Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam
và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu.
Các sếp trên chớ coi nhẹ vụ nầy. Xin tư vấn cho các bác miễn phí ngay từ bây giờ, bằng việc so sánh trường hợp Cù Huy Hà Vũ với Lưu Hiểu Ba.
1- Trung Quốc có tiếng nói rất mạnh, họ làm rất dữ, vậy mà Ủy ban Giải Nobel vẫn không buông tay. Nên với Việt Nam, rất khó ngăn được việc xét, trao giải.2- Hòa thượng Thích Quảng Độ đã từng được đề cử, xem xét, nên rõ ràng Việt Nam cũng đang nằm trong đích nhắm của Ủy ban này.
3- Việc trao giải cho Lưu Hiểu Ba là biểu hiện khá rõ xu hướng quan tâm hơn tới chuyện nhân quyền, tại các quốc gia cộng sản và tương tự.
4- Phạm vi những gì ông Vũ đề cập đến qua các việc làm của mình rộng hơn rất nhiều so với Lưu Hiểu Ba, từ văn hóa, luật pháp, môi trường, hòa giải dân tộc, công bằng xã hội, tự do tôn giáo, chủ quyền quốc gia, quan hệ quốc tế, cho tới thể chế chính trị.
5- Phiên tòa này mới chỉ là màn dạo đầu, sẽ còn nhiều màn gay cấn, thu hút công luận nữa trong thời gian tới, trong đó, tiếng nói và khả năng tác động ở hải ngoại là rất đáng kể.
6- Tuy nhiên, khó có khả năng 2 giải gần nhau quá lại tập trung vào một thể loại ứng viên. Nếu có xét, có thể sẽ ở các năm sau nữa, 2013, 2014 … (cũng là lúc ông TS Vũ đã có được thêm thử thách trước công luận, thêm tiếng tăm qua những hoạt động khác của ông ngay trong thời gian thọ án). Còn thời gian cho các sếp nhà ta toan tính.
Thêm lưu ý khác: một tổ chức ở hải ngoại bênh vực, vinh danh một ông con nhà nòi cộng sản. Chắc là khỏi phải nhắc nhở gì thêm, các cơ quan chức năng cũng hiểu chuyện gì đang diễn ra trong một đất nước có gần cả thế kỷ chia rẽ, giao tranh quốc-cộng rồi.
Qua phiên tòa ngày 04/04/2011 diễn ra tại pháp đình Hà Nội, và khi ông Nguyễn Hữu Chánh kết án Tsls Cù Huy Hà Vũ bằng sự vội vã, bất chấp luật lệ hiện hành (trên giấy tờ) đã nâng cao uy tín của của Tssl Vũ lên cao hơn trong dư luận quốc nội cũng như dư luận truyền thông quốc tế.
Thiết nghĩ trong trường hợp này, chúng ta cần phải quốc tế hóa cái bản án ngày 04/04/2011.
Qua 14 điểm được trình bày trong phần III những việc làm chấn động dư luận chỉ với một lý tưởng duy nhất đó là bảo vệ Sự Thật và Công Lý cũng như phục vụ cho hòa bình, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân tộc.
Do đó, Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam Và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu trang trọng đề nghị Tiến Sĩ Luật Sư Cù Huy Hà là ứng viên cho Giải Nobel Hòa Bình 2012.
Khi chọn Giải Nobel Hoà Bình 1993 Nelson Rolihlahla Mandala, để làm sự dẫn chứng trong bài là vì chúng tôi nhận thấy có điểm tương đồng giữa ông và Tsls Cù Huy Hà Vũ.
Đó là, khi Nelson Rolihlahla Mandala nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1993, khi ở cương vị tổng thống từ năm 1994, một trong những công việc ưu tiên cần giải quyết đó là thực hiện sự hóa giải hận thù, cũng như xung đột trong cộng đồng dân tộc Nam Phi.
Khi được biết Tsls Cù Huy Hà Vũ đã từng kêu gọi đảng Cộng sản Việt Nam hãy : ” thả hết các tù nhân chính trị và mọi quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa còn bị giam giữ, tổ chức truy điệu và ghi công các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với hải quân Tầu cộng”. Đó là một trong những lý do chính yếu khiến chúng tôi quyết định thực hiện online petition để kêu gọi cộng đồng người Việt khắp nơi ủng hộ tinh thần, đòi hỏi trả tự do cho ông cùng những tù nhân chính trị khác.
Đồng thời ông cũng là người trông rộng nhìn xa khi đề nghị Việt Nam cần liên minh quân sự với Hoa Kỳ là cấp thiết và quyết định để bảo vệ chủ quyền quốc gia và thu lại những phần giang sơn bị mất về tay Tầu như Hoàng Sa Trường Sa. Theo ông đây là một mệnh lệnh của thời đại.
Và đến phiên tòa vừa qua, ông đã thể hiện sự quả cảm để bảo vệ đến cùng lý tưởng của mình, trong sự quả cảm đó đã không thiếu đi tình cảm giữa người và người đặc biệt đối với gia đình khi ông nói : “Tôi là một con ngưòi bình thường, bằng xương bằng thịt, chứ không phải là sắt đá. tôi có một mái ấm gia đình, có những con người để chăm sóc, thương yêu chứ không phải để xa lìa. Nhưng tôi ngẩng cao đầu quyết giữ vững những quan điểm vì Nước, vì Dân ấy cho dù sự đàn áp, trả thù kia có khốc liệt đến đâu, để không hổ thẹn với truyền thống yêu nước của gia đình tôi…”.
Với những việc đã làm trong quá khứ, lý tưởng phục vụ tha nhân của ông, thiết nghĩ khi có điều kiện thực tế trong tay, Tsls Cù Huy Hà Vũ sẽ thực hiện được việc hóa giải sự hận thù, xung đột trong cộng đồng dân tộc Việt Nam do cuộc chiến 1954-1975 gây ra và để lại.
Petition:
Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu
Cù Huy Hà Vũ Nobel Hòa Bình 2012
I/ Dẫn Nhập
Phiên tòa xử án đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, tất cả các con đường đổ về đường Hai bà Trưng nơi tọa lạc của tòa án Hà Nội đều được cánh gác kỹ và phong tỏa lưu thông. Hàng trăm công an đủ loại được huy động, nổi, chìm, đủ thành phần để ngăn cản người dân đến ủng hộ cho Tiến sĩ luật sư (tsls) Cù Huy Hà Vũ nơi pháp đình.
