Friday, April 15, 2011

Tinh thần dân tộc đối với sự phát triển quốc gia

Huỳnh Trọng Hiếu - Xã hội loài người luôn tồn tại và tuân thủ quy luật cạnh tranh nghiệt ngã, sự yếu kém của một cá nhân là điều kiện tạo nên chiến thắng của những cá nhân khác, sự thất bại của dân tộc này có thể là điều kiện thuận lợi cho sự thăng tiên của dân tộc khác, sự hủy hoại và điêu tàn của một quốc gia có khi là thời cơ ngàn vàng cho sự phát triển và vượt lên của các quốc gia lân bang. Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác…
hoặc là phải chiến thắng kẻ khác vẻ vang, hoặc sẽ bị chiến bại trong tủi nhục. Một cá nhân không thể làm nên chiến thắng lớn lao của một cộng đồng hay một chủng tộc. Muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào yêu cầu cần có sự nỗ lực của nhiều cá nhân. Một quốc gia phát triển và đạt được nhiều thành tựu chắc chắn sẽ “đánh bại” được các quốc gia khác. Vậy điều gì là yếu tố quyết định để làm nên những thành tựu và sự phát triển của một quốc gia hay một dân tộc?

Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, nước Đức rơi vào cuôc khủng hoảng trầm trọng; xã hội Đức đang đứng trước bờ vực của sự đổ vỡ và bạo loạn; nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng, lạm phát ngày một gia tăng; tại một số nơi trẻ em dán những đồng mark làm dìu thả bay bổng trên bầu trời nông thôn Đức. Đời sống người dân nghèo đói, thất nghiệp trở thành một vấn nạn không thể giải quyết, nó tạo nên những làn sóng di dân Đức đến khắp nơi trên toàn lục địa Âu châu. Họ đến các nông trại, công xưởng, nhà ga, tất cả mọi nơi có thể kiếm sống. Lãnh thổ Đức đã bị thu hẹp hơn rất nhiều (điều mà không một người Đức nào mong muốn) so với thời điểm trước khi xảy ra Đệ nhất Thế chiến, do những điều khoản ngặt nghèo trong Bản Hòa ước Versailles bị áp đặt từ các nước lớn thắng trận. Người dân tản mác khắp nơi, xã hội đang băng hoại, xuống dốc không thể cứu vãn.

Nền chính trị của nước Cộng hòa Liên bang Đức từng là một Đế quốc lớn nhất Châu Âu cũng trở nên bất ổn không kém. Không ai, không tổ chức nào trong chính quyền hiện tại có đủ tầm vóc và tài năng để vạch ra cho quốc gia một hướng đi, đưa nước Đức đến sự ổn định và phát triển. Hiểm họa chia cắt đất nước ngày một rõ rệt hơn, các nhà lãnh đạo các bang không chú trọng vào việc xây dựng một nước Đức hùng mạnh (quyền lực thực sự nằm trong tay những nhà lãnh đạo các bang), ngược lại họ còn muốn phân chia “thiên hạ”, cát cứ một vùng nhằm đem lại quyền lực cho bản thân và phe nhóm. Ngoài ra còn tồn tại những yếu tố về lịch sử và sắc tộc. Bộ máy nhà nước Đức đóng băng với những bất cập, hàm chứa nhiều mâu thuẫn và bất ổn. Nó trở nên cồng kềnh, cũ nát, làm việc quan liêu đã gây cho người dân nhiều phiền toái. Chính vì vậy, lòng tin của người dân Đức vào chính quyền Liên bang trở thành một thứ suy nghĩ rẻ tiền và ấu trĩ.

Những hậu quả tàn khốc về người và của do cuộc chiến tranh đẫm máu gây ra vẫn còn đó, chưa được giải quyết. Những vết thương chưa lành, nỗi kinh hoàng chưa xóa sạch, những quân nhân Đức từng kề vai sát cánh bên nhau trên chiến trường nay phải đứng trước tình cảnh chĩa súng vào đồng đội từ áp lực của chính quyền bang. Đó nhất định là sự đau đớn cào xé, làm cho quân đội -những người sống cả cuộc đời vì Đức quốc mất hết niềm tin và lý tưởng. Họ cảm thấy tuyệt vọng vì xương máu của mình bỏ ra chỉ đổi lại là sự thất bại ê chề, không có ngày vinh quang. Nước Đức đã lụn bại càng lụn bại hơn.

