng các quyền con người.

Trong bối cảnh rất thuận lợi này, chiến thuật mà Khối 8406 áp dụng là đấu tranh công khai, khác hẳn với phương cách mà các nhà đấu tranh dân chủ vẫn thường phải áp dụng trước đó khi chưa có được những hoàn cảnh thuận lợi này. Với chiến thuật này, danh tánh người đấu tranh và những hoạt động đấu tranh của họ đều được phổ biến trên mạng Internet toàn cầu để thế giới biết mà ủng hộ và bảo vệ. Thời đó, ai càng đấu tranh mạnh mẽ thì càng được thế giới ủng hộ và bảo vệ hữu hiệu.

Nhưng khi CSVN đã vào được các tổ chức quốc tế rồi, thế giới khó mà đuổi họ ra khỏi các tổ chức họ đã cày cục gia nhập được, họ liền trở mặt ngay và bắt đầu đàn áp mạnh tay các thành viên Khối 8406. Sự đàn áp này gia tăng liên tục suốt từ đó tới nay. Những thành viên đã từng công khai và năng nổ hoạt động, cho dù có đấu tranh ôn hòa đến đâu, hoạt động có phù hợp với hiến pháp và luật pháp đến đâu, thì vẫn bị vào tù hoặc bị khống chế chặt chẽ. Lực lượng đấu tranh của Khối vì thế bị tổn thất rất nhiều: số thành viên năng nổ bị vào tù đông gấp nhiều lần số thành viên năng nổ còn bên ngoài, khiến hoạt động của Khối phần nào bị khựng lại (điều này hoàn toàn không có nghĩa là những thành viên năng nổ còn bên ngoài không đấu tranh tích cực bằng những người bị vào tù) .

Tình thế đã thay đổi, chiến thuật đấu tranh công khai không còn lợi như trước. Song song với nhu cầu mạnh dạn đấu tranh, nhu cầu bảo toàn lực lượng cũng quan trọng không kém: nếu cứ để lực lượng đấu tranh bị mất người dần dần thì còn người đâu mà đấu tranh?! Do đó, phải chuyển chiến thuật từ công khai sang âm thầm, hoặc chỉ công khai ở một mức độ nào đó mà sự khôn ngoan cho phép. Theo đó, những người đang hoạt động công khai cứ tiếp tục công khai; còn những người mới tham gia đấu tranh hoặc chưa lộ diện thì nên ẩn danh và hoạt động âm thầm. Danh tánh và hoạt động của họ không nên phổ biến trên các phương tiện thông tin hầu tránh sự theo dõi, ngăn chặn và đánh phá của tình báo Cộng sản. Nếu có thông tin –để mọi người biết mà lên tinh thần− thì cũng phải rất hạn chế. Số âm thầm này tăng lên ngày càng đông. Nhiều người tự cho mình là thành viên Khối 8406, đấu tranh theo tinh thần và đường lối của Khối, nhưng không công khai ghi danh.

Ban Đại diện Khối 8406 còn nhận thấy một lỗ hổng khá lớn trong công cuộc đấu tranh, đó là công tác vận động quần chúng. Công tác này, Khối đã từng quan tâm như một công tác quan trọng bậc nhất ngay từ khi thành lập. Vì Khối dù có đấu tranh mạnh mẽ và can đảm đến đâu, nếu đại chúng nhân dân không biết đến để ủng hộ, để cùng đấu tranh với mình, thì Khối sẽ thiếu sức mạnh và rất khó phát triển. Nhưng hoàn cảnh lúc đó chưa thuận lợi cho công tác này. Lúc đó, chỉ những nhà đấu tranh dân chủ −vốn chỉ chiếm 1 đến 2 phần triệu dân số− mới vượt thắng được nỗi sợ hãi. Hầu hết dân chúng, dưới chính sách khủng bố của cộng sản kéo dài hàng mấy chục năm, vẫn còn rất nhát sợ. Nhân sự Khối 8406 quá ít lại không được đào tạo, phương tiện thì thiếu thốn lại bị cộng sản đặc biệt ngăn cản (vì cộng sản kinh nghiệm quá nhiều rằng: việc vận động quần chúng rất lợi hại trong đấu tranh). Phần khác, những người mới tham gia đấu tranh thường chỉ quan tâm tới việc tự đòi hỏi mình phải làm gì (điều này nhiều khi đã vượt quá sức họ rồi), chứ chưa quan tâm nhiều đến việc phải làm sao để quần chúng cùng đấu tranh với mình. Vì thế, việc vận động quần chúng phải tạm thời để đó, chờ thời cơ thuận lợi hơn sẽ làm.

Khi cách mạng Hoa Lài bùng nổ ở Bắc Phi và Trung Đông, quần chúng ở Việt Nam đã không đáp ứng được lời kêu gọi biểu tình của Khối 8406, của Bs Nguyễn Đan Quế, của một số tổ chức hải ngoại. Lý do rất đơn giản là quần chúng chưa được thông tin đầy đủ, chưa được vận động và chuẩn bị. Do đó, đã đến lúc Khối 8406 cảm thấy phải đặc biệt quan tâm và phát động công tác vận động quần chúng. Thực ra, Khối đã quan tâm thực hiện công tác này nhiều tháng, trước khi nổ ra cuộc cách mạng Hoa Lài.