Được biết, bên trong pháp đình, ông Nguyễn Hữu Chánh đã không thực hiện đúng bổn phận là một chánh án. Theo điều 214, vị chánh án phải công bố những chứng cứ mà các luật sư đòi hỏi. Thế nhưng, ông ta đã không thực hiện điều đó. Khởi sự ông chánh án này đã đuổi luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi phiên tòa, chỉ vì luật sư Hải đòi hỏi ông phải thực hiện điều 214. Tiếp theo đó, các vị luật sư khác là Hà Huy Sơn, Trần Đình Triển và Vương thị Thanh đều kiên quyết đòi hỏi ông Nguyễn Hữu Chánh thi hành nghiêm chỉnh điều 214 của luật Tố tụng Hình sự.
Lại một lần nữa, ông Chánh dứt khoát không thi hành bổn phận của một người cầm cân nẩy mực, do đó, các luật sư biện hộ đã rút lui ra khỏi phiên tòa. Chỉ còn lại một mình trong pháp đình, nhưng tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn bị trói tay, bịt miệng không tự biện hộ được. Sau khi nghe tòa tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản thúc, ông đã khẳng định : “Tổ quốc và nhân dân Việt Nam sẽ phá án cho tôi, công dân Cù Huy Hà Vũ”.
Lúc đó, bên ngoài pháp đình, Hàng ngàn người dân cũng như sinh viên các đại học đã tự động nghĩ học, từ khắp nơi đổ về bày tỏ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái với gia đình cũng như bản thân của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Sự kết án vội vã đó đã khiến các luật sư cùng gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phản đối bản cáo trạng và bỏ ra ngoài.
Một phiên toà bất công, đi ngược lại căn bản pháp lý Việt Nam (trên lý thuyết) cũng như luật pháp quốc tế đã quy án một người luôn bảo vệ cho công lý, hòa bình, cũng như dân quyền với tội danh là “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Một phiên tòa được quảng cáo là công khai, nhưng lại ngăn cản người dân đến tham dự. Cộng sản Việt Nam đã huy động tối đa lực lượng công an để ngăn chận, xua đuổi người dân đến gần khu vực tòa án. Chứng tỏ một điều chế độ này đã rất run sợ đám đông, cho dù đám đông đó tay không vũ khí. Và cũng chẳng làm gì cả. Họ chỉ đến làm chứng nhân lịch sử.
II/ Ghi Nhận Phản Ứng Trước Và Sau Vụ Xử:
Theo Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư (Wikipedia) Cù Huy Hà Vũ sinh ngày 2 tháng 12 năm 1957; nguyên quán xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một Tiến sĩ luật, thạc sĩ Văn chương, kiêm họa sĩ. Là con của nhà thơ Huy Cận, là cháu của nhà thơ Xuân Diệu.
a/ Dư luận quốc tế:
Ngay sau khi ông bị tuyên án tù, báo New York Times đã đăng bài viết liên quan đến phiên tòa đi ngược lại nền luật pháp quốc nội (trên giấy tờ), và quốc tế, đồng thời tựa bài ghi là Nhà Đối Lập Hàng Đầu Việt Nam Bị Kết Án Tù (Leading Vietnamese Dissident Sentenced to Prison).
Đài Quan sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) lên tiếng đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thả ông Cù Huy Hà Vũ. Ông Phil Robertson Phụ tá giám đốc tổ chức Mỹ theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, thẩm định vụ án Cù Huy Hà Vũ đã tạo nên «một phong trào quần chúng ủng hộ chưa từng thấy từ giới tín hữu Công giáo đến trí thức đại học ».
Hãng Thông Tấn AP (Assiociated Press) đã đi bài báo với tựa đề Vietnamese dissident lawyer gets 7 years in prison.
Ngay sau khi kết thúc phiên xử, ông Mark Toner, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố : « Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc kết án 7 năm tù giam đối với nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ về tội “tuyên truyền chống chính phủ”. Chúng tôi cũng lo ngại về việc phiên toà đã không được tiến hành đúng trình tự chuẩn mực, cũng như về việc tiếp tục giam giữ một số cá nhân đã tìm cách quan sát phiên toà một cách ôn hoà. »
Theo lời ông Mark Toner, việc kết án ông Cù Huy Hà Vũ « đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đặt ra những nghi vấn thực sự đối với các cam kết của Việt Nam trong việc thực thi nền pháp trị và tiến hành cải cách. Không cá nhân nào đáng bị bỏ tù vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận. ».
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Cù Huy Hà Vũ cùng tất cả các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam.
Báo Le Monde, ấn bản điện tử đề ngày 05/04/2011 ghi rõ, bản án 7 năm tù của tòa án Hà Nội đối với tiến sĩ, luật sư Cù Huy Hà Vũ, thực ra là sự trả thù của đương kim thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đối với cá nhân tsls Vũ. Vì tiến sĩ, luật sư Cù Huy Hà Vũ đã đệ đơn kiện lên quốc hội Việt Nam, vụ Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng nhận tiền hối lộ của Tầu 150 triệu đô la (Wikileaks còn tiết lột thêm còn có nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh được trả 300 triệu đô la) để cho họ vào Tây nguyên khai thác Bauxit mà không qua sự chấp thuận của quốc hội… báo Le Monde của Pháp còn đề cập đến một khối lượng lớn chưa từng thấy các nhà trí thức, những bloggeurs, phóng viên báo chí đã nhiệt tình tham gia ủng hộ, theo dõi phiên xử ông tại chỗ cũng như qua phương tiện hệ thống xa lộ thông tin toàn cầu.
B/ Dư luận quốc nội, hải ngoại của người Việt Nam:
Dư luận người Việt Nam ở trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng bênh vực, cũng như ủng hộ cho ông trong vụ án này. Các Giáo xứ Thái Hà, Hàm Long (theo lời kêu gọi của giáo dân Cồn Dầu) thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đã làm lễ cầu nguyện bình an cho ông và gia đình. Điều hết sức cảm động là hàng ngàn giáo dân đã tụ về dâng lễ cầu nguyện làm rực sáng niềm tin cho Sự Thật và Công Lý.