Sự pha trộn giữa rất nhiều chủng dân, người Séc, Bỉ, Do thái…trong dân chúng Đức cũng là một vấn đề nhức nhối tại thời điểm đó. Nó làm cho người Đức không biết phải định hướng thế nào về chủng tộc của mình và phát triển vì điều gì?.

Tất cả những điều đó cho chúng ta dể dàng nhận thấy nước Đức đang đi vào vũng lẫy mà không bằng cách nào có thể thoát ra được.Trong sự chán nản cực độ, người dân thầm khao khát được đứng lên thể hiện ý chí của mình. Họ cảm thấy mình cần làm điều gì đó, cần cho tất cả các nước trên Thế giới biết được vị trí thực sự mà họ đáng được hưởng, một vị thế đúng với tầm vóc của quốc gia họ. Không một người dân Đức nào còn muốn sống trong sự thất bại thấp hèn, họ muốn vươn lên thật nhanh, mạnh mẽ như vũ bão nhưng làm sao thực hiện được điều đó khi những nhà lãnh đạo chính trị đều làm ngơ hoặc không có năng lực để đưa đất nước đứng lên từ đám tro tàn của chiến tranh.

Năm 1919, Đảng Lao động Đức ra đời tại Munich, những thành viên ban đầu vỏn vẹn chỉ có 13 người, trong đó có Adolf Hitller. Với khoảng ngân sách ít ỏi, lại không có nhiều danh tiếng trong diễn đàn chính trị Đức,về sau đảng này đổi tên thành Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa quốc gia Đức và chỉ một khoảng thời gian ngắn Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức với sự lãnh đạo của Adolf Hitler, đã nhanh chóng thay đổi diện mạo của mình ngoài cả mong đợi. Sự ra đời của Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức đáp ứng được khát vọng, mong mỏi của đại đa số dân nghèo và giới công nhân Đức.

Năm 1923, cũng tại Munich đã nổ ra cuộc chính biến ở cửa hàng bia do đảng Quốc xã thực hiện – có thể nói đây là bước ngoặt lịch sữ của nước Đức, từ một chính trị gia vô danh Adolf đã trở thành ngôi sao trên chính trường Đức,tác giả của cuốn sách “Cuộc tranh đấu của tôi” đã đáp ứng được nguyện vọng và thao thức của đại đa số quần chúng. Hơn thế, ông đã cho người dân thấy rằng,ông có thể vạch ra cho dân tộc Đức một lối đi và có thể dẫn đắt họ thành công trên con đường đó-điều mà không một nhà chính trị đương thời nào làm được. Với tinh thần quốc gia cực đoan, Adolf đã dành được sự ủng hộ tuyệt đối của dân Đức và quân đội. Hitler vói chủ trương một nước Đại Đức, những chính sách tàn bạo không bị loại trừ, chủ nghĩa phát xít hình thành với cấu trúc vững chắc, một guồng máy hoạt động hiệu năng.

Trong thời gian ở vào vị trí lãnh đạo quốc gia,Hitler cùng với người dân Đức đã đưa nước Đức từ một đất nước nghèo đói trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự. Điều mà cả thế giới nhìn nhận là một phép lạ. Tại sao họ có thể làm được điều đó? Điều mà không một quốc gia nào cùng thời làm được?…Đó là nhờ Ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc

Những năm chế độ Mạc phủ đặt sự thống trị của mình lên đất nước Mặt trời mọc, quyền lực của Thiên hoàng ngày càng bị hạn chế và xói mòn. Togukara chủ trương chính sách bế môn tỏa cảng đối với thế giới, ông đưa nước Nhật phát triển và thăng tiến trên con đường nghệ thuật bằng cách trùng tu xây dựng văn hóa. Những định hướng sai lệch của giới cầm quyền làm cho nước Nhật bị cô lập với Thế giới văn minh.