Có thể nói hiện nay, đại đa số dân chúng đã hiểu biết bản chất gian manh, tàn ác và phản dân hại nước của bè lũ cộng sản, đặc biệt của bộ chính trị. Và so với 5 năm trước đây, khi Khối 8406 thành lập, dân chúng đã tiến bộ khá xa trong việc vượt thắng sợ hãi, cho dù các cán bộ công an hiện nay tàn bạo và dã man hơn 5 năm trước rất nhiều. Một phần là do chế độ công an trị đã dồn người dân đến đường cùng; phần khác là do người dân thấy rằng cứ sợ hãi và nhún nhường mãi như trước cũng chết, lại còn làm cho bọn cán bộ gian tham “được đằng chân, lân đằng đầu”, trở nên tàn bạo hơn. Bị dồn tới đường cùng thì chỉ còn một cách là liều chết mà chống lại, nghĩa là phải “tìm cái sống trong chính cái chết”, may ra mới có thể sống được mà thôi! Đến nước này thì càng hèn càng chóng chết! Đây là thời cơ rất thuận lợi cho việc vận động quần chúng.

Hiện nay, giới sinh viên trong nước ngày càng ý thức hơn về bản chất của chế độ, về trách nhiệm của mình trước lịch sử, về nguy cơ mất nước trước mắt sẽ ảnh hưởng vô cùng tai hại đến tương lai của mình và con cháu mình. Qua vụ án Cù Huy Hà Vũ, chúng ta thấy giới sinh viên đi tham dự phiên tòa rất đông, bất chấp nhà cầm quyền đã tìm đủ mọi cách hèn hạ và bẩn thỉu để ngăn chặn giới này. Nào là các trường ra lệnh cho sinh viên học sinh phải đi học để thi vào ngày ấy, và đe dọa em nào không đi học thì sẽ bị đuổi. Nào là đưa vô số công an ra chặn đường, dùng dùi cui và bạo lực uy hiếp người dân, trong đó đa số là sinh viên học sinh, đến tham dự phiên tòa.

Giới sinh viên học sinh hiện nay đã có rất đông người tham gia các hoạt động yêu nước. Từ đó đã manh nha xuất hiện Phong trào Tuổi Trẻ Yêu Nước, với việc âm thầm phát động và phổ biến Cẩm Nang Yêu Nước. Cẩm Nang này đề ra 6 việc làm cụ thể tương đối dễ nhớ, vừa giản dị vừa ít nguy hiểm, mà phong trào đề nghị mọi người dân trong nước hãy tự ý thực hiện hầu góp phần vào việc cứu nguy Tổ Quốc.

Phong trào Tuổi Trẻ Yêu Nước tiếp nối hoạt động của Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhà giáo Vũ Hùng, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Sinh viên Ngô Quỳnh… Những chiến sĩ đấu tranh này, tuy đang nằm trong tù, nhưng lòng yêu nước và hoạt động họ đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tuổi trẻ hào hùng trong nước. Các chiến sĩ ấy chính là tiền thân của Phong trào Tuổi Trẻ Yêu Nước hiện nay. Tuy nhiên, Phong trào Tuổi trẻ này đã rút được kinh nghiệm từ những thất bại của đàn anh đi trước để áp dụng cho mình. Phong trào chủ trương âm thầm hoạt động, chứ không công khai, không ào ạt như trước, và khởi sự từ những việc nho nhỏ, dễ làm và ít nguy hiểm nhất. Điều quan trọng là làm sao huy động được quần chúng cùng tham gia và cùng làm với mình. Có cùng tham gia với mình thì quần chúng mới ý thức chính trị nhiều hơn, mới dần dần làm được những việc lớn hơn, đồng thời mới thắng vượt được nỗi sợ hãi đã đè nặng lên họ mấy chục năm qua. Lúc đó có kêu gọi họ biểu tình đồng loạt đấu tranh làm một cuộc cách mạng toàn dân thì họ mới có khả năng đáp ứng.

Nếu trong nước đang cải thiện phương cách đấu tranh, thì thiết tưởng ở hải ngoại, những nhà chiến lược, tham mưu cũng cần rút ưu khuyết điểm từ cuộc đấu tranh tại hải ngoại trong quá khứ hầu đề ra những phương hướng cụ thể, thực tế và hữu hiệu cho cuộc đấu tranh chung tại hải ngoại.

Thiết tưởng điều quan trọng là việc tranh đấu cần phải hướng đến những việc làm thật cụ thể và ích lợi. Không nên hài lòng ở mức độ bàn cãi, mổ xẻ, hô hào, viết lý thuyết, ra tuyên bố, thảo tuyên ngôn, lập ban bệ… mà phải có những việc làm thực tế, cụ thể, ích lợi, có thể phần nào thấy trước được hiệu quả của nó. Có như thế, cuộc đấu tranh mới đi đến thắng lợi được.

Nguyễn Chính Kết

Houston, 17-4-2011
Xin tham khảo thêm :
Bài “Đấu tranh dân chủ: nên công khai hay âm thầm?”
http://nguyenchinhket1.blogspot.com/2010/03/dautranhnencongkhaihayamtham.html

No comments:

Post a Comment