Thỉnh Nguyện Thư yêu cầu giải oan và trả tự do cho Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ (4 đợt) gom góp được 186 chữ ký. Trong đó một số cựu tướng lãnh cũng như sĩ quan quân đội cộng sản Việt Nam cũng đã ký đơn thỉnh nguyện.
Ngoài ra còn có Thư hiệp thông của Giáo hội Mennonite Việt Nam, mưu cầu tự do cho Luật Sư Cù Huy Hà Vũ; Thơ Cầu Cứu Và Kêu Gọi Của Hòa thượng Thích Không Tánh (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất); Lời Kêu Gọi Của Cụ Lê Quang Liêm (Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy) về vụ án Cù Huy Hà Vũ; Tuyên bố của Khối 8406 nhân phiên tòa xử án Luật sư Cù Huy Hà Vũ ngày 04-04-2011; Petition online Tự Do Cho Cù Huy Hà Vũ tự do cho của Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu chủ trương, gom góp được 92 chữ ký và 255 like; Đảng Tự Do-Dân Chủ Việt Nam đã gởi thư ủng hộ tinh thần cho gia đình của Tiến sĩ, luật Sư Cù Huy Hà Vũ, cũng như cầu chúc cho bản thân ông luôn khỏe mạnh và vững niềm tin vào tương lai của đất nước. Đồng thời đảng Tự Do-Dân Chủ còn gởi tâm thư đến bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, trong thư có đoạn viết: “vụ xử án tiến sĩ, luật sư Cù Huy Hà Vũ đã huy động toàn thể lực lượng quân đội công an sẳn sàng ứng chiến, chứng tỏ một điều, đảng Cộng sản Việt Nam đang suy vong không thể nào cứu vãn được”. Và đảng này kết luận: “Sự thật-Công lý như ánh sáng tự nó mở đường”.
Những thành viên Việt Nam (mà chúng tôi có dịp tiếp xúc) trong Facebook đều ủng hộ lập trường của Cù Huy Hà Vũ, cũng như bày tỏ tinh thần đoàn kết, chia xẻ khó khăn với ông, mọi người đã tổ chức một đêm không ngủ đoàn kết dưới hình thức Xuống Đường Trên Mạng đêm 3 rạng sáng 4 tháng 4 năm 2011.
Sở dĩ TSLS Cù Huy Hà Vũ có được những cảm tình nêu trên là do ông đã liên tục thể hiện một cách rõ rệt nhất lập trường, quan điểm và đường lối đấu tranh quyết liệt của Ông từ năm 2006 bằng các hình thức ôn hoà, phù hợp với luật lệ Việt Nam (trên giấy tờ).
Ông đã gieo nhân tốt, cho dù hiện tại có gặp gian nan, nhưng dư luận quốc nội cũng như quốc tế đã và đang hướng về ông, ủng hộ ông và gia đình.
III/ Những Việc Làm Chấn Động Dư Luận:
1/ Vụ kiện Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế
Năm 2005, Cù Huy Hà Vũ khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng dự án khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh, một dự án được dư luận, báo chí quan tâm và phản đối, nhưng những người cầm đầu tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm “mặc kệ báo chí nói, dự án Vọng Cảnh cũng phải “nghiến răng” mà làm”.
Theo ông Vũ, đồi Vọng Cảnh là di tích văn hóa bất khả xâm phạm, đã được xếp vào danh sách các danh lam thắng cảnh và di tích cần bảo vệ. Vì thế ông cho rằng việc cho phép triển khai dự án xây dựng khu lịch ở đây là hủy hoại thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú này. Do vậy, dù không có quyền lợi và trách nhiệm liên quan nhưng ông vẫn quyết định đứng đơn khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để bảo vệ di sản văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Kết quả Tsls Cù Huy Hà Vũ đã thắng kiện nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế và dự án này bị đình chỉ.
2/ Kiện tập nhạc Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh
Năm 2006, ông kiện tập nhạc Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh vì cho rằng việc đặt tên và lời tiếng Việt cho các tác phẩm của các tác giả nhạc cổ điển trong album này đã “vi phạm quyền nhân thân” của họ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Công an Nhân dân, ông cho rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ, nhạc có hai loại: nhạc có lời và nhạc không lời. “Nhạc người ta đang không lời, mình cải biên thành có lời là không được”, và nhạc của Mozart “là đỉnh cao của âm nhạc. Người ta đang ở “cao”, mình kéo xuống “bình dân” là phá hoại văn hóa”. Ông cho biết thêm cách làm của ông nặng về luật hơn là cảm tính và nói đùa rằng ông kiện ca sĩ trong nước vi phạm bản quyền nhạc nước ngoài là nhằm sau này “bảo vệ các nhạc sĩ trong nước nếu họ bị vi phạm bản quyền ở nước ngoài”.
Tháng 4 năm 2007, Cục Bản quyền Tác giả Văn học – Nghệ thuật sau đó đã có công văn cho rằng việc đặt tên và lời của nhạc sĩ Dương Thụ là không vi phạm tác quyền khi những tác phẩm này đã hết thời hạn bảo hộ và việc làm này được xem là “sáng tạo tác phẩm phái sinh”, tức sử dụng các trích đoạn trong tác phẩm cũ để tạo ra tác phẩm mới.
3/ Tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin
Năm 2006, ông đã nộp đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra ở Việt Nam, bởi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không phải là đảng viên Cộng sản Việt Nam. Trong “chương trình hành động”, ông Vũ đưa ra 3 vấn đề, trước nhất là giải quyết nạn vi phạm bản quyền, thứ hai là tệ nạn núp bóng hoạt động văn hóa và kiểm soát năng lực cán bộ ở các cấp, thứ ba là chấn hưng văn hóa dân tộc cũng như hội nhập văn hóa thế giới. Ông Vũ cho biết, việc tự ứng cử này là đúng luật: “Điều 53 Hiến pháp quy định, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội… do đó tôi thấy mình hoàn toàn có quyền ứng cử vào vị trí bộ trưởng”.
Trong khi đó, đại diện của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam khẳng định việc tự ứng cử vào cơ quan hành pháp không có trong luật: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình nói rằng “không có quy định nào về việc công dân ứng cử vào cơ quan hành pháp”; còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu khẳng định chỉ có Thủ tướng mới có quyền chỉ định các thành viên nội các để Quốc hội duyệt.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Cù Huy Hà Vũ cho rằng chẳng có lý do gì mà việc ứng cử của ông không thành công. Theo lời ông: “có chăng là không khí dân chủ như thế còn quá ít ở Việt Nam và người dân cũng như các quan chức dễ bị “sốc”. Không trúng cử lần này, năm sau tôi lại tự ứng cử tiếp. Tôi tin việc mình làm là có lý. Và tôi sẽ không lùi bước.”
