Báo Tổ Quốc - Bất chấp
những tiếng nói bênh vực từ xã hội dân sự, trong đó có nhiều tiếng nói
của những trí thức tên tuổi, những vị lão thành cách mạng, những người
có công lao và đã từng giữ những chức vụ cao trong đảng và nhà nước, Cù
Huy Hà Vũ đã bị xử 7 năm tù và 3 năm quản chế. Bảy năm là thời gian giam
giữ trung bình, sau những đợt ân xá và giảm án, đối với một người bị án
tù chung thân –hay án tử hình ân xá thành chung thân- vì tội cố ý giết
người tại các nước văn minh.
Vụ án Cù
Huy Hà Vũ sẽ để lại một vết thương khó lành trong chế độ vì nó là một
hành động chà đạp lên hiến pháp và luật pháp mà nạn nhân lại là một luật
gia, thân quen với nhiều nhân vật lớn trong chế độ, con một nhân vật
lịch sử của đảng cộng sản với chỗ đứng quan trọng trong văn học. Và nhất
là không hề chống lại đảng và nhà nước mà chỉ góp ý để đảng thích nghi
với thời đại và tồn tại. Nó phản ánh một thực trạng mới của chế độ, kết
quả của một tiến trình tất yếu.
Những
vụ án chính trị liên tục diễn ra từ hai năm nay đã khiến người ta phải
ngạc nhiên vì mức độ khắc nghiệt ngày càng gia tăng của chúng. Trắng
trợn nhất là vụ án Vi Đức Hồi. Anh Hồi bị xử 8 năm tù và 5 năm quản chế
dựa trên một bản cáo trạng hoàn toàn không có gì, gần như một bản xác
nhận vô tội. Bản án đã làm kinh ngạc mọi người trong cuộc, từ chi bộ
đảng Lạng Sơn đánh giá anh là một đảng viên gương mẫu đến luật sư, công
tố viên, ngay cả các thẩm phán chỉ có nhiệm vụ đọc một bản án được quyết
định từ trước.
Rõ ràng là một chính
sách đàn áp thẳng tay đã bắt đầu. Đó là hậu quả của một tiến trình có
tính qui luật. Đảng cộng sản không còn là đảng cầm quyền nữa, mà cũng
không còn là một đảng đúng nghĩa nữa. Một chính đảng phải đặt nền tảng
trên một tư tưởng chính trị và phải là dụng cụ để thể hiện tư tưởng này.
Không có tư tưởng chính trị thì không thể có đảng, nhưng đảng cộng sản
không có tư tưởng chính trị nào mà chỉ lặp lại một cách nhạt nhẽo chủ
nghĩa Mác-Lênin mà không còn một đảng viên nào tin nên nó đã mất dần
thực chất. Đại hội 11 vừa qua đã xác nhận nó chỉ còn là một hư cấu, thực
quyền thuộc về tay người nắm được bộ máy nhà nước, công an và quân đội,
nghĩa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hỗ trợ bởi một nhóm người mà quyền
lợi và sự sống còn gắn bó chặt chẽ với ông. Chế độ độc tài đảng trị đã
nhường chỗ cho chế độ độc tài cá nhân. Mọi chế độ đều cần thuyết phục
trước khi sử dụng bạo lực để khuất phục. Chế độ Nguyễn Tấn Dũng không có
gì để thuyết phục mà chỉ thuần túy dựa trên đàn áp nên đàn áp phải được
đẩy tới mức tối đa. Chúng ta chỉ mới chứng kiến giai đoạn đầu của một
cơ cấu quyền lực mới, không khác những chế độ Ben Ali tại Tunisia và
Hosni Mubarak tại Ai Cập và cũng sẽ kết thúc như những chế độ đó. Nó
không thể kéo dài bởi vì một làn sóng dân chủ mới đang trào dâng và sẽ
cuốn đi những chế độ độc tài không chủ nghĩa, nhưng nó sẽ có thể gây rất
nhiều tổn hại cho đất nước.
Thời
gian tồn tại và tàn phá của nó không chỉ tùy thuộc ở những người dân chủ
Việt Nam mà tùy thuộc cả ở phản ứng của các đảng viên cộng sản. Họ nên
nhìn số phận của đảng Tập Hợp Dân Chủ Hiến Định tại Tunisia và Đảng Dân
Chủ Quốc Gia tại Ai Cập.
Ban biên tập
Nguồn: báo Tổ Quốc số 109, ngày 15/04/2011
Nguồn: báo Tổ Quốc số 109, ngày 15/04/2011
No comments:
Post a Comment