Sunday, April 17, 2011

Nhà nước ta, cái gì cũng sợ!

Cánh Cò – Tôi có một chị bạn tuy hơi bộc tuệch nhưng lắm khi hỏi những câu hỏi rất… góc cạnh và nói theo ngôn ngữ thời thượng thì rất “nhạy cảm”. Chị hỏi: sao nhà nước ta cái gì cũng… sợ hết vậy? Ui chao nghe như điện giật!

Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu nhưng không biết trả lời sao cho chị ..đừng hỏi tiếp, thế là đánh trống lảng cho xong.

Vậy mà tối nằm không ngủ được. Ừ nhỉ, sao mà đúng! Bắt đầu từ nơi tôi làm việc. Môi trường giáo dục lẽ ra đâu có gì phải sợ khi mà mọi người cùng hiệp lực để vun trồng những con người cho mai sau. Vậy mà ông thủ trưởng của tôi, tức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo lại sợ. Tuyên bố trước Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân khi ấy chưa mang thêm lon Phó thủ tướng đã ngập ngừng một cách đáng xấu hổ nói rằng nếu dẹp bỏ đại học tại chức là đập nồi cơm của các trường đại học!

Chao ơi, ông ấy lộ cái sợ một cách công khai. Một bộ trưởng Giáo dục lại tuyên bố như một anh thợ mộc thì làm sao các em học sinh do tôi hướng dẫn có thể ngẩng cao đầu trả lời trước các câu hỏi của cuộc đời trong tương lai?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng lây nỗi sợ!

Tôi nghe rất nhiều lần mỗi khi Trung Quốc lấn chiếm hay bắt giữ ngư dân thì y như rằng, bà Nguyễn Phương Nga lại mở chiếc máy thu băng cho… Trung Quốc nghe một bài thu trước, rất cũ và rất nhàm. Tại sao vậy? Bà Nga là người có học chắc chắn không thể không viết được một thông cáo báo chí có hồn để phản bác những sai trái của Bắc Kinh.

Không phải bà bất tài, nhưng ngặt nỗi Bộ Ngoại Giao, tức là thủ trưởng của bà lại…sợ. Họ sợ nói nặng, nói mạnh mẽ hay nói một cách thuyết phục thì mất lòng xếp lớn. Lớn hơn cả tổ quốc nữa chứ không chơi!

Nghĩ lại chuyện cũ hơn một chút thì thấy không những nhà nước ta sợ những gì cụ thể mà họ lại còn sợ những chuyện rất hoang đường. Khi nghe Nguyễn Ngọc Tư bị mấy ông trong hội Văn Học Nghệ Thuật Cà Mau đấu tố, tôi tìm hiểu kỹ thì thấy họ bảo rằng Nguyễn Ngoc Tư viết cúm gia cầm làm cho người nông dân khốn khổ là sai quan điểm, là tuyên truyền khiến cho việc chống cúm gia cầm khó khăn hơn!
Ui chao, họ sợ Nguyễn Ngọc Tư làm cho cúm gia cầm lan ra khắp đồng bằng sông Cửu!

Bộ Thương Mại cũng sợ!

Hôm qua khi ra ngoài mua sữa cho cháu, tôi phát hiện ra một cái quảng cáo rất giật gân của công ty sữa Cô gái Hà Lan. Hình chụp một bé gái dễ thương với câu slogan: Không những cao khỏe mà còn thông minh!
Cao khỏe thì đã đành, nhưng thông minh thì không thể!

Câu quảng cáo này rõ ràng vi phạm sự tín nhiệm trong quảng cáo nhưng Bộ Thương mại (hay bộ nào đó có trách nhiệm phê chuẩn) rõ ràng là tiếp tay cho nước ngoài quảng cáo xa sự thật về sản phẩm của mình để bán cho người tiêu thụ Việt.

Phải chăng họ sợ? Sợ mất lòng những công ty nước ngoài bất kể họ muốn quảng cáo thế nào cũng mặc?
Bộ 4 T, tức Bộ Thông tin Truyền thông cũng sợ!

Nắm trong tay 7.000 tờ báo lớn nhỏ nhưng xem ra bộ này không kiểm soát nỗi mấy anh nhà báo gan lì. Trong một văn bản giao ban mà công dân mạng ai cũng biết, mới đây bộ này đưa ra những chỉ dẫn cho các Tổng biên tập các báo phải thi hành những điều hết sức ngớ ngẩn nếu không muốn nói là thiếu hiểu biết. Chẳng qua là Bộ này sợ cánh nhà báo mượn gió bẻ măng khi mà hương hoa Nhài lan rộng mà nhà báo lại cứ tưng tưng như không phải chuyện của mình!