4/ Tranh cử Đại biểu Quốc hội
Năm 2007, Tsls Cù Huy Hà Vũ đã từng tranh cử Đại biểu Quốc hội với tư cách “ứng viên độc lập”, nhưng bị loại ngay từ vòng “lấy ý kiến cử tri của tổ dân phố”. Về việc này tác giả Xuân Bằng của Báo Quân Đội Nhân Dân có viết: “Vũ lại ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng lại bất thành, vì ngay ở tổ dân phố nơi Vũ sống, không ai đồng ý. Quẫn bách, Vũ cuồng say chống phá Đảng và Nhà nước ta.” (sic)
Trong khi đó, ông nói với đài VOA rằng: “Trong kỳ bầu cử Quốc Hội năm 2007, Mặt trận Tổ quốc phường Điện Biên lại đạp lên Luật, triệu tập cử tri của 4 tổ dân phố thay vì của 1 tổ dân phố nơi tôi có hộ khẩu thường trú, tức vượt khung “hai đánh một chẳng chột thì què”, để lấy ý kiến về tôi với tư cách ứng viên Đại biểu Quốc Hội. Kết quả là ứng viên Cù Huy Hà Vũ chỉ được tín nhiệm của 1/3 cử tri của 4 tổ dân phố và thế là bị loại một cách cực kỳ “dân chủ”!”… “‘Đó chưa kể những lời vu cáo của những người tôi chưa từng nghe tên, thấy mặt, nhẹ nhất cũng là “ứng viên không gương mẫu vì chẳng thấy ứng viên tham gia quét rác đường phố”, giọng thì hồng hộc, hậm hực, hổn hển, ngất lên, ngất xuống, như thể tôi là kẻ thù của “giai cấp”, kẻ thù của “cách mạng” trong các cuộc đấu tố địa chủ thời kỳ cải cách ruộng đất những năm 1950 của thế kỷ trước cũng vẫn do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức”.
5/ Kiện Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng cộng sản Việt Nam
Ngày 11 tháng 6 năm 2009 ông gửi đơn kiện Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxit ở Tây nguyên Việt Nam, một dự án được khá nhiều người, đặc biệt là tầng lớp trí thức quan tâm. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho rằng khi ra quyết định phê duyệt dự án này mà không thông qua Quốc hội, ông Dũng đã vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa, luật quốc phòng, và luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì việc các công ty Trung Quốc khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên chỉ là “trá hình” cho việc Trung Quốc xâm lược cả “mềm” lẫn “cứng” lãnh thổ của Việt Nam.
Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã trả lại đơn kiện với lý do “tòa án không có căn cứ pháp lý để thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện này”. Về việc bị Tòa án Nhân dân Hà Nội trả lại đơn khởi kiện cùng các tài liệu đi kèm vì “theo quy định Tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện hành chính liên quan cấp bộ trở xuống”, ông Cù Huy Hà Vũ nói ông thấy có thể chấp nhận lý do từ chối thụ lý đơn khởi kiện của Tòa Hà Nội, tuy nhiên đáng ra “Tòa án TP Hà Nội phải có trách nhiệm xác định tòa án nào có thẩm quyền thụ lý đơn kiện Thủ tướng, từ đó hướng dẫn tôi gửi đơn tới nơi đó, hoặc gửi đơn của tôi tới đó. Thế nhưng họ đã không làm việc này.” Ông cũng khẳng định rằng ông sẽ đi đến cùng trong việc khởi kiện Thủ tướng.
Cù Huy Hà Vũ cho rằng “nguyên tắc của pháp luật là ai có hành vi trái pháp luật thì sẽ là đối tượng có thể bị khởi kiện”, và “Hiến pháp Việt Nam đã quy định rằng tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thì không thể nói ông cấp này thì bị kiện, cấp khác không thể bị kiện.”
Trong một bài trả lời phỏng vấn của đài RFA, Cù Huy Hà Vũ cho rằng “lãnh đạo chắc chắn cũng phải cân nhắc để cho cái toà vẫn thuộc sự chi phối của họ có nên thụ lý hay không thụ lý đối với đơn khởi kiện của tôi”, và “cái chuyện người ta đưa ra những lý do để từ chối việc này việc kia, thậm chí người ta bất chấp, thì tôi đã quen rồi, và đó là thực trạng ở Việt Nam: người ta nói một đàng làm một nẻo, người ta đưa ra những luật nhưng người ta lại bất chấp luật pháp (do chính họ đưa ra) thì cái Tòa án Việt Nam cũng bất chấp luật pháp rất nhiều.” Nhưng ông tin rằng “sự thật vẫn là sự thật” và ông sẽ “tiếp tục có đầy đủ những cơ sở pháp luật để hóa giải dần những lý do họ đưa ra”.
Ngày 14 tháng 9 năm 2010, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ lại một lần nữa có đơn kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về hành vi “ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với Hiến pháp và pháp luật”.
6/ Gửi đơn tố cáo phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều
Ngày 27 tháng 5 năm 2010, ông đã gửi đơn tố cáo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh Trung tướng Vũ Hải Triều về tuyên bố của ông Vũ Hải Triều đã đánh sập 300 trang mạng. Đơn tố cáo của ông đã gặp nhiều phản ứng của một số trí thức, trong đó một nghiên cứu sinh ngành Toán Học tại Đại học California tại Berkeley, Hoa Kỳ, quản trị diễn đàn Tiến Sĩ Việt PhDvn.org, nick Whitebear đã chỉ ra có nhiều sai sót và sơ hở về mặt kiến thức luật pháp. Tuy nhiên, trong bức thư hồi âm, ông Vũ cũng chỉ ra một số “nhầm lẫn” của tác giả Whitebear.