Thời điểm này,Thế giới đang trong giai đoạn giành giật gay gắt, sức mạnh võ lực là yếu tố tiên quyết để đạt được chiến thắng và chinh phục các quốc gia nhỏ. Các nước Phương Tây đang mở rộng chiến lược áp đặt lên các xứ sở lạc hậu bằng nhiều phương tiện khác nhau. Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan đang chĩa mũi tên tấn công vào các quốc gia Á Châu để thực hiện ý đồ xâm chiếm, cướp bóc. Trước sự khác biệt quá xa về công nghệ quân sự, nước Nhật rơi vào thế bị động. Chính quyền Mạc phủ nhu nhược đã chấp nhận giải pháp hòa hoãn ký kết với phương Tây những hiệp ước bất bình đẳng mà quan trọng nhất là hiệp ước Kanagawa. Người Nhật nhận thấy tương lai của quốc gia- dân tộc đang rơi vào thế bế tắc khốn cùng.

Năm 1867 Minh Trị Thiên hoàng chấp chính, ông cùng với các lãnh chúa và giai cấp tư sản trong nước tiến hành cải cách, đưa đất nước theo đường lối cách tân toàn diện cả về kinh tế, quân sự và Văn hóa. Các nhà tư tưởng lúc bấy giờ muốn người dân mình “nếm mùi” Văn hóa phương Tây, Shokaku là nhà tư tưởng nổi bật, đã có công đưa dân chúng Nhật Bản tiếp cận và bước đi vững chắc trên con đường cải cách, thực hiện phát triển quốc gia theo mô hình kinh tế tư bản kiểu phương Tây với mong ước đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Năm 1889, Đại Nhật Bản Đế Quốc Hiến pháp được ban hành, kinh tế Nhật bản đang từng bước phục hồi và thăng hoa, các công ty tư bản xuất hiện với thành tựu vượt bậc mà đáng kể nhất là những Đại công ty như: Mitsui, Mitsubishi, sumitomo… Đời sống người dân cũng được nâng cao hơn trước rất nhiều, cơ sở hạ tầng được củng cố và xây dựng.

Nền kinh tế phát triển tất yếu dẫn đến nền quân sự hiện đại, xứ Phù Tang mà phương Tây từng thèm thuồng bây giờ đã thay đổi diện mạo, từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu, dễ bị thôn tính, bỗng chốc nó vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế- quân sự đủ khả năng cạnh tranh với các nước kể cả những nước đã có nền công nghiệp lâu đời nhất trên Thế giới. Nhu cầu bảo vê quốc gia hiện tại không còn là điều được đặt ra nữa, đứng trước Thế giới đang tranh đoạt, Đế quốc Nhật Bản cũng muốn nhảy vào xâu xé tranh quyền đoạt lợi. Trước tình thế đó, lãnh tụ Đảng Hoạt động từ thiện Đế quốc Arashika Sudao trở thành lãnh tụ cực hữu Đảng quân phiệt Nhật…Với tinh thần quốc gia cực đoan, ông muốn đưa nước Nhật trở thành một Đế quốc ngang hàng với phương Tây, thực hiện chính sách xâm lược thuộc địa, vơ vét của cải vật chất từ các quốc gia nhỏ yếu phục vụ người Nhật, đánh đuổi ảnh hưởng phương Tây ra khỏi khu vực Á châu, lập nên một vành đai quân sự vững chắc nhằm bảo vệ nước Nhật phát triển trong an ninh. Ông đưa ra thuyết Cổ học Nhật Bản, tập trung toàn bộ tinh hoa văn hóa và tinh thần của người Nhật cộng hưởng với chủ thuyết phát xít đang nổi lên như một mô hình lý tưởng nhất tại Âu Châu.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa quốc gia đang được các nhà lãnh đạo tôn vinh, khuếch đại nhằm định hướng người dân nước họ với mục tiêu chấn quốc và tạo ra một chủng tộc ưu việt để chinh phục và chiến thắng các dân tộc khác. Học thuyết Kodoha được tạo ra với chủ trương gắn liền Thiên Hoàng, Người Nhật, Đất Nhật, Tinh thần Nhật làm một khối không thể tách rời. Ý thức Quân Quốc đang ở trạng thái cực thịnh, người lính Nhật trước khi ra trận luôn đặt tay lên ngực hồi tưởng về hình ảnh quốc gia, coi sự hy sinh của họ như là động lực đấy đất nước đến ngôi vị thống trị. Khi lâm trận những nhà lãnh đạo quân sự luôn động viên binh sĩ bằng những lời lẽ khích lệ đầy tự hào về hình ảnh của một Đại Nhật Bản thống trị khu vực châu Á-Thái bình dương. Tinh thần võ sĩ đạo được đem ra khai dụng tối đa-đây cũng là lý do nhằm giải thích cho chiến thắng thần kỳ của quân đội Nhật Bản tại Trân Châu cảng.