Mấy điều mà bộ 4 tê cấm gồm có: Không viết “Tiến sĩ” Cù Huy Hà Vũ mà viết là “ông”. Không đưa tin Libya, không viết về những tấm gương hy sinh tại Nhật Bản trong thiên tai động đất sóng thần gần đây.

Rõ ràng là họ sợ!

Sợ viết chữ Tiến sĩ thì sẽ nâng địa vị ông này lên, do đó khó mà nói rằng ông Tiến sĩ lấy luận án tại đại học Sorbonne lại là người nói vơ vào những chuyện không có cơ sở. Tuy nhiên mấy người ra thông báo quên rằng dù có nói hay không thì ông Cù Huy Hà Vũ vẫn là tiến sĩ!

Cái sợ thứ hai mới là điều đáng sĩ nhục! Sợ không nhắc tới lòng tự trọng và kiên nhẫn của dân tộc Nhật một cách công khai trên báo chí.

Người ra thông báo này đáng bị mang ra tòa vì tội phá hoại tình hữu nghị hai dân tộc Việt Nhật. ODA của dân Nhật đổ vào Việt Nam hàng tỷ đô la vẫn chưa làm cho quan chức Việt Nam yên tâm. Họ vẫn ngây ngấy sợ một điều gì đấy bâng quơ nhưng hiện hữu trong tư duy của một số người trong hệ thống cầm quyền. Nếu có ai đó dịch văn bản này ra tiếng Nhật và gửi thẳng cho Quốc hội Nhật Bản thì kết quả sẽ ra sao nhỉ?

Còn nhiều thứ sợ nữa, nhưng thứ mà nhà nước sợ nhất lại là Dân chủ!

Đọc trên mấy blog cá nhân hay multiply tôi cảm thấy như có điều gì đấy không ổn trong đời sống thường nhật. Nhà nước bắt giữ quá nhiều người mà tội danh của họ chỉ là kêu gọi thực thi dân chủ. Nhà nước cũng tuyên dương dân chủ như một thứ mà người dân được đương nhiên thụ hưởng dưới hiến pháp và pháp luật nhưng tại sao nhà nước ta lại sợ những …đồng minh dân chủ làm vậy?

Bắt giữ nhiều người đến nỗi không dám mang ra công khai xét xử trong những phiên tòa bình thường mà cứ núp lén như tòa án là …bị cáo không bằng. Tuyên án nhanh và bác bỏ mọi luận cứ luật sư bào chữa đưa ra là điều mà tòa án thường lập đi lập lại nhất.

Cho đến khi vụ án TS luật Cù Huy Hà Vũ được bóc trần trước công luận thì nỗi sợ của nhà nước ta trở thành ..nổi tiếng!

Giáo sư Ngô Bảo Châu viết bài trên blog của ông với một cái tựa hết sức “nhạy cảm”: Về sự sợ hãi! Lần này thì hết trốn! Ông giáo sư này là đối trọng kéo lòng tự trọng nay đã mòn mỏi của các bậc thức giả trở lại cân bằng. Ông không nói nhiều như những nhà báo quen nói lời có cánh, nhưng mỗi câu nói ngăn ngắn của ông lại mang một vấn nạn lớn lao của dân tộc ra đặt trước mặt các nhà trí thức buộc họ phải có thái độ sao cho đáng mặt kẻ sĩ.

Giáo sư Châu còn trẻ nhưng thâm trầm và sâu sắc lạ lùng. Tôi thấy ông không biết sợ là gì khi mà nhà nước ta trọng vọng ông hết mực, thiếu điều muốn lấy tên ông mà đặt tên đường!

Vậy mà ông đem cái sợ tiềm ẩn của nhà nước ta ra trước công luận để cho mọi người cùng biết. Không những vậy, Giáo sư Ngô Bảo Châu còn tuyên dương TS Cù Huy Hà Vũ như một anh hùng, trong khi nhà nước tuyên bố TS Vũ là một phạm nhân, Giáo sư Ngô Bảo Châu lại viết:

“Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.”

Những trang sách dài ngoằn nói về sự sợ hãi của nhà nước ta có lẽ đến đây nên chấm dứt là vừa, phải không, chị bạn bộc tuệch nhiều chuyện của tôi?

http://www.rfavietnam.com/node/552

No comments:

Post a Comment