7/ Yêu cầu sửa đổi Hiến pháp
Vào ngày 19 tháng 6 năm 2010, trong bài phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA do phóng viên Huy Phương thực hiện, Cù Huy Hà Vũ đã nêu ra yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (mới được thêm vào năm 1992), và bổ túc một số điều đáng chú ý như sau:
a/ “Nguyên nhân của quái trạng pháp luật ở Việt Nam chính là sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản được Hiến pháp ghi ở Điều 4.”
b/ “Tòa án không dám xử quan chức chính quyền, Quốc hội không dám giải tán chính phủ tham nhũng và yếu kém là vì cả Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp chỉ là công cụ cai trị của Đảng cộng sản chứ không phải là công cụ quản lý quốc gia, quản lý xã hội của nhân dân.”
c/ “Với truyền thống mỵ dân bằng ngôn từ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản đã sáng tác ra một công thức gồm ba vế hòng thay thế “Tam quyền phân lập”: đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.”
d/ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thực chất là “Đảng lãnh đạo, Đảng quản lý, Đảng làm chủ”. Vậy nói thể chế chính trị ở Việt Nam không phải là chế độ dân chủ mà là chế độ toàn trị bởi Đảng cộng sản là tuyệt đối chính xác!”
e/ “Quốc Hội Việt Nam gọi là do dân bầu nhưng thực tế là do Đảng cộng sản chọn sẵn. Thực vậy, tuyệt đại đa số những người tự ứng cử, tức không do đảng chọn, đều bị ban tổ chức bầu cử loại bỏ ngay từ vòng ngoài bằng những thủ đoạn có thể nói vô liêm sỉ nhất.”
f/ “Không có Đảng cộng sản Việt Nam thì Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam như lịch sử đã minh chứng trong suốt hai nghìn năm qua… Chắc chắn, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ không phải là Tổng bí thư hay ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khi tiến hành thành công các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược phong kiến Trung Hoa để giành Độc lập dân tộc hay để thống nhất đất nước.”
g/ “Ở Việt Nam sau năm 1975, Đảng cộng sản đã thực hiện “chủ nghĩa xã hội trại lính” với kết quả là ăn mày đầy đường…”
h/ “Quy chế “lãnh đạo suốt đời” của Đảng cộng sản Việt Nam được cụ thể hoá bằng Điều 4 Hiến pháp là nhằm bảo đảm cho ban lãnh đạo đảng không bị thách thức trong việc bỏ túi tài sản quốc gia.”
i/ Về việc Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có nói đại ý là “Bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát”:
“Vấn đề là ai “tự sát” trong phát biểu này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, là dân tộc Việt Nam hay Đảng Cộng sản Việt Nam? Nếu đó là “dân tộc Việt Nam” thì phát biểu này là hoàn toàn ngô nghê, ngớ ngẩn vì dân tộc Việt Nam tồn tại từ 4000 năm nay trong khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam mới tồn tại non hai thập kỷ nay, từ 1992.”
“Vậy chỉ còn khả năng chủ thể của “tự sát” trong phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tuy nhiên trong một chế độ dân chủ ai mà nói đảng cầm quyền rời bỏ vị trí đang nắm giữ là “tự sát” ắt bị trẻ nó cười vào lỗ mũi. Thế nên một âm hưởng “sợ chết” đến như vậy chỉ có thể toát ra từ những bạo chúa, từ những kẻ cầm quyền phạm tội ác chống lại chính dân tộc, chống lại chính nhân dân mình! Vậy phải chăng Đảng cộng sản Việt Nam hay chính xác hơn, ban lãnh đạo đảng thuộc trường hợp này?” (Lời bàn của Lsts Cù Huy Hà Vũ)
j/ “Bằng tham nhũng siêu nghiêm trọng từ tham ô trực tiếp tài sản quốc gia đến vay bừa tiêu vung để nhiều thế hệ người dân sẽ phải è cổ trả nợ, bằng cướp đất của người dân, đặc biệt của nông dân tràn lan kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, bằng bóp nghẹt những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp bảo hộ các quyền tự do như quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền biểu tình, quyền đình công, quyền giữ gìn nơi thờ tự của các tín ngưỡng…, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng đang đi ngược 180 độ lợi ích của dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam.”
8/ Bào chữa cho tướng Trần Văn Thanh
Năm 2009, Tsls Cù Huy Hà Vũ có bài viết “Chánh án Tòa Đà Nẵng lập kỷ lục vi phạm nhân quyền”, trong đó nói về việc Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi đưa tướng công an Trần Văn Thanh đang bị hôn mê ra xét xử với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và cá nhân” theo Khoản 1, Điều 258, Bộ luật hình sự. Theo ông, đây là một “hành động vô cùng tàn bạo và man rợ, một phiên tòa chưa từng có trong lịch sử thế giới”. Ông cũng đề nghị cách chức và truy tố chánh án Nguyễn Văn Quận của Tòa án Nhân Dân Đà Nẵng về “tội làm nhục người khác” và “tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật”. Ông Nguyễn Văn Quận sau đó ngay lập tức được thay thế bởi một chánh án khác.
Sau đó Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ chính thức nhận lời bào chữa cho Thiếu tướng công an Trần Văn Thanh, nguyên chánh thanh tra của Bộ công an. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Nguyễn Thị Dương Hà thuộc văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ. Theo ông Vũ, Tòa án Đà Nẵng đã cố tính kéo dài thời gian để đến lúc cuối cùng từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa với lý do là đã cận ngày.
Ông Cù Huy Hà Vũ sau đó đã trả lời phỏng vấn đài RFA, trong đó ông cho rằng phiên toà xử tướng công an Trần Văn Thanh “mang hàm ý đe dọa người dân, đe dọa những người chống tham nhũng.” Theo ông Vũ, vụ án này “được tạo nên nhằm tiêu diệt tướng Thanh” vì ông Trần Văn Thanh là viên tướng chống tham nhũng. Cù Huy Hà Vũ nêu dẫn chứng là Thiếu tướng Trần Văn Thanh đã từng “chỉ đạo điều tra vụ án tham nhũng liên quan trực tiếp đến ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và hiện nay là bí thư thành ủy Đà Nẵng.” Ông Vũ cho rằng đây “là hành vi trả thù đối với việc chống tham nhũng”. Ông xác nhận Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ sẽ bào chữa cho tướng Trần Văn Thanh ở phiên toà phúc thẩm, tuy nhiên, sau đó đã bào chữa cho trung tá Dương Ngọc Tiến.