Đế quốc Nhật giờ đây là một con hổ của Châu Á,họ đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến Nga –Nhật và từng bước thôn tính Cao ly, và vùng Đông bắc Trung Hoa, rồi các quốc gia như: Malaisia, Miến Điện, Đông Ấn, Mông Cổ, Phillipines và Việt nam… lần lượt bị quân đội Nhật chiếm đóng. Úc là một miếng mồi ngon mà Nhật đang hướng tới, ngày 19/2/1942 không quân Nhật Bản oanh tạc thành phố Dorwin. Tại các quốc gia thuộc địa, phát xít Nhật áp đặt chính sách cai trị tàn khốc, nhưng thời điểm đó, luật và công lý thuộc về kẻ mạnh, người chiến thắng có tất cả, kẻ chiến bại mất tất cả.

Câu hỏi được đặt ra: Điều gì khiến tất cả các quốc gia châu Á kể cả một dân tộc lớn như Trung Hoa đều bị các nước Tây phương thôn tính chinh phục mà nước Nhật (một quốc gia nhỏ hơn về diện tích, ít hơn về dân số, nghèo tài nguyên thiên nhiên) vẫn phát triển không ngừng và tránh được thảm họa đó? Điều gì khiến cuộc Canh tân thành công tại Nhật mà các nước khác không thể làm được? Điều gì khiến Nhật Bản trở thành một Đế quốc trong khu vực?.

Đó là nhờ ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc.

Rồi sau Thế chiến 2, từ một nước bại trận và tan hoang Nhật Bản lại một lần nữa vươn lên thành một quốc gia hiện đại, giàu có bậc nhất thế giới một cách nhanh chóng?

Trận động đất vừa qua đã tàn phá nước Nhật nghiêm trọng,gây nên những tổn hại to lớn về người và của.Trong thời gian xãy ra thảm họa và sau đó,đã không có những vụ vi phạm luật pháp nghiêm trọng diễn ra, tình trạng mất an ninh và tội phạm được giảm thiểu tối đa. Người dân Nhật Bản bắt tay vào việc tái thiết lại đất nước – phục hồi sau thiên tai.Ban đầu luôn gặp khó khăn và trở ngại nhưng họ đã bình tĩnh để đối mặt với thực tế, giữ cho đất nước ổn định và tiếp tục phát triển…Họ biết rằng cả Thế giới đang nhìn vào nước Nhật, và một lần nữa,các dân tộc trên thế giới nhìn người Nhật với sự kính trọng và thán phục. Vì sao nước Nhật làm được điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được?

Có người cho rằng dân tộc Nhật làm được như vậy là vì nước Nhật có sự chuẩn bị. Lại có ý kiến khác cho là họ có dân trí cao và dân đức cao..

Tây Âu và Hoa Kỳ đều có trình độ dân trí cao, người dân được huấn luyện để đối phó với mọi tình hình khi có biến động, nhưng chưa hẳn làm được điều mà dân Nhật đã làm.