9/ Tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu ngôi nhà của cố nhà thơ Xuân Diệu
Năm 2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định số 21/2002 QĐ-BVHTT thu hồi một phần diện tích nhà đất từng là nơi ở của cố nhà thơ Xuân Diệu và cũng là nơi ở của gia đình Cù Huy Hà Vũ hiện nay tại số nhà 24 đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội để làm Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu.
Ông Cù Huy Hà Vũ cho rằng đây là một quyết định trái pháp luật, cụ thể là Luật Di sản văn hóa, Luật Thừa kế, Luật Đất đai, nhà ở, và ông đã làm đơn khiếu nại gửi chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào tháng 3 năm 2008. Theo ông Vũ, “Luật Di sản văn hóa chỉ quy định về thành lập bảo tàng chứ không quy định về thành lập Phòng lưu niệm”, còn nếu “Giả sử Phòng lưu niệm là bảo tàng thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin cũng không có thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng”; “di sản của nhà thơ không thuộc sở hữu của Nhà nước mà thuộc sở hữu của cá nhân tôi-Cù Huy Hà Vũ-với tư cách người thừa kế duy nhất của nhà thơ” và “chỉ có tôi với tư cách người thừa kế Nhà thơ Xuân Diệu mới có quyền lập hồ sơ đề nghị thành lập bảo tàng Nhà thơ Xuân Diệu (bảo tàng tư nhân) gửi đến người có thẩm quyền”.
Theo báo Tiền Phong thì nhà thơ Xuân Diệu mất khá đột ngột vào ngày 18 tháng 12 năm 1985, không có người thừa kế, cũng không để lại di chúc. Cũng theo bài viết này, trong thư ngày 22 tháng 3 năm 1996 gửi Văn phòng Chính phủ, nhà thơ Huy Cận khẳng định Cù Huy Hà Vũ là “cháu ruột và con nuôi” của Xuân Diệu, hy vọng Hà Vũ sẽ “giữ gìn, bảo quản di sản văn hóa, văn học của nhà thơ để lại”. Tác giả bài báo cho hay: Ông Cù Huy Cận (bố đẻ Cù Huy Hà Vũ), ông Ngô Xuân Huy (em trai của thi sĩ Xuân Diệu), bà Ngô Thị Xuân Như (em gái Xuân Diệu, mẹ đẻ Cù Huy Hà Vũ) thực tế đã cùng nhau bảo vệ cho Cù Huy Hà Vũ, tuy nhiên, 10 năm sau đó, các vị trên đều khuất bóng, nay con và cháu các vị nêu trên lại phải đối diện với một vụ tranh chấp pháp lý về sở hữu của ngôi nhà, khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội muốn lấy ngôi nhà làm “phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu”.
Tsls Cù Huy Hà Vũ cho biết: “Bộ trưởng Văn hóa Thông tin đã chính thức công nhận tôi là người thừa kế nhà thơ Xuân Diệu thông qua việc cấp cho tôi vào ngày 13/2/1995 “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền tác phẩm” trong đó ghi rõ Chủ sở hữu bản quyền tác giả Xuân Diệu: Cù Huy Hà Vũ (Người thừa kế)! Các “Giấy chứng nhận Đăng kí bản quyền tác phẩm” đều có chữ kí của ông Thượng Thuận, Giám đốc Cơ quan bảo hộ quyền tác giả Việt Nam”.
10/ Bào chữa cho giáo xứ Cồn Dầu: Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ đã can đảm nhận bào chữa cho 6 giáo dân Cồn dầu, mặc dù văn phòng của ông đã không được nhà cầm quyền Đà Nẵng cho phép.
11/ Trước nỗi thống khổ của dân oan, bị các nhà cầm quyền địa phương cướp đất, cướp ruộng, Tsls Cù Huy Hà Vũ thường lên tiếng bảo vệ những người thế cô sức yếu này. Như trường hợp bà Dương thị Kính đã bị Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy, nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Sài gòn và phe nhóm đã đập nhà, cướp đất v.v…
12/ Lên án một số viên chức đứng đầu 10 tỉnh cho thuê rừng đầu nguồn ở những nơi chiến lược cho các công ty Tầu Hoa lục, Đài Loan và Hương cảng trong 50 năm.
13/ Cổ vũ và bênh vực cho những người hoạt động dân chủ đã và đang đòi lại các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội.
14/ Yêu cầu thả hết các tù nhân chính trị và mọi quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa còn bị giam giữ, tổ chức truy điệu và ghi công các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với hải quân Tầu cộng.
15/ Bị lực lượng công an đập tường rào
Ngày 27 tháng 1 năm 2010, trả lời phỏng vấn phóng viên Mặc Lâm của đài RFA, Cù Huy Hà Vũ nói tường rào nhà mình bị ông Lê Văn Định, chủ tịch phường Điện Biện, Hà Nội dẫn một số lớn công an và dân phòng đến đập phá. Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường là Nguyễn Trọng Khanh đã trả lời rằng: “việc này ông ta cũng không muốn nhưng do sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Cù Huy Hà Vũ cho rằng đây là sự trả thù việc ông kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và đã đòi gặp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nhưng không được tiếp.
Và…
Khoảng 0 giờ sáng ngày 5 tháng 11 năm 2010, công an phường 11 quận 6, Sài gòn kiểm tra khách sạn Mạch Lâm, thấy cửa phòng ông Vũ không khóa và trong phòng có cả cô Hồ Lê Như Quỳnh thuộc Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh. Báo chí tại Việt Nam đưa tin là hai người này đang trong tư thế và trang phục nhạy cảm; khi kiểm tra hành lý trong phòng, lực lượng chức năng phát hiện trong phòng có 1 va ly nhỏ đựng máy tính xách tay, tư trang quần áo, hai bao cao su đã qua sử dụng trong sọt rác, và một số tài liệu được cho là “quan trọng”. Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Vũ và chị Quỳnh ngay tại khách sạn. Sau khi lập biên bản, khoảng 3 giờ sáng ngày 5 tháng 11 năm 2010, công an phường 11, quận 6 đã đưa 2 người nói trên về trụ sở đề làm việc. Công an cộng sản Việt Nam cũng đã kiểm tra máy tính cá nhân của ông Vũ và phát hiện nhiều tài liệu được cho là tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Cùng ngày, tư gia của ông Vũ tại Hà Nội bị khám xét.
Ngày 6 tháng 11 năm 2010, Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an họp báo cho biết ông Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam điều 88 – Bộ luật hình sự và đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê duyệt, trong đó các đơn kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được cho là “tài liệu đi kèm”, chứng cứ cho hành vi “bịa đặt, xuyên tạc sự thật lãnh đạo và quản lý của Nhà nước, Chính phủ, gây hoang mang trong nhân dân, kích động, cổ súy, hô hào chống Nhà nước” và “vu khống, xúc phạm danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền”.
Trên là những hành động hoàn toàn để bảo vệ cho sự thật, công lý cũng như hòa bình của ông bằng phương pháp bất bạo động, dựa trên nền tảng pháp luật hiện hành (trên giấy tờ) ở Việt Nam.
Kết quả của những nghĩa cử vì dân vì nước đó của ông đã không làm vui lòng đảng cầm quyền và đã đưa đến bản án 7 năm tù cùng 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”.
Tiếp theo đây, chúng tôi nêu lên hai người nhận giải Giải Nobel Hòa Bình 1993 và 2010 là những nhân vật đã và đang xả thân phục vụ nhân quần xã hội cũng như bảo vệ sự thật và công lý và được thế giới quan tâm ủng hộ.
IV/ Nobel Hòa Bình 1993, Nelson Rolihlahla Mandala:
Trong quá khứ, rất nhiều người hoạt động cho để bảo vệ Sự thật và Công lý đã bị tù đày bởi các chế độ độc tài, bảo thủ trong đó có Nelson Rolihlahla Mandala.
Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18 tháng 7 năm 1918) đã từng là Tổng thống Nam Phi từ 1994-1999, và là vị tổng thống dân cử đầu tiên, sau khi nước này dành được độc lập. Trước khi là tổng thống, ông Mandela là một nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc, và lãnh đạo của nhóm Umkhonto we Sizwe, thuộc Quốc hội châu Phi (ANC). Năm 1962 ông bị bắt và bị kết tội phá hoại đồng thời bị kết án chung thân. Ông đã bị giam 27 năm trong tù, trên đảo Robben. Sau khi ra khỏi nhà tù vào ngày 11 Tháng Hai 1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong các cuộc đàm phán tiến tới việc hình thành chế độ dân chủ đa sắc tộc năm 1994. Và khi trở thành tổng thống từ năm 1994-1999, ông đã giành ưu tiên trong việc hoà giải giữa các thành phần sắc tộc khác nhau.
Ở Nam Phi, Mandela thường được gọi là Madiba, Xhosa tên gia tộc của ông, hoặc là Tata (Xhosa: cha). Nelson Mandela đã nhận được hơn 250 giải thưởng trong hơn 40 năm, kể cả giải Giải Nobel Hòa bình năm 1993.
V/ Nobel Hòa Bình 2010, Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba):
Giải Nobel Hòa Bình 2010, Giáo sư Lưu Hiểu Ba
Nhà đấu tranh cho dân chủ tại Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba được Ủy ban Nobel của Na Uy trao giải Nobel hòa bình vào ngày thứ sáu 08/10/2010. Giải thưởng này, ngay lập tức đã bị đảng cộng sản Tầu bất bình và lên án dữ dội.
Các phương tiện tuyên truyền của cộng sản Tầu đã kiểm duyệt cũng như ngăn chận tất cả những thông tin liên quan đến giải Nobel hòa bình của ông Lưu Hiểu Ba, cũng như lập trường của nhân vật này kêu gọi một sự thay đổi chính trị ôn hòa tại Trung Quốc trên hệ thống xa lộ thông tin toàn cầu. Đồng thời đảng cộng sản Tầu gọi quyết định này của Ủy ban Nobel sẽ gây ảnh hưởng không tốt giữa họ với Na Uy – ngay lập tức Na Uy đã trả lời, đây là điều nhỏ, không quan trọng.
Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay dựa trên một truyền thống lâu đời của ủy ban nhằm tôn vinh những nhân vật bất đồng chính kiến trên thế giới và đây là giải Nobel đầu tiên cho cho những người bất đồng chính kiến Trung quốc kể từ khi nước Tầu cộng sản thực hiện kế hoạch cải tiến kinh tế dưới thời của Đặng Tiểu Bình cách đây hơn ba mươi năm. Một sự cải cách kinh tế, nhưng giữ chặt chính trị, mà hiện nay đảng cộng sản Việt Nam đang áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong sự khập khễnh ở Việt Nam, dưới nhãn hiệu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa Tầu cộng.
Ông Lưu Hiểu Ba 54 tuổi, bị kết án 11 năm tù vì âm mưu lật đổ nhà cầm quyền cộng sản Tầu. Ủy ban Nobel cho biết, ông là người đầu tiên được vinh danh trong khi vẫn còn ở trong tù, khác với những người đã nhận được giải trước đây, có người bị quản thúc tại nhà, hoặc bị tù trước khi được lãnh giải.
Những nhà bất đồng chính khác đã lãnh giải Nobel Hòa Bình gồm có Carl von Ossietzky người Đức năm 1955; nhà bất đồng chính kiến Liên Xô, ông Andrei Sakharov năm 1975; lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Ba Lan Lech Walesa năm 1983; cũng như lãnh đạo phong trào đối lập Miến Điện bà Aung San Suu Kyi năm 1991.
Ngày chủ nhật 10/10/2010, bà Lưu Hà được thăm viếng ông Lưu Hiểu Ba trong thời gian ngắn, qua đó, bà đã báo tin ông đã được Ủy ban Nobel trao giải Nobel hòa bình 2010. Ông Lưu Hiẻu Ba rất cảm động, nói trong nước mắt với người vợ rằng, ôn gdành tất cả danh dự này tặng cho những gia đình nạn nhân bị quân đội nhân dân thảm sát trong biến cố mùa xuân Bắc Kinh 1989.
VI/ Ngày 04/04 lịch sử:
Ngày 04/04/2011 là một ngày lịch sử của dân tộc. Ngày này đã ghi sâu vào tâm khảm mọi người dân Việt từ trong cho đến ngoài nước về việc đảng cộng sản Việt Nam đã kết án nặng nề một người dân yêu nước. Một người tận tụy với chức năng, hết lòng với lẽ phải và lương tâm để bảo vệ cho sự thật và công lý.
Một người đã trở thành điểm hội tụ của dân tộc từ trong ra ngoài, một người đã luôn ngẩng cao đầu không khuất phục trước cường quyền bạo lực.