Nước Nhật phát triển như ngày hôm nay và tạo dựng được nền móng Dân chủ – Pháp trị là nhờ công lao của Hoa Kỳ, nhưng chính phủ Nhật,người Nhật chưa bao giờ quan tâm hay lên tiếng trong việc bảo vệ nhân quyền trên khắp Thế giới, họ đứng ngoài dửng dưng nhìn dân tộc khác bị kìm nén áp bức bởi các chế độ độc tài. Thử hỏi một dân tộc có lương tri và trách nhiệm, có dân đức cao, dân tâm cao có hành xử như thế không? Câu trả lời chắc chắn là không.

Người Nhật chỉ quan tâm đến đất nước và dân tộc của họ.

Câu trả lời chính xác nhất trong vấn đề này chính là: Chủ nghĩa Quốc gia và tinh thần Dân tộc của con người Nhật Bản đã làm nên những “kỳ tích” đó

Năm 1949, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiến thắng tại Hoa Lục, Mao Trạch Đông và Đảng CSTQ, với chính sách áp đặt chủ nghĩa CS, đấu tranh giai cấp lên đầu người dân làm cho đất nước Trung hoa bị cô lập với thế giới và “bình yên” như một bãi tha ma. Nơi đâu cũng nhắc đến Mao chủ tịch, nhắc đến lý tưởng Cộng sản, giai cấp Vô sản là giai cấp lãnh đạo, là nòng cốt trong việc phát triển quốc gia. Mao Trạch Đông và đảng CSTQ thực hiện quản lý đất nước với những chính sách duy ý chí nếu không muốn nói là ngu ngốc và điên rồ… có lẽ không cần giải thích, chúng ta cũng thấy được những hậu quả nghiêm trọng từ : Đại cách mạng văn hóa, Đại nhảy vọt,…từ cách quản lý sai lầm đã đưa nền kinh tế quốc dân đến đại thảm họa và nền tri thức Trung Hoa được cổ nhân dày công xây dựng từ bao nhiêu thế kỷ trong phút chốc bị đem ra chế nhạo và phá hủy, tác động sâu sắc và lâu dài đến mọi mặt xã hội. Có thể nói chủ thuyết cộng sản gắn liền với giết chóc và phá hoại.Trung Hoa lúc đó với dân số gần 500 triệu dân, với nền chính trị chuyên chế, nền kinh tế khánh kiệt đã trở thành trò cười cho cả Thế giới. Thiên hạ nhìn vào Đất nước Trung Hoa lúc đó như một con Rồng điên, què quặt bệnh tật, hoàn toàn không có gì đáng lo ngại.

Năm 1978 Đặng Tiểu Bình quay trở lai chính trường và nắm quyền lãnh đạo Hoa Lục,ông đưa đất nước phát triển theo chiều hướng mới. Với châm ngôn: “mèo đen mèo trắng,mèo nào bắt chuột được thì nuôi”,Họ Đặng tung ra chương trinh “4 hiện đại hóa” đưa kinh tế Trung Quốc phát triển theo mô hình kinh tế Tư bản Phương Tây. Với định hướng đó, nền kinh tế Trung Hoa thay đổi từng ngày và có chiều hướng khởi sắc. Người ta nói: “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, “có thực mới vực được đạo”, khi kinh tế phát triển,đời sống nhân dân được cãi thiện thì tinh thần dân tộc mới được đặt ra. Với dân tộc tính của người Trung Hoa, với tinh thần Đại Hán, từ lâu họ đã muốn xây dựng một Đế chế hùng mạnh, người Trung hoa ví Thế giới như một bông hoa và họ là trung tâm.Họ muốn Trung quốc sẽ là Trung tâm quyền lực, lãnh đạo Thế giới, người Hán sẽ là dân tộc thống trị các dân tộc khác, họ luôn muốn rằng mình cao quý nhất, danh giá nhất, giàu có nhất, ưu việt nhất. Vị trí thống soái mới thực sự xứng đáng với tầm vóc của quốc gia này…với Dân tộc tính như thế, đường lối phát triển kinh tế như thế…Trung Quốc trong thời gian qua (sau cãi cách) chỉ có ba thập niên họ đã bắt kịp đà phát triển của Châu Âu, đuổi kịp Nhật Bản, là đối thủ cạnh tranh kinh tế với Hoa Kỳ, họ đạt được những thành tựu về kinh tế và quân sự khiến cả Thế giới phải kính nể và lo lắng.