Người đó không ai khác hơn chính là Luật Sư Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ
Ngày 04/04 cách đây 85 năm (04/04/1926) về trước là ngày quốc táng của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh ở Sài Gòn. Đây là một trùng hợp lịch sử có một không hai. Từ 60 đến 100 ngàn người dân đã đưa tiễn hương linh của cụ đến nơi an nghĩ cuối cùng. Cụ ra đi nhưng tinh thần phục hưng quyền làm dân của cụ vẫn còn vang vọng đâu đây.
Tinh thần này đã được Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ thực hiện bằng cả tấm lòng son sắt với đất nước và dân tộc qua những việc chúng tôi vừa trình bày bên trên.
Cù Huy Hà Vũ xứng đáng là biểu tượng của lương tâm của thời đại chúng ta.
VII/ Cù Huy Hà Vũ Nobel Hòa Bình 2012:
Qua phiên tòa ngày 04/04/2011 diễn ra tại pháp đình Hà Nội, và khi ông Nguyễn Hữu Chánh kết án Tsls Cù Huy Hà Vũ bằng sự vội vã, bất chấp luật lệ hiện hành (trên giấy tờ) đã nâng cao uy tín của của Tssl Vũ lên cao hơn trong dư luận quốc nội cũng như dư luận truyền thông quốc tế.
Thiết nghĩ trong trường hợp này, chúng ta cần phải quốc tế hóa cái bản án ngày 04/04/2011.
Qua 14 điểm được trình bày trong phần III những việc làm chấn động dư luận chỉ với một lý tưởng duy nhất đó là bảo vệ Sự Thật và Công Lý cũng như phục vụ cho hòa bình, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân tộc.
Do đó, Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam Và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu trang trọng đề nghị Tiến Sĩ Luật Sư Cù Huy Hà là ứng viên cho Giải Nobel Hòa Bình 2012.
Khi chọn Giải Nobel Hoà Bình 1993 Nelson Rolihlahla Mandala, để làm sự dẫn chứng trong bài là vì chúng tôi nhận thấy có điểm tương đồng giữa ông và Tsls Cù Huy Hà Vũ.
Đó là, khi Nelson Rolihlahla Mandala nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1993, khi ở cương vị tổng thống từ năm 1994, một trong những công việc ưu tiên cần giải quyết đó là thực hiện sự hóa giải hận thù, cũng như xung đột trong cộng đồng dân tộc Nam Phi.
Khi được biết Tsls Cù Huy Hà Vũ đã từng kêu gọi đảng Cộng sản Việt Nam hãy : ” thả hết các tù nhân chính trị và mọi quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa còn bị giam giữ, tổ chức truy điệu và ghi công các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với hải quân Tầu cộng”. Đó là một trong những lý do chính yếu khiến chúng tôi quyết định thực hiện online petition để kêu gọi cộng đồng người Việt khắp nơi ủng hộ tinh thần, đòi hỏi trả tự do cho ông cùng những tù nhân chính trị khác.
Đồng thời ông cũng là người trông rộng nhìn xa khi đề nghị Việt Nam cần liên minh quân sự với Hoa Kỳ là cấp thiết và quyết định để bảo vệ chủ quyền quốc gia và thu lại những phần giang sơn bị mất về tay Tầu như Hoàng Sa Trường Sa. Theo ông đây là một mệnh lệnh của thời đại.
Và đến phiên tòa vừa qua, ông đã thể hiện sự quả cảm để bảo vệ đến cùng lý tưởng của mình, trong sự quả cảm đó đã không thiếu đi tình cảm giữa người và người đặc biệt đối với gia đình khi ông nói : “Tôi là một con ngưòi bình thường, bằng xương bằng thịt, chứ không phải là sắt đá. tôi có một mái ấm gia đình, có những con người để chăm sóc, thương yêu chứ không phải để xa lìa. Nhưng tôi ngẩng cao đầu quyết giữ vững những quan điểm vì Nước, vì Dân ấy cho dù sự đàn áp, trả thù kia có khốc liệt đến đâu, để không hổ thẹn với truyền thống yêu nước của gia đình tôi…”.
Với những việc đã làm trong quá khứ, lý tưởng phục vụ tha nhân của ông, thiết nghĩ khi có điều kiện thực tế trong tay, Tsls Cù Huy Hà Vũ sẽ thực hiện được việc hóa giải sự hận thù, xung đột tư tưởng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam do cuộc chiến 1954-1975 gây ra và để lại.
VIII/ Những Bước Vận Động Cần Thiết:
Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu xin gởi lời đề nghị trang trọng này đến gia đình của Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ.
Đồng thời nhờ chuyển đến các vị luật sư Nguyễn Xuân Phước, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn và bà Vương Thị Thanh để thiết lập hồ sơ ứng viên Cù Huy Hà Vũ Nobel Hòa Bình 2012.
Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu thiết tha mong mỏi và kêu gọi các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, đảng phái chính trị, hội đoàn thân hữu, và những cá nhân người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nưóc, cùng chia xẻ với tinh thần của Tsls Cù Huy Hà Vũ hãy thành lập những ban bảo trợ cũng như giới thiệu ứng viên Cù Huy Hà Vũ Nobel Hòa Bình 2012.
Hồ sơ và thơ giới thiệu Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ Nobel Hòa Bình 2012 gởi về chậm nhất là trước ngày 31 tháng giêng năm 2012 là ngày Ủy ban Nobel Hòa bình tại thủ đô Oslo, NaUy, khóa sổ chấm dứt việc nhận đơn đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2012.
Đây là địa chỉ của Ủy Ban Nobel Hòa Bình của Na Uyhttp://nobelprize.org/nobel_prizes/peace/nomination/
Phần chúng tôi sẽ tiếp tục vận động trên hai hướng online petition cho tự do của Tiến sĩ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ cũng như những tù nhân chính trị Việt Nam khác; ngoài ra chúng tôi thực hiện thêm một online petition khác để ủng hộ ứng viên Cù Huy Hà Vũ Nobel Hòa Bình 2012.
Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế là ở chỗ này.
Đây là một vận hội lịch sử không thể nào để vuột mất được.
Trân trọng kính chào chư quý liệt vị.
Âu châu ngày 04/04/2011
Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc (Tổng thư ký Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu).
No comments:
Post a Comment