Trung Cộng một quốc gia theo đuổi tinh thần dân tộc giả hiệu,dùng tinh thần Đại Hán để mị dân,cái mà họ chủ trương theo đuổi không phải là tinh thần dân tộc hay quốc gia gì hết mà là tinh thần đảng phái – ấu trĩ và cực đoan.Thế nhưng,chỉ với sự giả hiệu đó mà họ đã đạt được sự phát triển tột bực như vậy, vị thế của dân tộc Hán chưa bao giờ được đánh giá cao như hiện nay. Nhưng thế vẫn chưa đủ họ vẫn chưa hài lòng với thành quả hiện có. Chủ nghĩa quốc gia và Tinh thần dân tộc cực đoan đang được những nhà lãnh đạo chính trị lợi dụng và khai thác bởi họ nhận thức được rằng: Chủ nghĩa quốc gia và Tinh thần Dân tộc là yếu tố cực kỳ quan trọng cho công cuộc bành trướng của Hán tộc trong tương lai như nước Nhật,nước Đức đã làm trước đây.

Nhìn về Việt Nam, sau khi CSVN chiếm được quyền lực trên cả nước, Đảng CSVN từng bước tiêu diệt tinh thần dân tộc, bằng cách bắt nhân dân VN thờ phụng những chủ thuyết ngoại lai,đem chủ nghĩa quốc tế vô sản thay thế cho chủ nghĩa quốc gia, tinh thần giai cấp thay thế cho tinh thần dân tộc đã làm cho Việt Nam sau nhiều thập niên không ngóc đầu lên được. Kinh tế đình đốn, văn hóa suy đồi, quân sự yếu kém.

Tôi nhắc đến những sự kiện trên không phải đề cao hay cổ động cho Chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa Đại Hán. Điều mà tôi khao khát, ước vọng là để đánh thức và khôi phục lại tinh thần Quốc gia Dân tộc của Đại Việt sau thời gian dài bị lãng quên, mai một (và cũng có thể là sự coi thường), và tôi muốn người dân Việt Nam cần nhận thức điều này một cách đúng mức.

Dân tộc Việt Nam là một chủng dân thông minh, chúng ta có một lịch sử văn hóa lâu đời và vẽ vang bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Dân tộc ta đã sản sinh ra những con người xuất chúng như vua Quang Trung,Lê Quý Đôn, Mạc Đỉnh Chi.. Là người Việt Nam chúng ta cảm thấy vinh hạnh vì điều đó. Đất nước VN có đầy đủ các yếu tố để trở thành một cường quốc trên thế giới.

Nhưng hiện nay chúng ta là quốc gia nhược tiểu,nghèo nàn,người dân chúng ta bị khinh miệt khi đi ra hải ngoại,một phần đất nước chúng ta bị Hán tộc xâm chiếm, tiếng nói của đất nước chúng ta trên vũ đài quốc tế không có trọng lượng. Vì sao như vậy ? Vì chúng ta đánh mất tinh thần tự hào dân tộc, đánh mất ý thức quốc gia, hai yếu tố căn bản, quyết định để tạo nên trách nhiệm công dân Phục hưng tinh thần dân tộc và ý thức quốc gia là giải pháp để tiến đến chế độ Dân chủ,vì tự do –dân chủ luôn là sự lựa chọn của những dân tộc hùng mạnh trong thời đại ngày nay.

Đây cũng chính là con đường cứu nước vì đất nước chúng ta ở cạnh dân tộc khổng lồ Đại Hán vô cùng thâm lam tàn bạo luôn luôn nuôi mộng thôn tính chúng ta, trong một thế giới cạnh tranh để sinh tồn thì Công lý không dành cho kẻ yếu!

Tương lai đất nước đang nằm trong tay chúng ta nhất là những người trẻ. Hãy đứng lên vì quốc gia Đại Việt.

© Huỳnh Trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment